Đọc sách cùng bạn: Những chuyện đời thường của một nhà chính trị

Phạm Xuân Nguyên Thứ ba, ngày 07/06/2022 11:12 AM (GMT+7)
Chào bạn, ta gặp lại nhau. Hôm nay, tôi đưa đến bạn cuốn sách "Đi tìm một vì sao" của tác giả Phạm Quang Nghị.
Bình luận 0
Đọc sách cùng bạn: Những chuyện đời thường của một nhà chính trị - Ảnh 1.

Cuốn sách "Đi tìm một vì sao" của tác giả Phạm Quang Nghị. (Ảnh: TL)

Dưới tên sách tác giả ghi thêm trong ngoặc đơn (Tự kể chuyện mình). Như vậy có thể coi đây là một cuốn tự truyện. Tự truyện của một con người mang tên Phạm Quang Nghị sinh năm 1949 tại một vùng quê Thanh Hóa học hết trường làng thì ra Hà Nội học khoa Sử (Đại học Tổng Hợp Hà Nội) rồi vào chiến trường làm công tác tuyên huấn, sau 1975 thì lần lượt đi lên theo con đường chính trị, vào Ban chấp hành Trung ương Đảng, Uỷ viên Bộ Chính trị, đại biểu Quốc hội, kinh qua các chức vụ Phó Ban Tư tưởng - Văn hoá Trung ương, Bí thư tỉnh uỷ Hà Nam, Bộ trưởng Bộ Văn hóa – Thông tin, Bí thư thành uỷ Hà Nội. Bây giờ khi đã nghỉ hưu ông viết cuốn sách này để "thử kể những câu chuyện rất đỗi bình thường của đời mình, những kỷ niệm riêng tư, từ những ngày thật xa, bây giờ mới kể".

ĐI TÌM MỘT VÌ SAO

Tác giả: Phạm Quang Nghị

Nhà xuất bản Hội Nhà Văn, 2022

Số trang: 650 (khổ 16x24cm)

Số lượng: 930

Giá bán: 300.000

Những ngày thật xa đó là từ thuở ấu thơ ở làng khi cậu bé Nghị cùng chúng bạn đêm đêm ngửa mặt lên trời đếm sao. Để rồi cậu bé tự hỏi trong niềm xúc động tuổi nhỏ ngôi sao nào trên bầu trời là chính tinh, định mệnh cuộc đời của mình. Điều này cậu bé hồi nhỏ không biết, đến tận bây giờ ông già là cậu bé ngày nào cũng không thể nào biết được. Nhưng dưới ngôi sao chiếu mệnh ấy một con người đã sống đã trải cuộc đời mình theo một số mệnh do tự cao xanh xếp đặt.

Cho nên anh sinh viên Phạm Quang Nghị chưa học xong đại học đã xung phong vào Nam, sung vào đội quân dân chính đảng chi viện cho chiến trường giữa những ngày chiến tranh ác liệt. Chàng trai mới ngoài hai mươi tuổi đã vượt Trường Sơn, trải qua những thử thách đạn lửa và ốm đau để vào đến tận Nam Bộ, đã xuống tận các vùng ven bám trụ chiến đấu và hoạt động cùng đồng chí đồng bào, và đã sống trở về khi hết chiến tranh. Hai phần đầu của cuốn sách – "Lớn lên bên dòng sông Mã" kể về tuổi thơ và "Chào mẹ con đi để được làm người" kể về chiến tranh – viết đan xen giữa các hồi ức, nhật ký, ghi chép, tài liệu đã cho người đọc thấy được bước đường lớn lên và trưởng thành của tác giả. Người ta hiểu hơn cuộc đời cá nhân của một con người mà thường khi đã trở thành nhà chính trị, nhà lãnh đạo thì thường bị khuất lấp hoặc bị che kín.

