Ông Đắc ơi,
Ông cho tôi về cái làng Triều bên biển Sầm Sơn của ông cùng nhé. Cái làng nuôi nấng ông từ nhỏ đến khi “thằng Tới đã lớn bằng sào / giấy trắng không viết viết vào cát khô”. Tôi muốn được về làng ông để đọc trên cát những gì ông viết từ ngày đó đến giờ. Ông vui lòng chứ?
Về làng ông, để thấy “trời cửa lạch như một vần thơ cổ”. Hay nhỉ, biển thì muôn đời sóng gió phá cách, muôn đời dạt dào cuồng nhiệt hăm hở, mà ông lại thấy ra cái vần thơ cổ của bầu trời trên biển thì rõ là biển sâu, sâu lắm đấy.
Về làng ông, để nhìn theo cái nhìn của ông thấy “biển nằm ngang trên vai” người dân chài khi vác cà kheo từ biển về nhà. Cái hình ảnh này có chỉ cho người vùng biển có khi họ cũng chẳng tin, nhưng cứ đọc cho họ nghe hết bài thơ của ông thì từ nay họ sẽ nhìn biển bao đời quen thuộc có một dáng hình mới. Cũng như “Ngọn sào cong đang dịch nắng sang chiều” thì rõ là mắt ông nhà thơ mới thấy ra được, và sau câu thơ đó từ đây cái nhìn ra biển của nhiều người cũng được dịch theo. Mà ông có những câu thơ hay về làng biển đấy, ông biết không, ông Đắc. Này câu “Mặt trời lên như quả chín cây buồm”. Này câu “Trăng như lỗ mắt trống không / Mang mây rũ rối bòng bong vào trời”. Tôi vừa nhặt hai câu thí dụ mà đã có hai chữ “như”, có vẻ ông thích so sánh hiển lộ nhỉ. Thì đây, một câu khác, “làng ta hết gánh lại gồng / buồn vui mình tự kông kênh lấy mình”. Lại nhân có hình ảnh trăng ở đây, tôi để ý là trong thơ ông trăng xuất hiện khá nhiều và cũng khá độc đáo, tỷ như “Mưa mới tạnh trăng liềm đà ngoắc cửa” hay “lá lúng liếng vào trăng chừng muốn nói”.
Về làng ông, để ngắm được cái lâu đài của dã tràng cao vợi. Nó không phải cao tự nó, “dã tràng xe cát biển Đông” mà, nhưng cao bởi có một người đã “nằm áp má vào cát nhìn”. Người đó dã tràng không biết đâu, nhưng tôi thì tôi biết ông Đắc ạ, người đó là một thi sĩ. Chỉ nòi thi sĩ mới biết cách cúi mình xuống ngang tầm những thấp bé của đời để những thấp bé đó được nâng lên tầm cao vợi của người. Tôi muốn về quê ông để mách với dã tràng điều đó và cùng nó đứng trước biển nói lời cám ơn ông vì câu thơ. Cám ơn người thi sĩ đã trân trọng dã tràng nên càng trân trọng con người, không cho phép ai được xúc phạm nhân phẩm con người. Về làng ông để tôi được chiêm ngưỡng cái hình em mà ông đã vẽ “trên cát trắng mặt người” xóa đi cái thực cảnh trên bãi biển “người ta xé áo em / để em thành thô thiển”. Thơ luôn gột rửa cho con người cao đẹp, trong sạch, như biển vậy.
Về làng ông, để được nghe bọn trẻ làng reo tên ông thành tiếng hát ông Đắc, ông Đắc, còn bạn già thì “vò” ông ra tâm sự. Chao ôi, chỉ một chữ “vò” thôi đã đủ nói hết cái tình của ông với làng và của làng với ông. Vò người như vò lúa, vò trong đống rơm đống rạ tuổi thơ, hương lúa tỏa bay và hương người cũng bay tỏa. Tôi biết ông cũng ngậm ngùi, ông Đắc ạ, không dưng mà ông tự thấy mình “xa quê tôi bỗng hóa thành người dưng”. Thì ai đi xa lúc trẻ trở lại quê nhà khi già mà không mang tâm trạng Đường thi của Hạ Tri Chương “Nhi đồng tương kiến bất tương thức / Tiếu vấn khách tòng hà xứ lai”.
