Đọc sách cùng bạn: Một lịch sử văn xuôi Việt Nam hiện đại
Đọc sách cùng bạn: Một lịch sử văn xuôi Việt Nam hiện đại
Phạm Xuân Nguyên
Thứ tư, ngày 10/04/2024 10:24 AM (GMT+7)
Chào bạn, ta gặp lại nhau. Hôm nay, tôi đưa đến bạn cuốn chuyên khảo văn học "Tiểu thuyết Việt Nam hiện đại 1925 – 1945 khai sinh và tiến trình" của Bùi Xuân Bào do Ngân Xuyên dịch từ tiếng Pháp.
Giáo sư Bùi Xuân Bào (1916 – 1991) xuất thân trong một gia đình Nho giáo gốc Quảng Nam, học tú tài ở Huế. Năm 1948, ông qua Pháp học văn chương tại Paris. Cuốn sách Tiểu thuyết Việt Nam hiện đại 1925 – 1945 khai sinh và tiến trình nguyên là luận án thứ hai (phụ) mà Bùi Xuân Bào đệ trình cùng luận án thứ nhất (chính) để lấy bằng Tiến sĩ văn chương quốc gia tại Đại học Sorbonne năm 1961. Năm 1972, luận án được in thành sách tại Sài Gòn trong tủ sách "Nhân văn Xã hội". Năm 1985 nó được in tại Paris trong tủ sách "Đường Mới". Bản dịch bạn đang đọc đây là bản tiếng Việt đầu tiên dịch từ tiếng Pháp theo bản in ở Paris.
TIỂU THUYẾT VIỆT NAM HIỆN ĐẠI 1925 – 1945
KHAI SINH & TIẾN TRÌNH
Tác giả: Bùi Xuân Bào
Dịch giả: Ngân Xuyên
Nhà xuất bản Tri Thức, 2024
Số trang: 431 (khổ 14,5x20,5cm)
Số lượng: 500
Giá bán: 225.000đ
Nguyên văn tiếng Pháp của luận án này là Naissance et évolution du roman viẹtnamien moderne 1925 – 1945. Tác giả để lên đầu sự "khai sinh" (naissance) và "tiến trình" (évolution) để nhân quy định bắt buộc người làm Tiến sĩ phải có thêm một luận án phụ ông muốn cung cấp cho người đọc Pháp và phương Tây một sự hiểu biết về lịch sử tiểu thuyết Việt Nam hiện đại – một quá trình đã được khơi nguồn và thúc đẩy từ chính văn chương Pháp. Điều này sẽ được ông nói rõ trong luận án khi so sánh ảnh hưởng của các nhà tiểu thuyết Pháp đến các nhà tiểu thuyết Việt Nam. Và đó là một điểm thú vị trong sự nghiên cứu của ông.
Chọn một đề tài luận án như vậy cho thấy Bùi Xuân Bào đã rất yêu văn chương dân tộc và rất tự tin. Vì ông đã phải đọc cả một khối lượng lớn các tác phẩm tiểu thuyết được sản xuất ra không chỉ trong thời gian hạn định của đề tài là năm 1925 – 1945. Vì ông phải đọc cả các báo chí thời ấy và các công trình nghiên cứu về lịch sử văn xuôi Việt Nam hiện đại đã được viết ra trước đó. Vì ông còn phải tham khảo trong văn chương Pháp xem tác giả nào, tác phẩm nào đã có tác động đến tác giả và tác phẩm của tiểu thuyết Việt Nam ở một phần tư thứ hai nửa đầu thế kỷ XX. Và vì ông phải đưa ra một cách nhìn, một sự phân chia lịch sử văn chương của riêng mình. Luận án vì thế nói là phụ nhưng thực chất đó đã là một công trình nghiên cứu văn học công phu và nghiêm túc.
Bùi Xuân Bào định nghĩa tiểu thuyết Việt Nam hiện đại "theo cách hiểu rộng nhất bao gồm tất cả các tác phẩm hư cấu bằng văn xuôi được thể hiện dưới hình thức tự sự và được viết bằng chữ quốc ngữ." Như vậy ông không nghiên cứu tiểu thuyết với tư cách là một thể loại riêng biệt mà như một thành tạo của một quá trình chuyển đổi tư tưởng văn hoá từ một xã hội truyền thống phương Đông sang một xã hội hiện đại theo kiểu phương Tây. Tiểu thuyết hiểu theo nghĩa như vậy là sản phẩm của thời nay, "đối lập với tiểu thuyết thời xưa gồm tất cả các truyện hư cấu viết trước thế kỷ XX". Buổi bình minh của thế kỷ cũng là buổi bình minh của lịch sử nền văn học dân tộc nói chung và lịch sử tiểu thuyết nói riêng.
