Doanh nghiệp vào mùa hàng tết, vẫn phải “ngó trước ngó sau” vì sức mua còn yếu
Doanh nghiệp vào mùa hàng tết, vẫn phải nhìn trước ngó sau
Quốc Hải
Thứ ba, ngày 21/12/2021 16:33 PM (GMT+7)
Nhiều doanh nghiệp (DN) tại TP.HCM đang tăng tốc, tất bật sản xuất hàng Tết. Theo chia sẻ của lãnh đạo các DN, nguồn hàng thiết yếu phục vụ thị trường Tết năm nay sẽ không thiếu nhờ kế hoạch sản xuất được đẩy mạnh…
Hiện các DN đang tăng cường nhập nguyên liệu, tuyển thêm lao động, vay thêm vốn… để kịp sản xuất hàng hóa phục vụ cho mùa Tết với tâm thế "sống chung" với dịch Covid-19.
Vừa làm vừa "ngóng" thị trường
Công ty CP Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (Vissan) cho biết đã có kế hoạch đầu tư hơn 754 tỷ đồng chuẩn bị hơn 2.800 tấn thực phẩm tươi sống, tăng 8% và hơn 4.200 tấn thực phẩm chế biến, tăng khoảng 6% so với cùng kỳ năm trước nhằm cung ứng cho thị trường mùa Tết sắp tới.
Theo ông Phan Văn Dũng, Phó Tổng Giám đốc Vissan, sau dịch, một số loại nguyên liệu, chi phí sản xuất tăng từ 20-30%. Ngoài ra, việc đáp ứng đầy đủ bộ tiêu chí an toàn phòng chống dịch trong sản xuất, kinh doanh cũng khiến chi phí tăng mạnh.
Tuy nhiên, DN vẫn cam kết bán với giá bình ổn thị trường 2 tháng trước, trong và sau Tết để chia sẻ khó khăn với người tiêu dùng.
Hiện, Vissan đang tuyển thêm nhân sự, tăng ca để sản xuất đủ nguồn cung thực phẩm phục vụ thị trường Tết, nhất là những mặt hàng như lạp xưởng, giò chả, xúc xích và một số sản phẩm mới như thịt tẩm ướp coca…
Bà Phạm Thị Huân (bà Ba Huân) - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty TNHH Ba Huân cho biết, đến thời điểm này công ty vẫn chưa dám bung ra sản xuất hết công suất. Qua khảo sát, sức mua của thị trường yếu, giảm khoảng 30% so với trước dịch bệnh. Cả tuần nay công ty triển khai các chương trình giảm giá sâu, nhưng sức mua vẫn chậm.
Trước đây, mỗi ngày công ty đưa ra thị trường khoảng 1,5 triệu trứng gia cầm, nhưng hiện nay bán chưa đến 1 triệu trứng/ngày. Theo đó, công ty tiếp tục thăm dò thị trường rồi mới chuẩn bị nguồn hàng Tết. Còn sức bán dự kiến bao nhiêu trứng/ngày trong dịp tết năm nay thì DN chưa dự báo được.
"Nguồn hàng của Ba Huân không thiếu, bây giờ chỉ chờ sức cầu của thị trường bao nhiêu thôi chứ DN đủ sức cung cấp đủ hàng cho thị trường", bà Ba Huân khẳng định.
Cũng theo bà Ba Huân, mặc dù chi phí sản xuất tăng, kéo theo tăng giá sản phẩm, nhưng Ba Huân cam kết sẽ vẫn giữ giá ở mức bình ổn thị trường trước, trong và sau tết Nguyên đán.
Ông Trương Chí Thiện - Giám đốc Công ty Vĩnh Thành Đạt (VFood), cho biết, hiện DN vẫn đang tuyển thêm nhân sự để đảm bảo được nguồn cung trứng tăng 50 - 70% so với bình thường, cho thị trường cao điểm cuối năm, đặc biệt tháng giáp Tết Nguyên đán, tương đương 1 - 1,3 triệu quả/ngày.
Theo đánh giá của DN này, so với cùng kỳ tháng trước thì nguyên liệu đầu vào đang tăng 20%. Trong đó, tăng giá cao nhất là hộp nhựa đóng gói sản phẩm, tiếp đến là chi phí vận chuyển tăng theo giá xăng dầu. Ngoài ra, chi phí nhân công cũng tăng cao do các DN đều muốn thu hút lao động phổ thông.
Tuy nhiên, ông Thiện cho biết, VFood chưa có kế hoạch điều chỉnh giá bán ở thời điểm này.
"Sức mua của thị trường đang thấp, nên chúng tôi cũng chưa có ý định tăng giá. Tuy nhiên, nếu gồng nữa mà quá sức chịu đựng thì DN sẽ xin điều chỉnh", ông Trương Chí Thiện nói và cho hay với mặt hàng trứng giá cầm, tới đây nếu có điều chỉnh thì cũng chỉ tăng giá dưới 10%.
Đặc biệt, mùa tết năm nay, DN này sẽ tung sản phẩm mới là những quả trứng gà chăn nuôi đạt chuẩn nhân đạo đầu tiên ở Việt Nam được đóng trong hộp giấy đẹp mắt. Đây sẽ là những món quà tết ý nghĩa mà DN muốn dành tặng cho người tiêu dùng.
Bảo đảm cân đối cung - cầu
Hàng năm thời điểm này, các DN sản xuất - kinh doanh thực phẩm đã nhộn nhịp tăng ca làm hàng Tết. Thế nhưng, theo ghi nhận của Dân Việt, năm nay do tình hình dịch Covid-19 kéo dài và đến nay vẫn chưa ổn định nên không khí chung tại nhiều DN vẫn khá căng thẳng do vừa lo kiểm soát dịch vừa lo sản xuất, khiến chi phí tăng mạnh.
Theo Sở Công Thương TP.HCM, dự báo tình hình thị trường dịp tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 sẽ khó khăn, các nhà sản xuất cũng dè chừng trong việc đầu tư. Vì vậy, từ nay đến giáp Tết, Sở Công Thương sẽ tập trungđẩy mạnh kích cầu tiêu dùng trong nước.
Trong đó, Sở Công Thương sẽ tập trung phối hợp các sở, ngành, đơn vị liên quan theo dõi sát diễn biến thị trường, cung cầu hàng hóa để chủ động phối hợp với DN bảo đảm cân đối cung - cầu các mặt hàng thiết yếu, bình ổn thị trường và góp phần thực hiện công tác an sinh xã hội... trong dịp trước, trong và sau Tết.
Trước diễn biến dịch Covid-19 tiếp tục phức tạp tại nhiều nơi, số ca nhiễm bệnh tại TP.HCM tăng trở lại, sức mua xuống thấp, mới đây Hội Lương thực Thực phẩm TP.HCM đã kiến nghị UBND thành phố có giải pháp hỗ trợ kích cầu tiêu dùng; hỗ trợ về nguồn vốn để phục hồi sản xuất trong thời điểm này.
Đặc biệt là các DN ngành lương thực, thực phẩm đang rất cần vay vốn với lãi suất ưu đãi để thu mua, dự trữ nguyên phụ liệu, thành phẩm chuẩn bị cho mùa sản xuất dịp tết Nguyên đán…
Ở góc độ các DN sản xuất, theo chia sẻ của một số DN, việc chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết đang gặp khó khăn. Trong đó, hàng hóa xuất nhập khẩu vẫn còn vướng trong khâu lưu thông; các DN sản xuất vừa phải tính toán cân đối chi phí sản xuất, tìm giải pháp bán hàng hiệu quả hơn, vừa phải kiểm soát dịch trong nội bộ.
Bà Ba Huân khẳng định, những ngày qua DN của bà được UBND TP.HCM, Sở Công thương TP.HCM hỗ trợ hết mức bằng các chương trình kích cầu.
"Sở Công thương TP không chỉ tổ chức các chương trình kích cầu, mà còn có các hội chợ để DN giới thiệu sản phẩm miễn phí. Nói chung là các DN thực phẩm đang được hỗ trợ khá tốt", bà Ba Huân nói thêm.
Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TP.HCM cho rằng, mọi năm các DN ngành lương thực, thực phẩm của thành phố đã chuẩn bị nguồn hàng gối đầu một tháng trước Tết và cả sau Tết với mức dự trữ tăng 20%, nhưng năm nay điều này là rất khó. Nguyên nhân là nguyên vật liệu đang tăng giá mạnh do dịch bệnh trên toàn cầu.
Hiện, các loại nguyên vật liệu nhập khẩu đều tăng 20 - 30%, hàng trong nước cũng tăng 10 - 15%.
"Ngoài giá xăng dầu, gas, nhân công tăng, không ít doanh nghiệp sản xuất thực phẩm chịu áp lực lớn khi giá bao bì, nguyên vật liệu đã tăng 10 - 35% so với lúc giá tốt. Do đó, nếu không có giải pháp giúp ổn định giá đầu vào, giá bán nhiều mặt hàng thực phẩm có thể còn tăng vào cuối năm", bà Lý Kim Chi nhận định.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.