Về làng ông, để từ biển vào nhà ông cho ông chỉ tôi thấy nơi đâu trong nhà chứa được cả dãy Trường Sơn và “đất nước tôi cũng nằm trong đó / trái đất quay đúng chỗ tôi ngồi”. Câu thơ kích thước vũ trụ này của ông làm tôi giật mình, thấy ông cao lớn vụt lên. Căn nhà ông ở quê trong câu thơ này đã vụt rộng thành trời đất. Có thế mới chứa được ông thi sĩ Văn Đắc chứ, hay nói đúng hơn mới đủ không gian cho tâm hồn thi sĩ của ông tung tẩy, bay nhảy. Nhưng trong căn nhà vũ trụ đó ông vẫn là người trần gian và bài thơ hay nhất, tôi thích nhất, trong tập thơ này của ông là bài thơ ông tặng vợ mà tôi xin phép ông dẫn hết ra đây.
VỢ
Khi anh đang lả tay ra với gió
Thì tay em đang sàng gạo
Khi anh đang nhấp chén trà như nhấp mật ong
Thì mồ hôi em ướt hai đầu vú
Em có có ghét anh không
Mà hôm nào em cũng dậy sớm
Rúc vào anh như con chó con.
Đây là một bài thơ hay viết về vợ, ông tin tôi đi, nó sánh được với rất nhiều những bài thơ về vợ của các đức ông chồng nhà thơ đã viết xưa nay. Tôi ngạc nhiên là ông đã viết được một bài thơ đầy ắp yêu thương tình nghĩa vợ chồng bằng một cách viết hiện đại, rất bạo. Gọi âu yếm vợ bằng tên con vật gần gũi trong nhà như thế trước chỉ có Nguyên Sa (“Hôm nay Nga buồn như con chó ốm”), và giờ là Văn Đắc (“Rúc vào anh như con chó con”). Còn ai nữa không? Mà cũng lạ lùng trùng hợp bài thơ của Nguyên Sa đầu đề chỉ một chữ “Nga” và của Văn Đắc chỉ một chữ “Vợ”.
Ông có đọc cho bà ấy nghe bài thơ này không, ông Đắc? Tôi chắc nghe được bà ấy sẽ ngượng ngùng sung sướng vô cùng. Khi đó ông là người vô cùng hạnh phúc về người vợ và về bài thơ. Vậy nên, ông Đắc ơi, tôi muốn về làng ông, vào nhà ông, để nói với bà ấy nhà ông một lời thì là mà rằng: vui sướng, và tự hào, và khó nhọc cho bà đã có một ông chồng Văn Đắc là thi sĩ.
MỘT MÌNH VỚI CỎ THI
Tác giả: Văn Đắc
Nhà xuất bản Hội Nhà Văn, 2018.
Số trang: 135
Số lượng: 1000
Giá bán: 86.000đ
|
Thi sĩ là gì? hẳn bà nhà ông sẽ hỏi tôi vậy. Tôi xin mượn lời nhà nữ thi sĩ Anh thế kỷ XIX Elizabeth Barrett Browning (1806 – 1861) mà thưa rằng: “Thi sĩ là nhà tiên tri của Chúa về cái Đẹp” (God's prophets of the Beautiful). Tất cả thực tại của trần gian được nhìn ngắm, soi chiếu qua con mắt và tâm hồn thi sĩ vụt trở nên lung linh, khác lạ, phát lộ ra những vẻ đẹp bất ngờ khiến người đọc thơ xúc động và suy nghĩ. Tôi đã gặp được, cảm được cái nhìn thi sĩ của ông Văn Đắc ở tập thơ này, thưa bà Văn Đắc, mà bài thơ ông ấy tặng bà là tiêu biểu thi sĩ đấy.
