Việt Nam ưu tiên sản xuất chip bán dẫn, mục tiêu đào tạo 100.000 kỹ sư vào năm 2030
Việt Nam ưu tiên sản xuất chip bán dẫn, mục tiêu đào tạo 100.000 kỹ sư vào năm 2030
An Linh
Thứ hai, ngày 23/10/2023 11:10 AM (GMT+7)
Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh Việt Nam ưu tiên phát triển mạnh các ngành công nghiệp, trong đó có sản xuất chip bán dẫn, mục tiêu 2025-2030 đào tạo từ 50.000 đến 100.000 nhân lực chất lượng cao cho ngành này.
Đặt mục tiêu đào tạo 50.000 đến 100.000 kỹ sư ngành chip bán dẫn năm 2030
Báo cáo về các nhiệm vụ trong tâm năm 2023 và kế hoạch năm 2024 tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ VI, Quốc hội khoá XV đang diễn ra tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh các mục tiêu, chỉ tiêu của kinh tế Việt Nam năm 2023, năm 2024 và những năm tiếp theo.
Về động lực, người đứng đầu Chính phủ cho biết mục tiêu phấn đấu phát triển một số ngành, lĩnh vực then chốt, có thế mạnh và đặc biệt có lợi thế, giá trị cao mà Việt Nam đang hướng đến.
Thủ tướng nhấn mạnh cần tập trung phục hồi, phát triển mạnh các ngành công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo, sản xuất chíp bán dẫn. Chú trọng phát triển các ngành, lĩnh vực dịch vụ có tiềm năng, lợi thế, giá trị gia tăng cao.
Đặc biệt "chú trọng đào tạo nhân lực chất lượng cao cho những ngành, lĩnh vực mới nổi, trong đó tập trung đào tạo 50-100 nghìn nhân lực chất lượng cao cho ngành sản xuất chip bán dẫn trong giai đoạn từ năm 2025 đến năm 2030", người đứng đầu Chính phủ nói.
Về cơ chế khuyến khích khoa học và công nghệ, Thủ tướng cho biết Chính phủ sẽ tập trung triển khai có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 8 khóa XIII về phát triển đội ngũ trí thức trong tình hình mới; các Nghị quyết Trung ương, Kết luận của Bộ Chính trị về phát triển KHCN; Chiến lược phát triển KHCN và đổi mới, sáng tạo đến năm 2030.
"Rà soát, sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo, phong trào khởi nghiệp; chú trọng phát triển thị trường KHCN; có chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào hoạt động KHCN; nâng cao hiệu quả sử dụng quỹ phát triển KHCN của doanh nghiệp", người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh.
Liên quan đến lĩnh vực ngân hàng, Thủ tướng cho biết thời gian tới sẽ quyết liệt cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu; hoàn thành chuyển giao bắt buộc 4 ngân hàng yếu kém; hoàn thiện quy định pháp luật về xử lý nợ xấu, chấm dứt tình trạng sở hữu chéo.
"Tiếp tục cơ cấu lại, nâng cao hiệu quả hoạt động, đẩy mạnh đầu tư vốn của hệ thống DNNN, nhất là các dự án quy mô lớn, tác động dẫn dắt, lan tỏa trong các ngành kinh tế chủ lực, các ngành, lĩnh vực mới; sửa đổi Luật Quản lý và sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp", Thủ tướng nói. Đồng thời, cần "phát triển mạnh doanh nghiệp tư nhân thực sự là một động lực của nền kinh tế, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa", Thủ tướng cho hay.
Về thu hút FDI, Thủ tướng nhấn mạnh đến việc thu hút có chọn lọc các dự án đầu tư nước ngoài, gắn kết chặt chẽ với doanh nghiệp trong nước, tham gia sâu rộng hơn vào các chuỗi giá trị khu vực, toàn cầu. Chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển và ứng dụng KHCN, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phong trào khởi nghiệp. Tiếp tục thực hiện hiệu quả nhiệm vụ đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo và giáo dục nghề nghiệp.
Thủ tướng nhấn mạnh: Nhiệm vụ từ nay đến cuối năm 2023 và năm 2024 đặt ra là rất nặng nề và có ý nghĩa quan trọng, đòi hỏi các cấp, các ngành, các địa phương phát huy tinh thần đoàn kết, chung sức, đồng lòng, năng động, đổi mới, sáng tạo, không lùi bước trước khó khăn, thách thức, quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn, hành động quyết liệt hơn, bảo đảm có trọng tâm, trọng điểm.
Thủ tướng nhấn mạnh, nhiệm vụ năm 2024 là tập trung thực hiện hiệu quả, thực chất cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển nhanh, nhưng phải bền vững, phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thương mại điện tử, các ngành, lĩnh vực mới nổi.
Về mục tiêu, chính sách thời gian tới, Thủ tướng nhấn mạnh cần tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả; phối hợp đồng bộ, hài hòa, chặt chẽ với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm và các chính sách khác; tiếp tục phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay; tập trung tín dụng cho các động lực tăng trưởng (đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu), các lĩnh vực ưu tiên lĩnh vực xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, nông nghiệp, công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ.
Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh các giải pháp đẩy mạnh giải ngân các gói hỗ trợ nền kinh tế, thủ tục thông thoáng, tăng khả năng hấp thụ và tiếp cận vốn tín dụng triển khai hiệu quả các gói tín dụng ưu đãi hiện có, trong đó có triển khai hiệu quả các gói tín dụng 120 nghìn tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội và 15 nghìn tỷ đồng cho lĩnh vực nông, lâm sản và nghiên cứu bổ sung các gói mới.
Bên cạnh đó, phấn đấu tăng trưởng tín dụng năm 2024 khoảng trên 15%, nỗ lực giải quyết các điểm nghẽn, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh; tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng; bảo đảm ổn định thị trường tiền tệ, ngoại tệ; kiểm soát tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; tiếp tục phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất…
Về ngân sách, Thủ tướng cho biết Chính phủ sẽ quyết tâm thực hiện hiệu quả tăng thu, tiết kiệm chi NSNN; kiểm soát chặt chẽ bội chi, nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài quốc gia, nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ trong giới hạn cho phép của Quốc hội.
"Dự toán thu NSNN 2024 tăng khoảng 5% so với thực hiện năm 2023 để ưu tiên tăng cho đầu tư phát triển. Trình Quốc hội xem xét, cho phép tiếp tục thực hiện các chính sách miễn, giảm thuế, phí, lệ phí; ban hành kịp thời các chính sách phù hợp, hiệu quả liên quan đến thuế tối thiểu toàn cầu", Thủ tướng thông tin.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.