Từ khi HTX nuôi tôm năng suất cao xã Tân Hưng thành lập và đi vào hoạt động, ông Huỳnh Diện mạnh dạn ứng dụng khoa học công nghệ cao vào sản xuất.
Đó là ông áp dụng quy trình biofloc trong nuôi tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh, năng suất đạt trung bình hơn 40 tấn/ha/vụ và trở thành HTX nuôi thuỷ sản đầu tiên trên địa bàn huyện Cái Nước ứng dụng quy trình mới này.
Bể nuôi tôm bằng khung tre của ông Huỳnh Diện, Giám đốc HTX nuôi tôm năng suất cao xã Tân Hưng.
Không dừng lại đó, ông Huỳnh Diện còn đầu tư máy xử lý nước nuôi tôm bằng tia cực tím, cấp nước trực tiếp cho ao đầm nuôi tôm không phải qua hệ thống ao lắng, lọc và xử lý, giúp xã viên tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả kinh tế trong nghề nuôi tôm.
Trong quá trình nuôi tôm, ông Diện còn tìm tòi, nghiên cứu và cải tiến thành công chiếc bơm chìm thành máy phun nước, dùng vào mục đích hạ nhiệt độ nước trong ao đầm nuôi tôm vào những ngày nắng nóng và giải phóng khí độc, giúp tôm nuôi phát triển nhanh, rút ngắn thời gian thu hoạch.
Mới đây, ông Huỳnh Diện có một cải tiến thành công được xem là chuyện lạ trong giới nuôi tôm ở Cà Mau. Ông cải tiến bể nuôi tôm siêu thâm canh theo hình thức ao nổi, chủ yếu sử dụng vật liệu có sẵn ở địa phương như tre, giá thành giảm gần 10 lần so với bể nuôi tôm có thiết kế khung sườn bằng sắt bán trên thị trường.
Ông Huỳnh Diện chia sẻ, sắt thép gặp nước mặn rất dễ gỉ sét, hư hỏng nên ông thay khung sườn bằng tre. Theo ông, bể nuôi 250 m2 làm khung tre khoảng 6 triệu đồng, còn bằng sắt phải hơn 50 triệu đồng. Hiện ông đang thả nuôi vụ thứ 2, chuẩn bị lên hầm xuất bán mà khung sườn bằng tre vẫn còn khá tốt, không cần gia cố.
Với việc cải tiến dùng tre làm ao nổi nuôi tôm, xã viên HTX nuôi tôm năng suất cao xã Tân Hưng chỉ cần vài trăm mét vuông đất xung quanh nhà là có thể thực hiện được mô hình nuôi tôm siêu thâm canh ngay tại hộ gia đình. Mật độ tôm thả nuôi có thể lên đến ngàn con/m3 nước, cao gấp 3 lần so với nuôi trong ao đất trải bạt./. |
Việt Tiến (Báo Cà Mau)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.