Từ làng ông tôi muốn cùng ông đi lại con đường thơ ông đã đi trong hành trình thơ mấy chục năm qua của mình. Thời chiến tranh, con đường ra trận bị đạn bom cày nát và những cô gái làm đường gian lao, dũng cảm là một đề tài đã được viết nhiều đến thành quen thuộc. Bản thân ông khi viết về đề tài này từ những năm bảy mươi thế kỷ trước cũng đã thấy đó là “một điều thật khó”. Nhưng rồi ông đã biết mở lối con đường thơ của mình từ một lòng ao cô gái mở đường giặt áo và cất tiếng hát. “Lúc áo giặt là lúc áo nghỉ / Em vắt khô / Đặt ngang lá cỏ / Một con đường / Để em hát riêng em”. Khéo lắm ông Đắc ạ, chọn một nhát cắt, một khoảnh khắc tĩnh tại, “một buổi chiều lạ” trong thời chiến biến động làm điểm tựa cho bài thơ đứng được. Câu thơ ngắt nhịp vừa mô tả động tác vừa giữ gìn khoảnh khắc. Tiếng hát “thả cánh chim vào con đường” và bài thơ dừng lại cho cánh chim bay mãi theo năm tháng, vượt qua tính thời sự của đề tài, vượt qua mốc thời gian cụ thể, để còn ngân dài với đời người. Đọc bài thơ không thấy cũ, tưởng như tiếng hát-cánh chim ấy vẫn còn rung đập phập phồng trong từng con chữ. Bài thơ câu chữ bình thường nhưng chẳng hiểu sao đọc nó tôi cứ có một nỗi rưng rưng xúc động, bồi hồi. Nỗi bồi hồi như thương cảm dù vẫn biết là bài thơ viết trong không khí ngợi ca của một thời. Những con đường còn đó, những con người về đâu. “Áo của hôm nào, người của hôm nay” (Phạm Tiến Duật) biết là thế nào. Nhưng bài thơ là chứng tích một thời lịch sử, cũng là chứng tích của một hồn thơ, một giọng thơ, một thi sĩ – Văn Đắc.
Trong tập, ông còn có mấy bài viết về những con đường trên hành trình chuyển động của con người xuyên trong không-thời gian lịch sử vẫn với một cảm thức bình thường mà lớn lao ấy: “Lá cỏ bên đường cũng lả xuống bàn tay”. Ông đã đi trên những con đường dọc dài đất nước trong thời bình qua những vùng đất khác nhau và đến đâu ông cũng có thơ ghi lại như một kiểu “nhật ký du hành”. Kiểu thơ này viết không chắc tay, không có cảm xúc thi sĩ, dễ là khuôn sáo, công thức. Nhưng tôi mừng ông đã có những câu thơ ghi dấu ấn của mình. Này đi thuyền sông Hương: “Ai kê sông lệch bên trời / Để câu ca Huế một đời rơi nghiêng”. Sông Hương đã lạ trong mắt Cao Bá Quát thành một lưỡi gươm dựng giữa trời (“trường giang như kiếm lập thanh thiên”), nay lại lạ thành “sông lệch” trong mắt ông đấy, ông Đắc ạ. Này nhậu với người Năm Căn: “Tàn cuộc nhìn mặt nhau / Thấy toàn kênh với rạch / Sóng biển đông, biển tây / Đổ ào ào trên ngực”. Rất tính cách người và đất Nam Bộ. Này thăm lầu ông Hoàng: “Sóng Mộng Cầm dắt bể Hàn Mặc Tử / Đi trong đời như một tiếng chuông tan”. Câu thơ sau tài hoa đấy, và cả hai câu rất đúng cho người và thơ Hàn. Này trái tim dọc đường: “Lòng tha thẩn với Tháp Chàm ráng đổ / Những vườn xoài bổ ra vàng cả gió”. Câu thơ đọc lên nghe cả mùi thơm làm tôi lại thèm đi.
