Mô hình “Ngôi nhà thu gom phế liệu”
Ước tính, trung bình mỗi ngày, toàn tỉnh Thanh Hóa thải ra môi trường khoảng 345 tấn rác thải từ nhựa (tương đương 0,1kg/người). Vì vậy, việc giảm thiểu ô nhiễm và tác hại do rác thải nhựa gây ra đang trở thành vấn đề bức thiết của cả cộng đồng.
Cuối tháng 9/2019, Hội Liên hiệp Thanh niên phường Tân Sơn triển khai mô hình “ngôi nhà thu gom phế liệu”. Ảnh: Đ.D
"Mô hình này được Hội Liên hiệp Thanh niên phường Tân Sơn phát động cuối tháng 9/2019, mang ý nghĩa tuyên truyền để mọi người hiểu về tác hại của rác thải nhựa và nâng cao ý thức cộng đồng trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường”.
Bà Lê Thị Phúc - Bí thư Đoàn phường Tân Sơn
|
Với mục đích kêu gọi người dân chung tay bảo vệ môi trường, trong đó, chú trọng việc bỏ rác đúng nơi quy định, Hội Liên hiệp Thanh niên phường Tân Sơn (TP.Thanh Hóa) đã triển khai thực hiện mô hình “Ngôi nhà thu gom phế liệu”.
Được thực hiện từ cuối tháng 9/2019, các ngôi nhà thu gom phế liệu có vai trò tập hợp vỏ chai sau sử dụng, vị trí đặt những ngôi nhà trên chủ yếu là nơi có nhiều hàng quán và đông người qua lại, gồm 4 điểm: Cổng ga Thanh Hóa, cổng bến xe phía Tây, cổng Trường Mầm non và Trường Tiểu học Tân Sơn. Sau thời gian ngắn thực hiện, đến nay, mô hình đã mang lại hiệu quả rõ rệt khi nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của người dân.
Anh Lê Văn Hùng - người thường xuyên uống nước tại cổng bến xe phía Tây, chia sẻ, do trước cổng bến xe tập trung nhiều quán nước, nên vỏ chai sau khi sử dụng thường được vứt bỏ khá nhiều, nằm rải rác khắp đường qua khu vực này.
“Từ khi có ngôi nhà thu gom phế liệu, việc bỏ rác đúng chỗ đã trở thành thói quen đối với mọi người ở đây, đường sá cũng vì vậy mà trở nên sạch sẽ hơn. Theo tôi, đây là ý tưởng rất tuyệt vời và ý nghĩa, mong rằng mô hình này nhanh chóng lan tỏa và được thực hiện ở các địa phương khác trong tỉnh” - anh Hùng nói.
Ý tưởng tuyệt vời và ý nghĩa
Một người dân sống cạnh Trường Mầm non Tân Sơn cho biết: “Việc đặt ngôi nhà thu gom phế liệu ở cạnh Trường Mầm non và Trường Tiểu học Tân Sơn có ý nghĩa giáo dục rất cao, điều này giúp các cháu học sinh có thêm cơ hội thực hành việc bỏ rác đúng nơi quy định, cũng từ đó, ý thức bảo vệ môi trường ngày một nâng cao. Giờ đây, các con đường trong khu phố đã sạch sẽ hơn trước, cảnh chai, lọ nằm ngổn ngang ở mọi nơi không còn nữa. Bà con sống ở đây đã hình thành thói quen phân loại rác trước khi đổ, vỏ chai nhựa và sắt vụn thì được bỏ vào nhà thu gom phế liệu, còn rác thải khác thì đổ theo đúng quy định”.
Định kỳ 2 - 3 ngày/lần, sau khi những ngôi nhà “ăn no” phế liệu, các Đoàn viên Thanh niên phường Tân Sơn cùng với Hợp tác xã Dịch vụ vệ sinh môi trường sẽ đến thu gom và bán phế liệu. Số tiền thu được sẽ sử dụng để mua quà tặng cho học sinh nghèo và ủng hộ các gia đình có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn vào dịp Tết Nguyên đán.
Tuy mô hình mới được triển khai, nhưng qua kiểm tra, đa số người dân trên địa bàn đều đồng tình và ủng hộ. Thời gian tới, để tiếp tục lan tỏa thông điệp “Vì môi trường không rác thải nhựa”, phường sẽ tiến hành lắp đặt thêm các ngôi nhà thu gom phế liệu ở cổng chợ Tây Thành và cổng Trường THCS Tân Sơn.
Trong bối cảnh thế giới và Việt Nam đang phải đối mặt với những tác hại từ rác thải nhựa, sáng tạo và cách làm hiệu quả từ phong trào phân loại rác thải nhựa của Hội Liên hiệp Thanh niên phường Tân Sơn đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của nhân dân, góp phần xây dựng cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.