Câu nói đó là một lời tự động viên mình, một sự khẳng định bản thân, một quyết tâm sống của một phụ nữ bị bệnh ung thư đang trong những ngày bước đi trên lằn ranh sinh tử vật lộn với sự sống của mình. Chị đã không qua khỏi và đã từ giã cuộc đời (1/2018) ở độ tuổi ngoài năm mươi. Nhưng chị đã để lại cho gia đình chồng con và cho nhiều người những ghi chép trong những ngày điều trị bệnh ung thư mà giờ đây ta được đọc. Chị là nhà báo Trần Thị Cúc Phương, một đạo diễn phim tài liệu, Trưởng phòng Văn nghệ (Đài Phát thanh - Truyền hình Đà Nẵng). Và cuốn sách của chị mang tên “Ngoài kia, trời rất xanh” được in ra từ tập ghi chép đó mà chồng chị, nhà báo Nguyễn Thế Thịnh, nhận thấy đó là chuyện riêng của vợ mình nhưng cũng sẽ có ích cho nhiều người nên đã quyết định đưa in sau ngày chị mất. Tập ghi chép đã được công ty sách Nhã Nam đón nhận và tổ chức bản thảo tốt để có được một cuốn sách hay đến tay bạn đọc.
Ung thư là căn bệnh hiểm nghèo, cho đến nay y học vẫn chưa có cách chữa trị đặc hiệu, ngoài chạy thuốc, phẫu thuật, hóa trị và xạ trị. Người bị K. thường coi như bị án tử, mang tâm lý rất nặng nề cho mình và cho cả người thân, cộng đồng. Cúc Phương cũng ở trong cảnh huống thông thường đó, nhất là trước khi bị ung thư vú chị lại đã bị ung thư cổ tử cung, phải mổ cắt buồng trứng. Câu hỏi mở đầu sách “Tại sao lại là tôi?” là nỗi bàng hoàng choáng váng ập xuống chị khi biết tin mình lại bị K. Nhưng sau đó chị đã gượng đứng lên, đã chống chọi cả với bệnh tật cả với bản thân, đã vừa quyết liệt theo thầy theo thuốc vừa cố gắng quân bình trạng thái tâm lý của mình để tiếp tục sống như một con người bình thường. Nhiều lần trong cuốn sách chị nói người ngoài nhìn vào mình không nghĩ là mình đang có bệnh, lại là bệnh ung thư, vì thấy chị vẫn “rạng rỡ, điệu đà”. Hai từ để trong ngoặc đó là của Cúc Phương đấy! “Chết cũng nên chết một cách kiêu hãnh chứ nhỉ. Tôi là đàn bà mà!” (tr. 166). Và cả cuốn sách là hành trình Cúc Phương vượt lên căn bệnh của mình cùng với sự giúp đỡ của các y bác sĩ, của chồng con bè bạn, của nhiều người tốt trong đời, để rồi đọc xong sách người đọc sẽ thấy mình được chị gây niềm cảm hứng, tự tin thực hiện hành trình cuộc sống của mình, không cứ là khi bị bệnh hiểm nghèo.
Đó có lẽ là điều Cúc Phương muốn để lại cho đời, muốn lan tỏa đến nhiều người. Chị muốn viết để chia sẻ. Cuốn sách trước hết có ích cho những ai đang phải chống chọi với các căn bệnh ung thư. Cúc Phương bằng kỹ năng của một nhà báo, một người làm phim tài liệu, đã ghi chép cụ thể từng bước khám chữa bệnh, từng giai đoạn điều trị, từng cách thức tìm tài liệu hướng dẫn y khoa, cả những thắc mắc về hoạt động ở Bệnh viện Ung Bướu nơi mình điều trị, và cả những suy nghĩ về ngành y nói chung. Những kiến thức, hiểu biết chị nói đến có thể giúp ích cho những ai ở trong hoàn cảnh đó bước đầu thực hiện. Đọc nó như là lời khuyên, lời chỉ dẫn của một người đi trước, đã có kinh nghiệm trải qua từ chính cơ thể mình. Nhưng cái chính của cuốn sách không phải là những chỉ dẫn y tế, mà là những tâm sự, tâm tình của tác giả về bản thân, gia đình, xã hội, về cuộc sống bên trong và bên ngoài, mà chỉ khi lâm tình thế bệnh tật con người mới phải buộc mình đối diện và suy ngẫm, rút ra những điều mà bình thường ít thấy, không để ý hay coi trọng. Bởi vì “ung thư không chỉ là một căn bệnh về thể chất” (tr. 169).