Năm 1961, khi Bùi Xuân Bào làm luận án tiến sĩ văn chương tại Pháp thì ở Việt Nam chưa ai nhắc đến cuốn truyện Thầy Laza Phiền của Nguyễn Trọng Quản xuất bản năm 1887 tại Sài Gòn mà hiện nay được coi là cuốn tiểu thuyết đầu tiên viết bằng chữ Quốc ngữ của Việt Nam. Nên khi điểm bước đầu văn xuôi quốc ngữ Bùi Xuân Bào vẫn lấy mốc là năm 1925 khi xuất hiện hai tác phẩm: một là Quả dưa đỏ của Nguyễn Trọng Thuật và một là Tố Tâm của Hoàng Ngọc Phách. Sau khi phân tích nội dung và cách viết ở hai cuốn tiểu thuyết mở đầu này, ông kết luận: "Để hiểu giá trị của hai tiểu thuyết hiện đại đầu tiên của Việt Nam, cần đặt cả hai vào thời đại của chúng. Đây là lần đầu tiên một nhà nho cựu học viết một cuốn tiểu thuyết bằng chữ quốc ngữ và bằng văn xuôi, cố gắng sử dụng những gì ông biết về nghệ thuật tiểu thuyết phương Tây để bảo vệ luận đề thiết thân với ông. Cũng là lần đầu tiên một nhà văn trẻ học trường Pháp vẽ ra sự xung đột chết người giữa những khát vọng trong sáng nhất của con người và đạo đức cổ xưa: ảnh hưởng của chủ nghĩa lãng mạn châu Âu đã tạo cơ hội giải phóng những khuynh hướng tình cảm bị Nho giáo đè nén hàng bao thế kỷ. Cái cũ và cái mới, những đóng góp của văn hóa nước ngoài và những giáo huấn của đạo đức truyền thống, sự gặp gỡ của hai cái văn hóa, tất cả những điều này chúng ta sẽ tìm thấy với nhiều sắc thái khác nhau trong các tiểu thuyết thời kỳ 1925-1945".
Thời kỳ 1925 – 1945 được tác giả chia làm ba giai đoạn: 1) từ 1925 đến 1932 "được đánh dấu bằng sự xung đột giữa phái bảo thủ về đạo đức văn hóa và xu hướng giải phóng cá nhân, tức nói chung là xung đột giữa Nho giáo khô khan và tình cảm lãng mạn."; 2) từ 1932 đến 1940 tiểu thuyết hiện đại phát triển vượt bậc với sự thắng thế của khuynh hướng lãng mạn; 3) từ 1940 đến 1945 với sự nhường bước của chủ nghĩa lãng mạn trước chủ nghĩa hiện thực trong sáng tác của các nhà văn. Bùi Xuân Bào sẽ tập trung đi sâu vào giai đoạn thứ hai là giai đoạn phát triển rực rỡ của cả dòng lãng mạn lẫn hiện thực qua tác phẩm của Nhất Linh, Khái Hưng, Hoàng Đạo, Thạch Lam, Nguyễn Công Hoan, Vũ Trọng Phụng, Trương Tửu, Nguyên Hồng. Không thấy ông nhắc đến Nam Cao ở giai đoạn này mặc dù sáng tác của tác giả "Chí Phèo" nằm lọt trong khung thời gian ông lựa chọn nghiên cứu. Năm 1941 Nam Cao in tập truyện đầu tay Đôi lứa xứng đôi ở nhà Đời Mới gây được tiếng vang. Năm 1944 ông có "Truyện người hàng xóm" trên báo Trung Bắc Chủ Nhật. Chỉ duy tiểu thuyết Sống mòn thì viết năm 1944 nhưng đến năm 1956 mới xuất bản lần đầu. Nếu tiếp cận được cả các tác phẩm của Nam Cao thì phần nói về tiểu thuyết tâm lý trong sách này của Bùi Xuân Bào sẽ đầy đủ hơn.
