Đưa quá nhiều thông tin không có lợi
Ông Nguyễn Hoài Nam – Phó Tổng thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) cho biết, chúng tôi luôn đánh giá cao và muốn đồng hành với báo chí. “Tuy nhiên, chúng tôi thấy rằng hình như đang xảy ra khủng hoảng của truyền thông. Hiện nay, việc đưa thông tin cảnh báo thị trường ở các nước là chuyện hết sức bình thường, nhưng báo chí ở ta lại biến nó thành một trào lưu để đưa tin sẽ rất nguy hiểm cho ngành thủy sản”, ông Nam nhấn mạnh.
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển phát biểu tại diễn đàn Báo chí và doanh nghiệp thời hội nhập. Ảnh: VOV
Còn ông Phạm Đình Đoàn - Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái cũng đưa ra quan điểm: “Làm kinh doanh, tham gia thương trường ở Việt Nam hiện nay giống như người tham gia giao thông, cũng phải “lạng lách”, không cẩn thận là gặp nhiều rủi ro và nhiều khi làm đúng cũng chưa chắc đã an toàn”. Theo ông Đoàn, nếu DN được báo chí ủng hộ sẽ có thêm nhiều tâm huyết để hoạt động nhưng nhiều DN ngại gặp báo chí vì sợ lộ thông tin, hoặc cứ gặp là lại mời quảng cáo.
Cùng chung quan điểm trên, ông Nguyễn Văn Thanh - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho rằng, nhiều báo rút tít không đầy đủ, có khi “cắt cúp” mất ý của người nói khiến cho bài báo chuyển hẳn sang hướng khác gây hiểu nhầm đối với bạn đọc, đôi khi có thể ảnh hưởng đến uy tín của các DN. Bên cạnh đó, ông Thanh cũng bày tỏ quan điểm, một số phóng viên hiện nay còn non trẻ nên khi đi phỏng vấn nhiều khi đưa ra những câu hỏi rất “ngớ ngẩn” hoặc nhiều câu hỏi vượt quá quyền hạn và trách nhiệm của người được hỏi. Ông Thanh đưa ra ví dụ: “Có phóng viên hỏi tôi trong vấn đề BOT giao thông đang rất nóng hiện nay, “ông có thấy lợi ích nhóm không? ông có thấy có tham nhũng trong đó không?...”… Hỏi như thế thì tôi chẳng bao giờ trả lời được và ngay sau đó vị phóng viên này lại quy cho tôi là “thiếu trách nhiệm với cộng đồng”, ông Thanh kể lại.
Giúp phản biện chính sách
Ông Nguyễn Văn Đệ - Chủ tịch Hiệp hội DN vừa và nhỏ tỉnh Thanh Hóa cho rằng: Báo chí cần phản biện về chính sách, nói lên tiếng nói, tâm tư nguyện vọng của cộng đồng DN để có thể hạn chế, loại bỏ được những bất cập về chính sách .
Phát biểu tại diễn đàn, ông Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch VCCI cho biết: “Trong 5 tháng đầu năm 2016 đã có 25% doanh nghiệp phải đóng cửa. Trung bình khoảng 60% số DN kinh doanh hiện đang không có lãi nên danh giới giữa có lãi và phá sản rất mong manh, chỉ cần một tác động của báo chí cũng có thể bị ảnh hưởng tới hoạt động của doanh nghiệp. VCCI mong được hợp tác với các cơ quan báo chí. Các ý kiến của báo chí sẽ tạo áp lực cần thiết giúp Chính phủ đẩy mạnh cải cách thể chế”, ông Lộc nói.
Còn Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển thì cho rằng, trong hoạt động kinh doanh, ngoài sự nỗ lực tự thân của chính mình, DN cần sự hỗ trợ thông tin của báo chí, phản ánh khó khăn của doanh nghiệp kiến nghị điều chỉnh các chính sách bất hợp lý, tạo ra môi trường kinh doanh thông thoáng hơn cho doanh nghiệp. “Tôi cho rằng, doanh nhân và nhà báo vừa là người bạn đồng hành thân thiết, tương trợ lẫn nhau để cùng phát triển. Do đó, DN và Nhà báo cần trao đổi thẳng thắn để thúc đẩy mối quan hệ, vì lợi ích của hai bên.
“Nhiều doanh nghiệp phản ánh, mỗi ngày có tới 30 cuộc điện thoại tự xưng là Nhà báo nhưng thực chất chỉ là cộng tác viên hoặc nhân viên của các công ty truyền thông gọi điện mời quảng cáo. Chính những đội ngũ này đã làm cho doanh nghiệp nản, tạo ra khoảng cách giữa doanh nghiệp và nhà báo”, ông Nguyễn Văn Đệ - Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Thanh Hóa cho biết.
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.