Tác giả là một người Việt sống ở Mỹ. Ông sinh năm 1949 tại Hải Dương, rời quê Bắc vào Nam sống từ khi còn nhỏ. Năm 25 tuổi (1974) từ miền Nam ông được học bổng du học tại Mỹ, trở thành một chuyên gia về giáo dục và định cư tại đó từ bấy đến nay.
Ngót nửa thế kỷ sống xa quê xa nước, nhưng vẹn nguyên trong con người Nguyễn Bá Chung là tấm lòng thuần hậu Việt Nam được nuôi dưỡng bằng tiếng nói Việt, chữ viết Việt. Tiếng Việt ông mang theo mình từ ngày nhỏ trải qua một vùng phong thổ khác trong nước không bị pha lẫn, đến khi sống ở một phương trời khác vẫn giữ nguyên hồn cốt không bị pha trộn lai căng. Cho đến khi ông cầm bút viết thơ thì chữ ấy, tiếng ấy trào ra đầu ngọn bút, hiện ra dưới bàn phím như một thứ tài sản quý bao năm cất giữ được mang ra ánh sáng hiện lên vẻ dung dị, trong trẻo, cổ kính mà ngỡ đã mất đi sau bao thăng trầm thời cuộc và thế sự.
THƠ NGUYỄN BÁ CHUNG TUYỂN TẬP
Nhà xuất bản Hội Nhà Văn, 2022
Số trang: 319 (khổ 15x23)
Số lượng: 1000
Giá bán: 199.000đ
Nguyễn Bá Chung đã in bốn tập thơ riêng ở trong nước (Mưa ngàn – 1996, Ngõ Hạnh – 1997, Tuổi ngàn năm đến từ buổi sơ sinh – 1999, Nguồn – 2009). Tuyển tập này chọn lọc thơ trong bốn tập làm nên một chân dung thơ Nguyễn Bá Chung lặng lẽ, sâu kín, thiền tính. Ông làm thơ là để bộc lộ cõi lòng mình trước vạn vật và hư vô, trước cảnh đời và cảnh phật, trước trụ sinh và hoại diệt. Đọc thơ ông vì thế luôn vương một cảm giác buồn lan toả, mông lung và diệu vợi, cụ thể mà siêu hình, xa xưa và cổ kính, như ở quá khứ mà trong hiện tại. Tình ấy niềm ấy được nhà thơ gieo vào nhiều thể thức thơ: thơ hai câu, thơ lục bát, thơ thất ngôn, thơ tự do.
Không cay sao cũng tê đầu lưỡi
Nét hạc chưa xong đã hoá cò (Hai câu, tr. 107)
nhớ người để nhớ đừng buồn
nỗi đau cửa bể chuồn chuồn bay qua (Vòng không, tr. 123)
Một bông hồng cho anh
Một bông sen cho tôi
Ngát hương rừng và đầy tinh khiết
Nở giữa trần gian lạnh bóng người (Tặng hoa, tr. 163)
Để về đây nhận lại mặt người
Để mình biết mình vẫn là mình cũ
Bao đổi thay thăng trầm bong lớp vỏ
Nhìn quê hương để lại nhận ra mình (Quê hương, tr. 196)
Nhưng trong khi phần nhiều chìm vào hồn xưa bóng cũ, Nguyễn Bá Chung vẫn không quên sống với bây giờ. Cái bây giờ trong thơ ông rồi cũng nhanh chóng hoà vào cái khi xưa với nhiều nhớ nhung, luyến tiếc và cả chiêm nghiệm lẽ nhân sinh tuần hoàn. Như khi về Hà Nội năm 2000 ông thấy trẻ em chơi trò rồng rắn:
Tôi đứng lặng nhìn đàn rồng rắn lượn
Tuổi thơ bay trên tiếng vọng ngày xanh
Chú bé trai cười như cù nắc nẻ
Em gái hiền khúc khích níu áo anh (tr. 250)
Một cảnh tượng đồng dao giữa phố phường Thủ đô làm nhà thơ thích thú. Nhưng rồi ông chợt nhớ lại tuổi thơ và tuổi xưa của mình. Và ngậm ngùi:
Ngày xanh cũ có còn hanh nỗi nhớ
Hay sẽ vàng theo những tháng năm qua
Bóng em sáng lung linh thời tuổi dại
Đủ nhiệm màu rồng rắn tháng năm xa? (Rồng rắn, tr. 251)
Thơ Nguyễn Bá Chung êm đềm, hiền lành. Vì thế người đọc đôi lúc chợt giật mình khi đọc đến một câu thơ lạ, một từ dùng lạ trong thơ ông. Như bài "Chuyện thế gian" (tr. 24):
Mấy chữ ngày xưa nay mới thấm
Sống nửa đời người mới biết tên
Kêu vang một tiếng trời xanh thẳm
Xin mở cõi lòng cho nắng lên
Rồi sẽ trở về với viễn du
Nghe tia nắng ấm gọi sa mù
Nghe đời tan nát như tro bụi
Tan tác bay mình theo gió thu.