Ở trên có nói tới cái hướng đi trong nghiên cứu tiểu thuyết Việt Nam hiện đại của Bùi Xuân Bào là xem xét ảnh hưởng của văn chương Pháp tới văn chương Việt. Nhờ cái đọc của ông mà từ sách này ta có thể biết được thêm ảnh hưởng đó cụ thể là thế nào. Trước nay ta chỉ biết tới sự phỏng tác của Hồ Biểu Chánh từ một số truyện Pháp như Sans Famille (Không gia đình, H. Malot) thành Cay đắng mùi đời, Le Comte de Monte Cristo (Bá tước Monte Cristo, A. Dumas) thành Chúa tàu Kim Qui, Les Misérables (Những người khốn khổ, V. Hugo) thành Ngọn cỏ gió đùa. Hay trường hợp truyện "Sống chết mặc bay" của Phạm Duy Tốn là dựa theo truyện "La Partie de billard" (Ván bi-a) của A. Daudet. Nay qua sách này của Bùi Xuân Bào ta biết thêm cuốn Người vợ hiền của Nguyễn Thời Xuyên có nhiều điểm chung với cuốn Une honnête femme của Henry Bordeaux "tới mức sẽ không phải là bất công khi xem nó như một bản cải biên tác phẩm Pháp sang phong tục Việt Nam". Hay như cái kết tiểu thuyết Hồn bướm mơ tiên của Khái Hưng với cái câu đã thành quen thuộc "Gió hiu hiu. Lá rụng" tưởng chừng như chỉ của riêng nhà văn Việt thì Bùi Xuân Bào lại đã phát hiện ra nó là của một nhà văn Pháp: François Coppée với tiểu thuyết Toute une jeunesse. Đó là sự "bắt chước nguyên gốc" của Khái Hưng và thậm chí của toàn thể các nhà văn thế hệ ông, Bùi Xuân Bào đã kết luận như vậy và dẫn ra văn bản cụ thể. Có thể nói sự so sánh này rất có ích cho các nhà nghiên cứu về văn xuôi Việt Nam hiện đại nửa đầu thế kỷ XX.
Một ưu điểm khác của cuốn sách là ở sự phân tích đánh giá tác phẩm của các nhà văn được xét đến. Bùi Xuân Bào đề cao sự hài hoà của nội dung và lối viết, tuy chưa có điều kiện đi sâu vào các kỹ thuật của tiểu thuyết như các nhà nghiên cứu về sau. Ông cũng không ngại đưa ra những sự chê trách. Lấy thí dụ như trường hợp Khái Hưng. Tác giả đánh giá rất cao tiểu thuyết Hồn bướm mơ tiên của nhà văn này: "Nếu phải nói ngắn gọn sự đóng góp của Hồn bướm mơ tiên cho tiểu thuyết Việt Nam, chúng tôi sẽ nói rằng với tác phẩm này, nhà tiểu thuyết đã tự xóa mình đi để cho các nhân vật lên tiếng. Chắc chắn tác giả đã gán cho hai nhân vật nam nữ của mình quan niệm của ông về ái tình và hạnh phúc. Nhưng ông đã thể hiện nó như là quan niệm của họ chứ không phải của mình. Trước Khái Hưng, các nhà tiểu thuyết áp đặt sự có mặt của họ cho độc giả và tranh luận để thuyết phục. Sau ông, họ tìm mọi cách đem lại cuộc sống cho những tạo vật do trí tưởng tượng của họ sinh ra. Điều này còn hơn là một sự thay đổi quan trọng: đó là một cuộc cách mạng thực sự trong kỹ thuật tiểu thuyết. Hồn bướm mơ tiên xứng đáng được coi là kiệt tác đầu tiên của tiểu thuyết Việt Nam hiện đại." Song khen thế nhà nghiên cứu lại chê những cuốn khác sau đó của Khái Hưng là không có giá trị bằng cuốn trước. Chê đến mức: "Chúng tôi thậm chí còn tự hỏi liệu sự nổi tiếng quá nhanh của Khái Hưng có gây tổn hại nghiêm trọng đến tài năng của ông hay không. Được giới trẻ ngưỡng mộ, ông khiến họ chấp nhận những tình huống khó xảy ra nhất, miễn là họ tán thành những ý tưởng thời thượng nhất định. Ở ông, nhà tiểu thuyết lý tưởng mất chỗ đứng mỗi khi dồn hết tâm trí vào việc vạch ra một cốt truyện lãng mạn." Ông đọc kỹ văn bản để có những nhận xét kỹ lưỡng, tinh tế. Như khi chỉ ra yếu tố Cơ đốc giáo trong tiểu thuyết Bỉ vỏ của Nguyên Hồng ông nhận thấy tác giả chừng như không quen với các thuật ngữ tên gọi mang tính Công giáo ở Việt Nam. Và ông dẫn ra một thí dụ ở phần chú thích là lẽ ra phải gọi cây gỗ đóng hình chữ thập mà Chúa Jesus phải vác đi là "Thánh giá" như cách gọi của người có đạo thì Nguyên Hồng lại dùng "thập ác" là cách nói của người không theo đạo. Có nhiều những nhận xét như vậy của Bùi Xuân Bào trong sách này. Cố nhiên một số ý kiến đánh giá của ông vẫn còn phải tranh luận, bàn cãi. Nhưng không phủ nhận là thái độ sòng phẳng, khách quan trong nghiên cứu văn học của ông là điều đáng quý.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.