Phạm Quang Nghị những năm tháng chiến trường hiện ra trên những trang tự truyện chân thật, sinh động, là một cán bộ dám chịu trận, chịu chơi với bom đạn và với cả những sinh hoạt thường ngày vùng Nam Bộ, nhưng cũng là một thanh niên có tâm hồn thơ văn dễ rung động trước các biểu hiện của cuộc sống, biết ghi lại trong nhật ký sổ tay các sự kiện thường ngày. Chính nhờ sự ghi chép chăm chỉ đó mà sau này Phạm Quang Nghị đã cho ra tập sách "Nơi ấy là chiến trường" (2019) từ những trang nhật ký và tập thơ "Nỗi nhớ vùng ven" (2019) từ những trang sổ tay. Trong cuốn tự truyện này phần ghi chép ngày trước được dẫn trích đan cài vào mạch tự sự bây giờ khiến độc giả được sống thật với tác giả những năm tháng không thể nào quên của cuộc đời ông.

Nói thế cũng để nói người đọc khi đã đọc hết hai phần đầu của cuốn sách sẽ rất háo hức chờ đợi phần sau của nó khi Phạm Quang Nghị lần lượt giữ các chức vụ cao trong hệ thống chính trị và bộ máy chính quyền. Ông được điều về làm Bí thư tỉnh uỷ Hà Nam (1997) khi tỉnh này mới tách ra từ tỉnh Hà Nam Ninh và đã bị sa lầy vào một cuộc đấu đá nội bộ căng thẳng. Quả là một thử thách lớn đối với ông, một người chỉ quen làm công việc tư tưởng văn hóa, chưa từng kinh qua công tác quản lý, lãnh đạo lớn. Nhưng ông đã chấp nhận sự phân công của đảng và dấn thân. 

Giai đoạn bốn năm (1997 – 2001) làm quan đầu tỉnh này đã được tác giả viết khá kỹ càng, chi tiết, với những việc những người cụ thể. Điều này rất cần thiết và quan trọng trong một cuốn tự truyện. Ông đã vượt qua được cái "hạn 49-53" đời mình bằng việc ổn định được tình hình chính trị xã hội ở Hà Nam, đưa tỉnh này vượt qua khủng hoảng nội bộ để tạo đà phát triển. Có một chi tiết chứng tỏ sự dấn thân và bản lĩnh chính trị của bí thư tỉnh uỷ Phạm Quang Nghị. Đó là việc trong một dịp đầu năm mới, sau khi đã cùng đoàn lãnh đạo tỉnh đi kiểm tra đồng ruộng và thăm hỏi một số người, ông đã quyết định đến thăm chúc tết vị nguyên bí thư tỉnh uỷ lâm thời Hà Nam vừa mới bị khai trừ đảng. Mọi người e ngại, can ngăn, nhưng ông vẫn quyết đi. Và cuộc chúc tết bất ngờ đó đã diễn ra êm thấm. Kinh nghiệm này đã cho ông thấy phải "tin vào khả năng nhận ra lẽ phải, phục thiện của con người". Cho đến khi rời đi ông đã coi Hà Nam như quê hương thứ hai của mình, sau Thanh Hoá. Và Hà Nam cũng đã coi ông như người của tỉnh, bằng chứng là ông đã chọn Hà Nam làm nơi ra ứng cử đại biểu Quốc Hội khóa XI và đã trúng cử với số phiếu bầu cao nhất.

Thời kỳ Hà Nam là chương hai trong năm chương ở phần Ba của cuốn sách. Phần này mang tên "Những chuyện đã qua" với số trang chiếm gần nửa sách kể quãng đời gần bốn mươi năm từ sau 1975 của Phạm Quang Nghị. Về Hà Nam 4 năm, về Bộ Văn hóa – Thông tin 5 năm 1 ngày, về Hà Nội 10 năm. So với chương về tỉnh thì chương về Bộ và về thủ đô tác giả chủ yếu kể kết quả một số việc đã làm, không đi sâu vào quá trình một việc nào, dù trên thực tế có những việc rắc rối, gay cấn ông phải đương đầu mà nếu được kể lại ngọn ngành thì sẽ nói được nhiều điều. 

