Doanh nhân Tạ Quyết Thắng từng xây tặng TP Hải Phòng cầu Tam Bạc gần 80 tỷ đồng vừa bị khởi tố
Doanh nhân Tạ Quyết Thắng, người vừa bị Công an ở Hải Phòng khởi tố là ai?
Vũ Thị Hải
Thứ ba, ngày 26/04/2022 17:05 PM (GMT+7)
Ở Hải Phòng, nói đến ông Tạ Quyết Thắng nhiều người sẽ nhớ ông chính là người xây cây cầu Tam Bạc "trăm tỷ" tặng thành phố. Riêng tôi nhớ tới ông với dự án thuê đất của nông dân huyện Tiên Lãng để làm nông nghiệp công nghệ cao nhưng thất bại khiến hàng trăm ha đất của nông dân bị san phẳng, mất hết bờ vùng, bờ thửa...
Ngày 24/4 vừa qua, Viện Kiểm sát nhân dân quận Hồng Bàng, TP.Hải Phòng đã phê chuẩn Quyết định khởi tố bị can số 91 ngày 22/4/2022 của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận đối với ông Tạ Quyết Thắng (SN 1953, cư trú tại Hùng Vương, Quán Toan, Hồng Bàng, TP.Hải Phòng) về hành vi Gây rối trật tự công cộng, yêu cầu Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Hồng Bàng tiến hành điều tra theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự.
Với sự việc xảy ra tại bến xe Thượng Lý đêm 10/10/2021 (Báo Dân Việt đã có phản ánh) thì việc khởi tố doanh nhân Tạ Quyết Thắng là hệ quả tất yếu.
Sau khi báo Dân Việt đăng tải thông tin ông Tạ Quyết Thắng bị khởi tố bị can, nhiều độc giả bình luận bày tỏ sự cảm thông, thấy tiếc cho ông đã nóng vội, xử lý vụ việc thiếu chuẩn mực dẫn đến mất hết danh dự; cũng có người cho rằng, ông là doanh nghiệp mà làm thế, thì coi thường pháp luật quá...
Cũng có bạn đọc còn nhớ tới ông - một vị doanh nhân đã từng hiến nhiều tỷ dồng để xây cầu Tam Bạc (nối hai bên bờ sông Tam Bạc đoạn chợ Sắt cũ) để tặng thành phố.
Có bạn đọc nhớ tới ông - người mà cách đây 3 năm đã từng viết bức tâm thư gửi Tổng Bí thư- Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng giãi bày về những đoạn trường doanh nghiệp ông gặp phải trong suốt nhiều năm qua khi đối diện với các thủ tục hành chính, nhất là về đất đai, xây dựng. Những ách tắc trong thủ tục hành chính đó, theo ông nhận định đã kìm hãm sự phát triển của doanh nghiệp nước nhà.
Ngay sau đó, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà (thời kỳ đó) đã tổ chức buổi đối thoại và gặp gỡ với doanh nhân Tạ Quyết Thắng để làm rõ hơn những vấn đề ông Thắng đã trình bày trong bức thư gửi Tổng Bí thư cũng như trao đổi cách giải quyết tháo gỡ.
Sau khi nghe phần trình bày của ông Thắng và cộng sự, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cho rằng, những ách tắc trong cấp giấy phép xây dựng liên quan đến quy hoạch không phải riêng đối với Công ty Sơn Trường mà khá phổ biến đối với nhiều doanh nghiệp và người dân. Bộ trưởng đã giao các cục, vụ có liên quan khẩn trương xem xét đề xuất lãnh đạo Bộ điều chỉnh việc cấp phép xây dựng, vừa đảm bảo đúng quy trình nhưng phải trên tinh thần gọn nhẹ, đơn giản hóa thủ tục này.
Ông Phạm Hồng Hà lưu ý, việc thay đổi quy hoạch là cần thiết song phải rà soát kỹ, tính đến những tác động đối với các chủ thể sử dụng đất, các nhà đầu tư đã được giao đất, các công trình liên quan đã có trong phạm vi quy hoạch. Cần hết sức tránh thiệt hại cho doanh nghiệp và người dân. Quy hoạch phải công khai minh bạch và bảo đảm lộ trình triển khai thực hiện, khắc phục quy hoạch treo làm khổ người dân.
Hướng giải quyết tháo gỡ vướng mắc về thủ tục giấy phép xây dựng, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cam kế sẽ xem xét mở rộng đối tượng không phải cấp phép xây dựng; tiếp tục đơn giản hóa thủ tục hành chính trong cấp phép; sử dụng rộng rãi công nghệ thông tin trong cấp phép xây dựng. Về lâu dài, hướng tới việc chỉ sử dụng 1 trong 2 công cụ: Một là đã thẩm định thì thôi cấp phép; hai là, đã cấp phép thì không thẩm định.