Câu thứ ba của khổ một gợi nhắc khẩu khí của Không Lộ Thiền Sư thời Lý "trường khiếu nhất thanh hàn thái hư" (một tiếng kêu dài làm lạnh cả bầu hư không). Hai từ "tan nát", "tan tác" nghe như tiếng nổ giữa những từ mang âm "u" mông lung, mờ mịt.
Hay như câu này trong bài "Vô đề" (tr. 154): "Phải uống cạn những vui buồn của cuộc đời/ Để khạc ra niềm vui". Chắc chưa ai dùng chữ "khạc" đi cùng chữ "vui". Có nỗi niềm cay đắng nào của nhà thơ cất giấu ở đây? Hai câu tiếp theo ông nói niềm vui "chắt từ biển nước mắt/ thắp từ tháp tang thương". Như thế có thể hiểu cái vui là đến từ tận cùng cái khổ, nên cái vui là phải "khạc" ra đầy đau đớn mới có được. Cũng như phải gom lấy bao nhiêu kỷ niệm của một đời người để làm gia tài mang theo: "Bao nhiêu kỷ niệm xin gom lấy/ Làm gia tài hong buổi xế chiều/ Năm tháng ngả nghiêng ngồi ngẫm lại/ Một đời nên gói lấy bao nhiêu?" Những câu thơ nào chỉ phải người xa xứ mới xa xót đến vậy.
Đọc tuyển tập cái thích là có được cái nhìn tổng hợp về một tác giả, tuy chỗ này chỗ kia có sự trùng lặp ở bài, ở ý. Thơ với Nguyễn Bá Chung đã là một niềm an ủi, một niềm vui, được sống trong/sống cùng tiếng Việt, được thả mình vào cả một trời hoài niệm, suy niệm. Với thơ ông đã làm một cuộc hành trình về lại cố hương, về lại bản thể, về lại với người. Trở về thương cha nhớ mẹ, thương nước thương nhà. Và thương mình.
Tôi sẽ trở về làm người không manh áo
Giá áo túi cơm rồi cũng chẳng làm gì
Tôi sẽ về trên những bờ đê cằn cỗi
Chết theo từng tiếng cú vọng chân đi
Tôi sẽ về gục đầu bên mộ bố
Lính Tây càn từ lúc tôi chưa sinh
Không biết mặt tôi vẫn ngỡ ngàng hình ảnh ấy
Hàng thanh niên giật khuỷu nước sông chìm
Tôi sẽ về cúi đầu xin lỗi mẹ
Bỏ một đời nuôi giọt máu thiếu cha
Bao giá lạnh chiều than người không nói
Bao ước mơ nay đã sóng qua phà
Tôi sẽ về làm người tù tự trói
Mang trên người những biểu ngữ đầy tên
Để được sống một lần trong tự hối
Với những người chưa biết vẫn thân quen
Tôi sẽ về với hầm bom hố đạn
Hai mươi năm băm nát mọi hình hài
Để sống lại một thời tôi muốn sống
Mà theo dòng con nước đã chia hai (Trở về, tr. 139-140)
Câu thơ nói về mẹ "bỏ một đời nuôi giọt máu thiếu cha" hay một cách nghẹn ngào, đau xót. Chính tình cảm đó đã đưa Nguyễn Bá Chung sớm tham gia nhiều hoạt động giao lưu văn hoá văn chương giữa Mỹ và Việt Nam ngay khi hai nước bắt đầu bình thường hoá quan hệ trong vai trò điều phối viên chương trình học hè tại Huế và chương trình Trao đổi Văn học Mỹ - Việt Nam của Trung tâm William Joiner. Nguyễn Bá Chung còn là đồng dịch giả tiểu thuyết "Thời xa vắng" (Lê Lựu) ra tiếng Anh và đồng chủ biên 12 tuyển tập song ngữ Việt – Anh về văn học Việt Nam. Năm 2002, ông đã cùng nhà thơ Kevin Bowen chủ biên số 141 tạp chí văn thơ quốc tế Manoa về đề tài Văn học Việt Nam đương đại.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.