Lát bánh bán nguyệt thơm, ngon, có màu xanh biếc.
Cứ mỗi dịp cận Tết Nguyên đán, danh sách khách hàng đặt mua bánh tét hình bán nguyệt của gia đình bà Nguyễn Thị Thuấn lại dài thêm. Ở tuổi 80 nhưng mỗi độ Tết đến bà Thuấn phải cố gắng gói hơn 500 cặp bánh phục vụ thực khách.
Bà Thuấn cho biết, vì bánh tét có hình nửa vòng cung nên dân làng gọi là bánh tét bán nguyệt. Còn màu xanh của bánh được làm từ nước cốt của lá ngót.
“Nghề gói bánh tét bán nguyệt ở làng này đã có từ lâu, không ai biết rõ bắt đầu từ khi nào. Chỉ nghe người làng truyền lại là chiếc bánh như mảnh trăng treo trên lũy tre làng, tượng trưng cho sự bình yên, thanh tảo của làng quê” - bà Thuấn nói.
Gia đình ông Đào Bá Vây (trú làng Đại An Khê) cũng có truyền thống gói bánh tét bán nguyệt. Ông Vây cho biết, cách làm bánh tét bán nguyệt không quá khó nhưng khá nhọc công. Trước tiên phải chọn hái lá ngót tươi, rửa sạch, để ráo rồi đem xay nhuyễn, lấy nước trộn với nếp trắng. Nước lá ngót sẽ làm cho nếp có màu xanh, bánh mềm, vị ngọt. Nhân bánh được làm từ đậu xanh luộc mềm, chà mịn đem xào với hành, tiêu…, cộng với chất dinh dưỡng có trong nước lá ngót sẽ cho ra chiếc bánh màu xanh biếc, đẹp, thơm ngon.
Chị Nguyễn Thúy Ngọc, đến từ TP.Đông Hà (Quảng Trị) cho hay, Tết năm nào cũng đặt bánh tét hình bán nguyệt cho gia đình, bạn bè ở trong và ngoài nước.
“Bánh tét hình bán nguyệt có vị cay của tiêu, béo của đậu, thơm của nếp, hành phi và nhiều vitamin từ lá ngon rất tốt cho sức khỏe, đặc biệt bánh có hình bán nguyệt đẹp nên được nhiều người ưa chuộng. Mỗi chiếc bánh có trọng lượng 1,4 kg, tôi mua với giá 50.000 đồng” - chị Ngọc nói.
Ông Lê Ngọc Anh, Chủ tịch UBND xã Hải Thượng cho biết, làng Đại An Khê có 10 hộ chuyên gói bánh tét bán nguyệt với số lượng lớn. Lá ngót quanh vùng không đủ thì phải ra các tỉnh bạn để thu mua. Thị trường tiêu thụ bánh trên khắp cả nước từ Hà Nội vào đến TP.HCM cho đến nước ngoài. Có thể nói nghề gói bánh tét bán nguyệt là hồn cốt của làng Đại An Khê.
“Chúng tôi đang có kế hoạch thành lập tổ hợp tác sản xuất bánh tét bán nguyệt, từ đó đăng ký thương hiệu, địa chỉ để quảng bá rộng rãi hơn đến thị trường” – ông Anh nói.
Lá ngót được hái, rửa sạch.
Lá ngót được xay nhuyễn lấy nước trộn với nếp trắng.
Màu xanh của lá ngót sẽ làm cho chiếc bánh có màu xanh tuyệt đẹp.
Luộc bánh phải để ý lửa đỏ đều.
Xem thêm: Bánh tét cắt ra thấy chữ: Quà "độc" hút hàng ngày Tết
Vui lòng nhập nội dung bình luận.