Làng nghề truyền thống là một trong những điểm dịch vụ, du lịch phụ trợ rất hấp dẫn du khách, trong đó có làng nghề của những hộ sản xuất đũa đước, cho ra những đôi đũa vừa đẹp vừa bền mang thương hiệu vùng đất mũi Cà Mau.
Hộ chị Ba Tấm (Tạ Thị Tấm), Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp Tắc Gốc (xã Viên An) là một trong những cơ sở làm đũa đước nổi tiếng. Theo lời chị kể, cách đây hơn 10 năm, gia đình chị gặp nhiều khó khăn. Trong một lần tham quan các gian hàng bán quà lưu niệm tại những điểm du lịch Đất Mũi và các địa phương khu vực ĐBSCL, chị thấy các chị em tìm mua những sản phẩm dùng trong sinh hoạt gia đình, trong đó có đôi đũa.
Thế là chị Ba Tấm tìm hiểu và đến các cơ sở vót đũa thủ công ở địa phương học nghề và mở ra cơ sở sản xuất đũa nhưng bằng công nghệ máy móc. Sau 10 năm, cơ sở chị ăn nên làm ra và sản phẩm đũa đước của gia đình cung ứng ra thị trường hơn 200 triệu đôi mỗi năm, thu nhập trên 150 triệu đồng.
Vót đũa, tưởng đơn giản, nhưng để làm ra một đôi đũa thành phẩm phải trải qua nhiều công đoạn, như: Cắt xẻ gỗ, tề đầu, rọc vuông, chạy tròn, se đầu nhỏ, đánh nhám, phơi, vô bọc... Hiện nay, đôi đũa đước vùng đất mũi Cà Mau nói chung, đũa đước Chí Nguyện của cơ sở chị Ba Tấm nói riêng đã theo chân cùng du khách, có mặt trong những bữa cơm gia đình, các bữa tiệc, mang đậm hồn quê, ý nghĩa văn hóa.
Đũa đước là món quà không thể thiếu dành cho du khách đến du lịch vùng đất mũi Cà Mau.
Cây đước làm nguyên liệu đũa đước vốn mọc hoang rất nhiều trong các cánh rừng ngập mặn ven biển của tỉnh Cà Mau.
Huỳnh Lâm (Báo ảnh Đất Mũi)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.