Trong các chuyện ở Bộ Văn hóa – Thông tin, ông Nghị có kể lại chuyện tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ nhân dịp kỷ niệm 50 năm sự kiện lịch sử vĩ đại này. Ông chỉ lướt qua những việc lùm xùm quanh đó, nhưng ông đã nhắc đến một nhân vật là Võ Thị Hồng, Giám đốc Công ty Mỹ thuật Trung ương, đơn vị chịu trách nhiệm thi công tượng đài. Ông Nghị nhắc lại chị Hồng với tình cảm nhân văn như muốn "minh oan" cho chị đã bị khởi tố và bị giam tại vụ án xét xử tiêu cực trong quá trình thi công tượng đài này. Ông viết: "Những đóng góp của chị Võ Thị Hồng trong quá trình xây dựng tượng đài "Chiến thắng Điện Biên Phủ" xứng đáng được ghi nhận, biểu dương, khen ngợi." Thái độ của tác giả nhìn lại việc đã qua như thế là đáng quý. Tiếc là ông Nghị không kể hết về vụ này vì như ông nói: "Là người trực tiếp theo dõi sát sao việc xây dựng tượng đài "Chiến thắng Điện Biên Phủ" từ lúc bắt đầu cho tới lúc kết thúc, tôi hiểu được những đúng, sai và nguyên nhân xảy ra vụ việc." (tr. 522). Tự truyện là chuyện cá nhân và một cá nhân có thẩm quyền phát ngôn về những chuyện quá khứ mình đã tham gia và tham dự như tác giả Phạm Quang Nghị thì độc giả có quyền đòi hỏi và trông đợi được biết rõ hơn, sâu hơn về các sự kiện có thật.

Điều tiếc nuối này càng rõ khi đọc những điều ông kể trong mười năm ông làm Bí thư Thành ủy Hà Nội (2006 – 2015). Trong mười năm đó có hai sự kiện lớn là việc mở rộng Thủ đô, sáp nhập Hà Tây vào Hà Nội (2008), và đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội (2010). Tác giả chỉ kể đầu việc, trong đó có nói đến Bảo tàng Hà Nội như một dấu ấn. Còn điều độc giả muốn biết là việc sáp nhập Hà Tây đã diễn ra quanh co, phức tạp thế nào, việc kỷ niệm nghìn năm đã tiến hành rắc rối ra sao mà ít đọng lại gì thì tác giả lướt qua. Có phải vì tác giả "tự kể chuyện mình" nên phải chọn lựa điều nói điều không cũng như phải cân nhắc điều nào được nói nên nói ở từng thời điểm. Ví như một "kỷ niệm" giữa tôi và ông Nghị. Năm 2011 tại Đại hội Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội (khóa XI) tôi đọc bài tham luận về trách nhiệm của văn nghệ sĩ thủ đô với tình hình biển đảo nước nhà. 

Bí thư Thành uỷ Phạm Quang Nghị sau đó phát biểu trước đại hội khi đọc xong bài viết sẵn thì đã nói vo hơn chục phút để nói lại bài tham luận của tôi. Chi tiết này chắc ông không nhớ và nếu có nhớ ông cũng không đưa vào sách, dù những chi tiết như thế có trong sách tự truyện chắc người đọc sẽ thích. Nhưng nếu tôi viết tự truyện đoạn kể về thời gian tôi làm việc Hội thì chuyện này tôi sẽ nhắc lại. Tự truyện mà!

Khép lại cuốn sách đời mình tác giả Phạm Quang Nghị viết lại điều đã nói ở đầu sách: "Tôi muốn nói lời cám ơn cuộc đời, những ân tình trên suốt dặm dài hơn hai phần ba thế kỷ bằng những trang sách kể lại những câu chuyện đời thường. Kể một cách chân thật và có thể là vụng về bởi thật lòng tôi không muốn vẽ vời, thêu dệt gì thêm cho những câu chuyện đã qua." Bạn đọc sẽ cảm nhận được điều tâm sự này của ông qua từng trang sách. Và điều quan trọng là tin được vào những lời kể của ông tuy còn muốn ông kể nhiều hơn, chi tiết hơn, sâu hơn những gì ông đã trải từ cương vị của ông, để được từ ông và những người như ông, biết rõ hơn, trung thực hơn những sự kiện lịch sử mà các ông nhận một phần trách nhiệm lớn đề xuất và thi hành. Những chuyện đời thường của một nhà chính trị được kể một cách trung thực, khách quan từ góc nhìn cá nhân trong tự truyện, hồi ký luôn được công chúng chờ đợi và đón nhận là vì vậy.

"Đi tìm một vì sao" trên trời từ lúc nhỏ đến lúc già không thấy, nhưng trong cuộc đời mỗi người có thể thấy.

Hẹn bạn lần tới với những cuốn sách mới khác!

Hà Nội, 7/6/2022

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem