Nữ giám đốc bỏ lương 200 triệu, rời phố về quê Đắk Nông "nuôi cá, trồng rau" mà thu hàng chục tỷ

Công Nam Chủ nhật, ngày 29/12/2024 05:36 AM (GMT+7)
Rời bỏ vị trí giám đốc với mức lương 200 triệu đồng/tháng, bà Bùi Thị Khánh Hòa trở về Đắk Nông làm nông nghiệp sạch. Từ một khu vườn nhỏ, bà đã xây dựng thành công mô hình nông nghiệp công nghệ cao, doanh thu hàng chục tỷ đồng mỗi năm.
Bình luận 0

Nữ giám đốc bỏ phố về quê xây dựng giấc mơ nông nghiệp sạch

Trao đổi với phóng viên Báo Dân Việt, bà Bùi Thị Khánh Hòa, ở xã Đắk Nia, TP Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông, chia sẻ trước đây bà từng đảm nhận nhiều vị trí quan trọng, như Phó Tổng Giám đốc một doanh nghiệp lớn tại TP. HCM và Giám đốc nhà máy sản xuất nhựa ở Long An, với mức lương đáng mơ ước lên tới 200 triệu đồng/tháng.

Nữ giám đốc “gàn dở”, bỏ lương hàng trăm triệu/tháng, về quê “nuôi cá và trồng rau” - Ảnh 1.

Bà Bùi Thị Khánh Hòa đã xây dựng thành công mô hình nông nghiệp công nghệ sạch áp dụng công nghệ cao, với doanh thu hàng chục tỷ đồng mỗi năm (dưa hấu "baby" được bán ra với giá bình quân 55.000 đồng/kg).

Đam mê nông nghiệp từ nhỏ, ngay khi còn làm việc tại thành phố, bà Hòa đã tận dụng tầng thượng của gia đình để tự trồng rau sạch. 

Đại dịch COVID-19 xảy ra đã đưa bà trở về Đắk Nông, nơi bà có cơ hội gắn bó và phát triển thêm niềm đam mê này trong khu vườn nhỏ của gia đình.

Nhận thấy nhu cầu ngày càng tăng về thực phẩm an toàn và tiềm năng phát triển nông nghiệp, cùng với sự ủng hộ từ bạn bè, bà Hòa quyết định từ bỏ mức "lương khủng" để khởi nghiệp với 500m2 nhà màng để trồng rau.

"Ban đầu, nhiều người nghĩ tôi liều lĩnh, thậm chí có người cho rằng tôi "gàn dở". Tuy nhiên, may mắn là tôi có nhiều bạn bè ủng hộ, và bản thân tôi cũng tin rằng nông nghiệp sạch là hướng đi bền vững. Đắk Nông là vùng đất có khí hậu thuận lợi, chỉ cần áp dụng công nghệ phù hợp thì chắc chắn sẽ tạo ra giá trị vượt trội", bà Hòa chia sẻ.

Nữ giám đốc “gàn dở”, bỏ lương hàng trăm triệu/tháng, về quê “nuôi cá và trồng rau” - Ảnh 2.

Với tổng diện tích 22ha ngoài sản xuất rau củ, bà Hòa còn phát triển các loại cây lâu năm như cà phê, sầu riêng, vải thiều.. và nuôi cá, heo rừng.

Đến năm 2022, bà Hòa thành lập Công ty Cổ phần Nông nghiệp sạch Đắk Nông, với 4.000 m2 nhà màng, tập trung vào trồng các loại cây như dưa lưới, dâu tây, dưa hấu và rau sạch. 

Áp dụng công nghệ tưới tiêu, bón phân tự động và hệ thống cảm biến, bà kiểm soát chặt chẽ các yếu tố như độ ẩm, nhiệt độ, dinh dưỡng trong vườn cây.

Nhờ quản lý khoa học, sản phẩm của công ty đạt tiêu chuẩn GlobalGAP, được thị trường TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng và các tỉnh lân cận "săn đón". Tháng 9/2024, 13 sản phẩm rau thơm cũng được xuất khẩu sang Singapore.

Nữ giám đốc “gàn dở”, bỏ phố về quê làm nông nghiệp công nghệ cao kết hợp du lịch

Nhờ áp dụng mô hình sản xuất khoa học và đầu tư công nghệ cao, Công ty Cổ phần Nông nghiệp sạch Đắk Nông không chỉ đạt hiệu quả kinh tế vượt trội mà còn đóng góp nhiều giá trị cho cộng đồng. 

Hiện công ty đang tạo việc làm ổn định cho 17 lao động thường xuyên với mức lương từ 7-8 triệu đồng/tháng, kèm chế độ bao ăn ở.

"Tôi tin rằng đây là hướng đi phù hợp với xu thế, mang lại lợi ích lâu dài cho người nông dân và cả cộng đồng", bà Hòa chia sẻ.

Trong năm 2023, khu vực nhà màng đạt doanh thu gần 6,4 tỷ đồng, chủ yếu từ các sản phẩm rau xanh, và dâu tây...

Nữ giám đốc “gàn dở”, bỏ lương hàng trăm triệu/tháng, về quê “nuôi cá và trồng rau” - Ảnh 3.

Theo bà Hòa, khó khăn lớn nhất là hơn 3 năm đầu tư bà vẫn chưa thể tiếp cận các nguồn vốn vay ở địa phương. Hiện nay, công ty mới đầu tư được 1,5ha nhà màng trên 22ha tổng diện tích.

Trong cơ cấu nguồn thu năm 2023 của trang trại, dâu tây (đạt giá trị 3,2 tỷ đồng), dưa lưới (thu về gần 2 tỷ đồng), cùng nhiều loại rau củ quả như chanh dây ngọt, ớt, cà chua, bầu, bí.

