Doanh nghiệp vận tải thông báo giải thể khi có đoàn kiểm tra: Đề xuất chuyển cơ quan điều tra
Doanh nghiệp vận tải thông báo giải thể khi có đoàn kiểm tra: Đề xuất chuyển cơ quan điều tra
Thế Anh
Thứ tư, ngày 06/12/2023 16:06 PM (GMT+7)
Đại diện Cục Đường bộ Việt Nam cho biết, các địa phương đề xuất, nếu tình trạng doanh nghiệp vận tải vi phạm phổ biến, có thể nghiên cứu chuyển cơ quan điều tra để xử lý.
Nhằm siết chặt quản lý các xe kinh doanh vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam đang đề xuất sửa đổi, bổ sung Nghị định 10 theo hướng thu hồi phù hiệu của các phương tiện vi phạm các quy định của pháp luật.
Cụ thể, Cục Đường bộ Việt Nam đề xuất Sở GTVT các tỉnh không cấp lại phù hiệu, biển hiệu trong thời gian 30 ngày kể từ ngày ký xử phạt; Không cấp lại trong thời gian 60 ngày đối với trường hợp vi phạm lần thứ 2 trong thời gian 6 tháng liên tục.
Đặc biệt, nếu các phương tiện vi phạm duá thời hạn, mà đơn vị kinh doanh vận tải không nộp sẽ bị cảnh báo trên hệ thống đăng kiểm.
Cùng với đó, dự thảo nghị định cũng bổ sung quy định thu hồi giấy phép với các trường hợp không chấp hành quyết định thanh, kiểm tra hoặc trong thời gian một tháng có từ 30% trở lên số phương tiện bị thu hồi tước phù hiệu, biển hiệu; Không cấp lại giấy phép trong thời gian 30 ngày kể từ ngày nộp lại đủ giấy phép và phù hiệu, biển hiệu. Trường hợp không nộp sẽ bị cảnh bảo trên hệ thống đăng kiểm và không cấp giấy phép trong thời gian 45 ngày.
Với phương tiện có từ 3 lần vi phạm tốc độ trở lên trong một ngày sẽ bị thu hồi ngay (hiện quy định xe vi phạm tốc độ từ 5 lần trở lên tính trên 1.000km trong một tháng mới bị thu hồi phù hiệu, biển hiệu).
Đề xuất chuyển cơ quan điều tra
Thông tin về những đề xuất nêu trên, ông Đỗ Công Thủy, Phó phòng Quản lý vận tải phương tiện và người lái, Cục Đường bộ Việt Nam cho biết, trong 10 tháng năm 2023, hàng chục nghìn phương tiện vi phạm tốc độ bị thu hồi phù hiệu, song tỷ lệ không nộp lại khá lớn.
Báo động hơn là không chỉ có tình trạng không nộp lại phù hiệu, biển hiệu khi bị thu hồi, theo phản ánh của các sở GTVT, còn có tình trạng doanh nghiệp vận tải trốn tránh khi biết có hoạt động thanh, kiểm tra của cơ quan chức năng.
Đánh giá về những vi phạm của các doanh nghiệp kinh doanh vận tải, ông Thủy tiết lộ: "Hiện đã xuất hiện tình trạng, sau khi cơ quan quản lý công bố quyết định thanh tra hay kiểm tra, khi đến trụ sở, đoàn thanh, kiểm tra nhận được thông báo đơn vị vận tải đã giải thể. Trong đó, không ít những đơn vị có hàng nghìn phương tiện.
Vì vậy, ông Thủy cho rằng, các địa phương đề xuất, nếu tình trạng này phổ biến, có thể nghiên cứu chuyển cơ quan điều tra để xử lý. Nếu đồng loạt ra quân thanh tra, kiểm tra tất cả các đơn vị trên địa bàn thì hiệu quả sẽ không cao. Do đó, các địa phương cần thay đổi theo hướng tổ chức thanh tra, kiểm tra, xử lý dứt điểm từng đơn vị để dần lập lại trật tự.
Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã thành lập 4 đoàn kiểm tra công tác quản lý nhà nước của Sở GTVT các địa phương đối với hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ôtô. Thế nhưng, tại các tuyến phố ở Hà Nội nhiều "xe dù, bến cóc" vẫn "lộng hành". Cơ quan quản lý nhà nước về giao thông vận tải đã làm hết trách nhiệm?
Theo ghi nhận của PV Dân Việt, tuyến đường gần các bến xe ở Thủ đô Hà Nội ngày càng xuất hiện rất nhiều xe khách từ nhỏ đến lớn gắn mác xe hợp đồng, xe du lịch chạy khắp các phố để đón khách, bốc xếp hàng hóa diễn ra một cách công khai vào nhiều khung giờ khác nhau trong ngày.
Nhằm hợp thức hóa cho hoạt động, nhiều nhà xe gắn mác điểm đi/đến của 2 đầu tuyến công khai để che dấu đi những vi phạm. Đáng chú ý, những nhà xe này còn lập các văn phòng ở nhiều tuyến đường tuyến phố làm điểm bán vé, đây cũng là nơi nhà xe đón khách, bốc xếp hàng hóa như xe chạy tuyến cố định.
Khảo sát của Dân Việt cho thấy, khu vực đường Trần Thủ Độ, quận Hoàng Mai và các tuyến đường gần bến xe Nước Ngầm có hàng chục văn phòng của các nhà xe tạo ra khung cảnh chẳng khác nào "những bến xe thu nhỏ" gây nhức nhối dư luận.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.