Đó là cuộc đi trốn của bốn cậu học sinh Hà Nội từ một trại sơ tán ở một vùng quê. Do lo sợ bị điều tra xét xử vì một vụ tình cờ lấy súng đạn trong kho quân khí của bộ đội nên Tự Thắng, Việt Bắc, Hoài Nam và Linh đã bàn nhau đi trốn. Nơi trốn là một vùng hồ có nhiều hang động tên gọi Hồ Mây. Cùng đi có Sơn, con trai bác chủ nhà nơi Tự Thắng và Linh ở. Sau này trong quá trình trốn, Hoài Nam bị ong đốt phải trở ra, nhưng rồi có thêm Thảo bạn gái cùng lứa gia nhập, nên nhóm trốn luôn là năm người. Thời gian câu chuyện là vào khoảng 1965 – 1966 khi chiến tranh phá hoại của Mỹ bắt đầu mở rộng ra miền Bắc và các nhân vật trong truyện ở độ tuổi mười, mười lăm.
Bước chân đi trốn của bốn nhân vật đã được tác giả cho độc giả theo sát ngay lúc vào truyện, khi các cô cậu này còn là những chú bé ở trại nhi đồng trên ATK (An toàn khu) Việt Bắc với những chuyện sinh hoạt hồn nhiên nhi nhiên của tuổi nhỏ như đi ị rửa đít. Rồi từ chiến khu về lại thủ đô khi hòa bình lập lại, chúng vẫn quần tụ bên nhau trong một trại. Cho đến khi trại đi sơ tán và xảy ra cuộc đi trốn của chúng – nội dung chính của truyện – được bắt đầu từ mục 6 phần I của sách (tr. 49).
Cuộc đi trốn tưởng chỉ là chuyện vui đùa bốc đồng của những cô cậu học sinh đang ở khoảng tuổi nửa bé nửa lớn, nửa dại nửa khôn, pha thêm chút tò mò của những thiếu niên thành thị về ở vùng quê, dần dần đã trở thành một cuộc phiêu lưu nguy hiểm và một sự thử thách tôi luyện làm người. Bốn nhân vật học sinh đã lọt vào một vùng thiên nhiên hoang dại khi chưa hề có một hiểu biết nào về cây cỏ muông thú, chưa được trang bị những kỹ năng đi rừng đi thác, luồn hang lội suối, chống trả thú dữ. Chúng đã bị mất tích. Nhờ Sơn cậu bé bản địa am hiểu thiên nhiên và nhờ cả sức chống chọi bản năng cùng sự thích ứng kịp thời của bản thân, cả bốn đã tìm được cách sinh tồn trong những ngày đi trốn, tách biệt với thế giới bên ngoài. Cuối cùng cả bốn cô cậu thành thị được thoát nạn, còn Sơn đã chết ở chặng cuối đi trốn, trên đường về, do vết thương từ mảnh bom bị nhiễm trùng.
Cuộc đi trốn ban đầu như một trò chơi nhưng càng về sau nó trở thành một hành trình nhận thức. Đi trốn hóa ra là đi tìm. Tìm mình và tìm nhau, tìm vào bản thân và tìm ra cuộc sống. Bốn nhân vật là con của tướng lĩnh và cán bộ cấp cao, nhưng mỗi nhà có một hoàn cảnh khác nhau trong đại nghiệp. Cộng thêm với nhà Sơn một gia đình bị quy sai trong cuộc cải cách ruộng đất, năm hoàn cảnh gộp lại thành một bức tranh lịch sử bắt năm đứa trẻ phải đối mặt, không thể lẩn trốn.