Bên cạnh đó, với tổng diện tích 22ha, ngoài sản xuất rau củ, bà Hòa còn phát triển diện tích 10 ha các loại cây lâu năm như cà phê, sầu riêng, vải thiều, măng cụt đem lại nguồn doanh thu đạt hơn 4,1 tỷ đồng. 

Cùng với đó, các mô hình nuôi trồng khác như trại heo rừng con, ao nuôi cá với diện tích mặt nước 2 ha, và 2 ha trồng dâu nuôi tằm mang lại doanh thu khoảng 3 tỷ đồng.

Đặc biệt, nữ giám đốc Khánh Hòa còn hợp tác với Trường Cao đẳng Cộng đồng Đắk Nông để hỗ trợ thực tập cho 22 sinh viên ngành Bảo vệ Thực vật, với mức thù lao 180.000 đồng/buổi, góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành nông nghiệp địa phương.

Nữ giám đốc “gàn dở”, bỏ lương hàng trăm triệu/tháng, về quê “nuôi cá và trồng rau” - Ảnh 4.

Dù đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận, việc đầu tư ứng dụng công nghệ cao cũng đặt ra không ít thách thức. Chi phí đầu tư ban đầu lớn và khó tiếp cận được với các nguồn vốn vay ở địa phương là rào cản đối với nhiều cá nhân và doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, bà Hòa còn kết hợp phát triển du lịch nông nghiệp với các vườn trải nghiệm trồng rau hữu cơ.

"Nông nghiệp kết hợp du lịch không chỉ tạo thêm giá trị kinh tế mà còn giúp người dân hiểu hơn về mô hình sản xuất sạch, thân thiện với môi trường, năm nay tôi chẳng thể nhớ hết đã có bao nhiêu đoàn khách tới thăm quan trải nghiệm mô hình này" bà Hòa vui vẻ nói.

Bà Hòa cũng chia sẻ thêm, khó khăn lớn nhất đến giờ của mô hình này là chi phí đầu tư ban đầu cao, yêu cầu người sản xuất phải có nguồn lực tài chính mạnh. Đồng thời, việc tiếp cận các nguồn vốn vay ở địa phương rất khó khăn.

Thống kê từ Sở NNPTNT tỉnh Đắk Nông, toàn tỉnh hiện có trên 85.000ha ứng dụng một phần công nghệ cao, với sản lượng trên 400.000 tấn/năm. Từ đó, góp phần nâng cao hiệu quả, giảm được nhiều chi phí sản xuất và nâng cao được năng suất, chất lượng sản phẩm nông sản.

Nữ giám đốc “gàn dở”, bỏ lương hàng trăm triệu/tháng, về quê “nuôi cá và trồng rau” - Ảnh 5.

Chỉ riêng đối với cây dâu tây vừa bán chậu (50.000 đồng/chậu) và bán trái (400.000/kg) năm 2023 đã mang lại về hơn 3,2 tỷ đồng.

Ông Phạm Tuấn Anh, Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh, cho biết đứng trước tác động của biến đổi khí hậu, tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp để phát triển nông nghiệp bền vững, tập trung vào ứng dụng công nghệ cao và sản xuất kết hợp du lịch.

Nữ giám đốc “gàn dở”, bỏ lương hàng trăm triệu/tháng, về quê “nuôi cá và trồng rau” - Ảnh 6.

Nữ giám đốc Bùi Thị Khánh Hòa, ở xã Đắk Nia, TP. Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông, chia sẻ tất cả những sản phẩm nông nghiệp sạch của công ty đều được săn đón và luôn trong tình trạng "cháy hàng".

"Sở đã tham mưu ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TU nhằm phát triển nông nghiệp bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu. Trong đó, khuyến khích nông dân chuyển đổi phương thức canh tác, từ độc canh sang mô hình đa cây, đa tầng canh tác, giảm sử dụng phân bón hóa học, ưu tiên sản xuất hữu cơ nhằm tiết kiệm chi phí và nâng cao giá trị sản phẩm", ông Phạm Tuấn Anh cho biết.

Tại Hội nghị Chủ tịch tỉnh đối thoại với nông dân (Chiều 27/12) ông Hồ Văn Mười, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông, nhận định Luật Đất đai năm 2024 mở ra nhiều cơ hội cho nông dân phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp kết hợp với du lịch. 

Các loại hình du lịch nông nghiệp, sinh thái và trải nghiệm đang thu hút ngày càng nhiều du khách trên cả nước đến với Đắk Nông.

"Du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái và du lịch trải nghiệm đang mở ra những tiềm năng to lớn. Vì vậy, đề nghị Sở Xây dựng nhanh chóng tham mưu UBND tỉnh ban hành các hướng dẫn cụ thể, tạo điều kiện để bà con kịp thời nắm bắt cơ hội và đón đầu xu hướng phát triển này", ông Hồ Văn Mười nhấn mạnh.

Nữ giám đốc “gàn dở”, bỏ lương hàng trăm triệu/tháng, về quê “nuôi cá và trồng rau” - Ảnh 7.

Chiều 27/12, ông Hồ Văn Mười, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông, chia sẻ tại Hội nghị Chủ tịch tỉnh đối thoại với nông dân: "Việc người nông dân tiếp cận nguồn vốn ngân hàng hiện nay đang rất khó khăn ở mấy ý: Việc định giá tài sản rất thấp, các ngân hàng ở trên địa bàn lân cận thì định giá gấp rưỡi, gấp hai, ngành ngân hàng phải suy nghĩ điều này."

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem