Độc lạ SEA Games: Võ gậy Việt Nam từng khiến Philippines… “chao đảo”
Độc lạ SEA Games: Võ gậy Việt Nam từng khiến Philippines… “chao đảo”
Long Nguyên
Thứ hai, ngày 01/05/2023 09:10 AM (GMT+7)
Sau lần đầu tiên được đưa vào chương trình thi đấu chính thức tại SEA Games 16 năm 1991, Arnis (võ gậy) luôn là ưu tiên hàng đầu mỗi khi Philippines là chủ nhà. Đáng chú ý, võ gậy Việt Nam từng khiến Philippines “nếm trái đắng” theo cách rất bất ngờ.
Võ sĩ võ gậy Việt Nam tập 6 tháng vẫn thắng nhà vô địch thế giới
Trong khu vực Đông Nam Á, rất nhiều quốc gia có những môn được coi là quốc võ và được ưu tiên đưa vào những kỳ SEA Games mà họ là chủ nhà. Thái Lan sở hữu Muay, Indonesia có Pencak Silat, Việt Nam tự hào với Vovinam và với Philippines, họ luôn muốn quảng bá ở mức tối đa môn võ gậy với các nước bạn.
Võ gậy được người Philippines gọi là Arnis hoặc Kali, Eskrima, Escrima. Ngoài ra, các quốc gia Đông Nam Á còn có những tên gọi khác như Krabi Krabong hay Trumbu. Võ gậy xuất hiện ở Philippines từ thế kỷ thứ 15 và được coi là môn võ hữu hiệu giúp người dân Philippines sử dụng để tự vệ.
Trong quá trình phát triển, võ gậy tồn tại 2 trường phái là cách tân (1 gậy ngắn) và cổ điển (1 gậy dài). Hiện nay, võ gậy phổ biến bằng… "tân cổ giao duyên" với đôi gậy gồm 1 dài và 1 ngắn. Khi thi đấu tại SEA Games, các võ sĩ tranh tài ở nhiều nội dung khác nhau, từ biểu diễn đến đối kháng, 1 gậy đến 2 gậy.
Võ gậy có các kỹ thuật cơ bản như đòn đánh, đỡ gạt, tước vũ khí, ném, quăng đối thủ. Với 8 thế tấn công, các cao thủ Arnis khi xuất chiêu có thể tạo nên những màn ra đòn rất biến hóa, đủ sức khiến đối thủ "tối tăm mặt mũi" trong việc chống đỡ.
Tháng 9/1991, Liên đoàn Arnis quốc tế được thành lập với 80 thành viên. Sau lần đầu xuất hiện tại SEA Games 16 năm 1991, phải tới 14 năm sau, ở SEA Games 23 năm 2005, khi Philippines lại là chủ nhà, võ gậy mới lại có trong chương trình thi đấu chính thức của đại hội.
Khác với việc tham dự để học hỏi trong lần đầu tiên, ở lần thứ hai tranh tài, võ gậy Việt Nam đã tạo được tiếng vang lớn khi giành 3 HCV, 3 HCB. Đây là điều khiến chủ nhà Philippines hết sức bất ngờ bởi họ tự tin sẽ tạo ra "mưa vàng" đến mức không có đối thủ ở môn thể thao truyền thống này.
Dấu ấn nổi bật nhất của võ gậy Việt Nam tại SEA Games 23 là chiến thắng của Nguyễn Quang Tùng trước võ sĩ chủ nhà vốn từng 3 lần đoạt chức vô địch thế giới. Nên nhớ, Quang Tùng chỉ có vẻn vẹn 6 tháng tập võ gậy cho đến khi thi đấu nhưng đã tạo tiếng vang khi đả bại đối phương dày dạn thành tích lẫn kinh nghiệm ngay trên đất nước tạo ra môn võ này.
Đến thời điểm hiện tại, võ gậy không phải môn thể thao quá xa lạ tại SEA Games và Philippines tất nhiên đã tiếp tục đưa vào thi đấu tại SEA Games 30 năm 2019. Mặc dù vậy, ngoài Philippines và Việt Nam, không nhiều quốc gia tại Đông Nam Á mặn mà với môn thể thao này.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.