Chuyện đi trốn có thể là thật và cuốn truyện viết về nó có thể dựa trên nguyên mẫu, cuối truyện tác giả còn úp mở về cái sự thực có và thực không này của câu chuyện như kiểu một thủ pháp làm nghề. Nhưng chuyện thực hay không thì khi vào truyện đi trốn không còn là chuyện của Tự Thắng, Việt Bắc, Hoài Nam, Linh, Thảo, Sơn, mà đã trở thành một tình huống nhà văn lựa chọn để buộc các nhân vật của mình xoay trở và ứng phó với cái không thể trốn được. Như cảnh trong hang Linh ở lại trông Việt Bắc bị thương để ba người bạn kia đi tìm đường thoát ra ngoài là một tình huống truyện để tác giả nói về thời cuộc lịch sử thông qua câu chuyện hai người bạn kể cho nhau nghe về người bố và gia đình của mình. Không ai trốn được quá khứ và lịch sử. Không ai trốn được bản thân. Nhiều câu văn và lời thoại trong truyện vượt ra ngoài câu chuyện đi trốn đơn thuần của bọn trẻ. Chuyện do đó đã là chuyện cuộc đời, chuyện thời đại.
ĐI TRỐN
Tác giả: Bình Ca
Nhã Nam & Nhà xuất bản Hội Nhà Văn, 2020
Số trang: 315
Số lượng: 5000
Giá bán: 110.000
Như vậy "Đi trốn" là cuốn truyện có thể đọc như một truyện phiêu lưu "đường rừng" ly kỳ, rùng rợn, hấp dẫn với rất nhiều những hang động đẹp được các nhân vật khám phá và đặt tên, rất nhiều những hoa lá chim muông được tác giả mô tả tỉ mỉ, chi tiết. Sách còn có cả bản đồ "Đi trốn" càng gợi tò mò cho người đọc. Bạn đọc nhỏ tuổi chắc sẽ hồi hộp theo dõi chuyến đi mạo hiểm nguy hiểm của các anh chị trong sách với nhiều pha giật mình đến kinh sợ hãi hùng và sảng khoái thích chí của con người giữa tự nhiên hoang sơ. Và cả những tiếng cười vui bật lên cùng các nhân vật khi họ đối xử với nhau vẫn là những đứa trẻ đang lớn. Về mặt này tác giả Bình Ca đã thành công ở mặt mô tả và dẫn dắt, tuy đôi chỗ đôi lúc thấy như nhân vật "già dặn" bất ngờ (mà ở phần trước họ còn rất trẻ con), có phải vì họ đã bắt đầu vào tuổi trưởng thành (Linh và Tự Thắng được tác giả cho hay là sinh vào đầu những năm 1950), không còn ở tuổi thiếu nhi. Trong các nhân vật tôi thích nhất là Sơn vì sống động, chân thật và vì… cái chết của Sơn đã làm nên sức nặng của cuốn sách. Không có Sơn đi trốn chỉ là một cuộc đi chơi. Nhưng như vậy "Đi trốn" lại cũng có thể đọc như là một cuốn sách về sự trưởng thành, lớn lên của con người, nhất là lớp trẻ trong một thời loạn lạc, cụ thể đây là những đứa con phải sớm xa cha mẹ đang đi hoạt động cách mạng trong vùng địch và chiến đấu ở chiến trường xa.
Bình Ca là một tác giả mới xuất hiện dăm năm nay với cuốn truyện đầu tay "Quân khu Nam Đồng" có tiếng vang rộng rãi. Anh viết truyện dựa trên chất liệu thực và biết viết một cách sinh động để cho người đọc không chỉ nghe kể về quá khứ mà còn có cái ngẫm ngợi quá khứ. Cuốn "Đi trốn" vẫn theo mạch viết đó, vẫn như thấp thoáng hình bóng ngoài đời, và vẫn được viết sinh động với câu chữ lời văn kỹ càng, giọng văn điềm đạm, cấu trúc chặt chẽ, nhịp nhàng.
Nhà văn Bảo Ninh trong lời giới thiệu đầu sách viết: "Đây là một vụ mất tích do nhà văn tưởng tượng ra hay là một hồi ức có thật? Bạn đọc khó lòng phân biệt, nhưng dù là hư cấu hay phi hư cấu, "Đi trốn" vẫn là một câu chuyện được kể rất sinh động và cảm động" (tr. 8). Một câu chuyện kể, rất đúng, nên đọc nó tôi vẫn cảm thấy thiếu một cái gì, hình như là về mặt thể loại. Tuy nhiên, "Đi trốn" vẫn là cuốn sách đọc thích và có thể sẽ vẫn lại thành công về mặt thị trường như cuốn trước của tác giả.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.