NGOÀI KIA, TRỜI RẤT XANH
Tác giả: Trần Thị Cúc Phương
Nhã Nam & Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 2018
Số lượng: 2.000 cuốn
Số trang: 250
Giá bán: 88.000đ
|
Vì thế Cúc Phương xác định rõ “với tôi, mục tiêu của chữa trị là nâng cao chất lượng cuộc sống” (tr. 138). Bệnh này đang khó chữa hết, chữa lành, nếu người mắc bệnh cứ sợ hãi, âu sầu thì bệnh sẽ càng khó chữa, mà cuộc sống của bản thân và gia đình sẽ trở thành địa ngục. Cúc Phương chọn cách biến nỗi đau thành những trải nghiệm thú vị, đó là một thái độ dũng cảm và an nhiên nếu biết rằng chị đã phải mổ đi mổ lại cho lần ung thư thứ hai vì bị tái phát. Ví như phải cắt bỏ một phần thân thể (“đoạn nhũ phải”) là đau đớn thật, nhưng hãy cứ nghĩ “Ờ, thân xác cũng giống như ký ức, khi vẫn phải bước đi mà sức còn có hạn thì cần phải bỏ lại vài thứ, nếu không thì làm sao mà bước tiếp?” (tr. 176). Ví như để tránh những tin đồn sai lạc về tình trạng sức khỏe của mình có cơ chế lan truyền không khác các tế bào ung thư là mấy, nếu như không thể hoàn toàn dập tắt, tiêu diệt được nó, thì hãy “khống chế nó theo hướng để phục vụ cho chất lượng cuộc sống của mình một cách tốt nhất” (tr. 158). Và thế là chị đã công khai hóa tình trạng bản thân bằng cách mở máy tính ra và viết. Từ đó chúng ta mới có cuốn sách này và Cúc Phương giờ đây vẫn có mặt trong cuộc đời chúng ta.
Cuốn sách còn gây xúc động ở những trang Cúc Phương viết về chồng con, về nhà mình nhà chồng, về những người anh người bạn. Chính tình yêu của/cho chồng con đã cho chị niềm tin và sức mạnh để vượt lên bệnh tật, để sống đẹp, sống xứng đáng đến tận giây phút cuối. “Đã có lúc quá mệt, tôi cứ tưởng: đã yêu anh xong rồi! Thế nhưng khi chìm trong hôn mê, sao tôi vẫn nhận ra lòng bàn tay anh ấm nóng đang nắm chặt tay mình? Giữa đám râu ria lởm chởm, là đôi môi anh rất mềm và ấm đang áp vào mắt tôi. Và rồi sau đó tôi lao xao nghe các bác sĩ gọi tên mình… Là anh đã đến để dắt em về với cõi đời này, hay anh đã tìm thấy em ở kiếp sau…” (tr. 180). Đọc phần này và cả sách người đọc không thể không thốt lên: Cúc Phương là một người phụ nữ hạnh phúc! Một hạnh phúc giản dị của một phụ nữ bình thường biết trong hôn nhân “yêu cái mình có sẽ có cái mình yêu”.
Và chị đã ra đi trong hạnh phúc đó. “Ngoài kia, trời rất xanh”, cuốn sách khép lại bằng năm chữ được lấy làm tên sách. Khi trên giường bệnh chị nhìn qua cửa sổ thấy hoa vẫn nở, chim vẫn hót chuyền cành, trời đất vẫn bốn mùa chuyển dịch. Nhìn vào tự nhiên như một cuốn sách, lật giở từng trang từng ngày. Và nhìn vào cuộc đời như một cuốn sách lật giở từng chương một đời. “Có những chương vui, có những chương tẻ nhạt và khó đọc. Nhưng với tôi, cho dù chương tiếp theo có thế nào thì tôi cũng sẽ bắt đầu chương đó bằng một chữ viết hoa đầy kiêu hãnh!” (tr. 250). Bởi vì, nhìn qua cửa sổ, “ngoài kia, trời rất xanh”.
Hẹn bạn lần tới với một cuốn sách mới khác.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.