Ông Tạ Quyết Thắng cũng là người viết bức tâm thư gửi tới Bí thư thành ủy Hải Phòng Lê Văn Thành năm 2018 (khi đó ông Thành chưa giữ cương vị Phó Thủ tướng) để hiến kế bảo vệ môi trường của Hải Phòng. Theo ông, TP.Hải Phòng nên đầu tư hệ thống quan trắc môi trường thật thường xuyên để dự đoán chính xác về diễn biến ô nhiễm không khí và nguồn nước của Hải Phòng, sớm cảnh báo nguy cơ ô nhiễm... để quyết định đầu tư các dự án có được hay không và đầu tư như thế nào?
Trong đơn gửi Bí thư Thành ủy Hải Phòng, ông Thắng đã nêu lên những yếu kém trong công tác quản lý môi trường của các ngành chức năng của Việt Nam vì không hiểu biết nhiều về công nghệ và ấu trĩ về môi trường nên chủ yếu chỉ dựa vào hồ sơ ĐTM do chủ đầu tư gửi tới. Chính vì vậy, trong nhiều năm qua các nước phát triển trên thế giới đã ngừng và từng bước tẩy chay các ngành công nghệ gây nhiều ô nhiễm (công nghiệp bẩn) được tập trung vào một số lĩnh vực khai thác mỏ, luyện kim, xi măng, nhiệt điện, hóa chất (phân bón, sơn, giấy), sửa chữa và đóng mới tàu biển, lọc hóa dầu... nhưng Hải Phòng vẫn hội tụ gần đủ các ngành công nghiệp nói trên.
Trong tâm thư, ông Tạ Quyết Thắng cũng chỉ ra những nguy cơ gây ô nhiễm môi trường khi thành phố cho triển khai xây dựng khu công nghiệp tại huyện An Dương với quy mô 800 ha. Theo ông Thắng, nếu không có phương án quản lý chặt chẽ về môi trường thì chắc chắn đây sẽ là khu công nghiệp bẩn và nếu vậy nó sẽ làm hỏng ngay nguồn nước sạch chủ yếu đang cung cấp vào thành phố. Trong tâm thư, ông đề xuất phương án thiết lập ngay một chế tài đặc biệt với khu công nghiệp An Dương về vấn đề ô nhiễm nguồn nước và thiết lập một số trạm quan trắc thường xuyên để cảnh báo kịp thời cho các chủ đầu tư xử lý sớm ngay từ đầu...
Trong mắt nhiều người, ông Tạ Quyết Thắng là người có nhiều công lao đóng góp cho sự phát triển của thành phố và đất nước, đó là một doanh nhân có tâm và có tầm.
Khác với nhiều người có cái nhìn một chiều về ông Tạ Quyết Thắng, tôi lại có cơ hội để đánh giá về ông đa chiều hơn. Ngoài những "cái được" mà doanh nhân này đã thể hiện như nhiều người ghi nhận, tôi nhìn thấy ở ông là một người khá tự cao, tự đại, "tự tin thái quá". Có lẽ, hậu quả hôm nay ông phải gánh chịu chính là bắt nguồn từ những đặc tính "chưa được" của ông.
Có lẽ, tôi là nhà báo khá khắt khe khi đánh giá thấp giá trị của cây cầu Tam Bạc mà ông Thắng đã hiến tặng thành phố. Tôi là 1 trong số ít nhà báo không đưa tin ca ngợi ngày ông Thắng khai trương cây cầu này. Tôi đã không viết bài phản đối, chê bai chỉ vì cho rằng, dù sao cũng là tấm lòng của một doanh nghiệp dành cho thành phố. Nhưng tôi vẫn luôn tiếc số tiền ông Thắng đã bỏ ra ngót trăm tỷ chỉ để xây dựng một cây cầu quá xấu, quá lố, quá thấp (nhiều người cho là rẻ tiền), gây cản trở luồng giao thông thủy của dòng sông Tam Bạc.
Với quan điểm của tôi và không ít người, ở vị trí ấy, thành phố cần có một cây cầu thật đẹp, thiết kế mang tính mỹ thuật cao, một cây cầu để đời cho dù có tốn kém, đắt đỏ hơn. Cây cầu đó phải thanh, phải cao, đủ để cho tàu bè đi lại, tính đến một tương lai không xa thành phố có thể cho triển khai dịch vụ du thuyền trên những chiếc tàu lu lịch chạy dọc dòng sông Tam Bạc như ở sông Hương (Huế). Vì thế, sợ rằng, một ngày nào đó không xa, người ta lại phải phá bỏ cây cầu mà ông Thắng đã tặng.
Trong dự án nông nghiệp công nghệ cao ở Tiên Lãng cách đây chục năm, khi bắt đầu triển khai dự án, ông Thắng hứa hẹn rất nhiều để bà con nông dân cho ông thuê đất. Không chỉ là hứa hẹn mà còn được thể hiện bằng văn bản giấy trắng mực đen.
Nhưng khi dự án thấy bại, ông đã lập tức quay lưng lại với bà con, bỏ mặc họ với những thửa ruộng màu mỡ đã bị doanh nghiệp của ông san phẳng, mất đi tính thuần hóa của đồng ruộng mà phải hàng trăm năm canh tác, cải tạo mới có được.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.