Cho đến cả Hà Nội ông cũng tìm được cách cấp cho nó một hình ảnh mới trong con mắt thơ của mình. “Xòe tay Hà Nội trong tay / Ngả nghiêng mắt phố ướt say mặt hồ” là khi một lần đưa người yêu tìm người yêu. “Ở quê quanh quẩn với trời / Ra đây quanh quẩn với người quẩn quanh” là khi “thằng làm thơ, thằng trồng rừng” rủ nhau ra Hà Thành chơi. “Bây giờ Hà Nội xa vời vợi / Len lén đường trăng xuống ngoại ô” là khi nhớ về chốn ấy một thời mà chạnh lòng giờ đây. Cái từ “len lén” hay lắm, trăng ngày nay không còn chỗ ở phố thị, bị đẩy ra ngoại ô, mà đến đó cũng chỉ là “len lén”. Câu thơ của ông buồn quá, đau quá, ông Đắc ạ, nó gợi tôi nhớ đến một câu mượn trăng trách tình trong ca dao “Anh quên không mang trăng vào nhà / Trăng buồn trăng phải sáng qua vườn người”. Để trăng phải “len lén” thì rồi người cũng sẽ bị trăng xa lánh.
Tôi đọc thấy chất thi sĩ trong thơ ông là vậy đấy, ông Đắc.
Chất thi sĩ ấy ở ông biến ông thành một tình nhân. Cảm xúc và giọng điệu thơ ông là của một tình nhân say đắm, mộng mơ, nồng nàn trước tất cả cảnh và người chạm vào tầm mắt ông. Mà người tình nhân trong ông cũng “lẳng” ra phết đấy, ông Đắc, ai không tin tôi mách cứ đọc một bài “Vườn chiều” sẽ thấy. Ông nói cái nắng mật ong rót xuống vườn chiều là do từ cái lả lơi của những bông hoa cởi yếm cho gió đánh ghen với ong thì tôi chịu ông đấy. Bắt đền ông nữa, vì từ giờ nhìn nắng mật ong tôi lại liên tưởng đến sự “lêu bêu” của bông hoa cởi yếm mất rồi. Ôi, cái ma lực của thơ! Ông kéo cả người cổ tích “lẳng” cùng mình đến mức Từ Thức lên tiên là trái đất “mất đi một ít hồn người”. Và thế là thật tài tình “May mà núi kịp làm nên động đá / Lúc vắng người còn có đá mà chơi”. Câu thơ xui tôi bữa nào về xứ Thanh đòi ông dẫn vào động Từ Thức ngồi chơi với đá nhé, ông Đắc. Cái “lẳng” của ông còn bộc lộ ở câu chữ, hình ảnh, nhạc điệu câu thơ, bài thơ, khiến người đọc thơ cũng muốn “lẳng” theo người thơ. Thế cũng là một cái hay của ông đấy.
Ông Đắc ơi,
Ông trong tôi là thi sĩ viết thơ trên cát. Cát đã ngấm vào mình bao chất mặn của biển. Cát trắng tinh dưới mặt trời đốt bỏng bàn chân. Cát mời gọi và thách thức. Ông đã từ cát luyện thành thủy tinh thơ mình, long lanh. Bây giờ thì tôi để ông lại một mình nhé cho ông được tĩnh tại. Sau một đời mải miết đi tìm Cỏ Thi trong đời và trong thơ, tôi nghĩ ông đã tự họa cho mình một bức chân dung mang dáng dấp ông lão triết nhân già làng rất được.
Muốn tìm vài vuông đất thôi
Không đi xa để ngồi chơi một mình
Bao nhiêu hoa cỏ thơm lành
Đan vào sợi tóc là thành mái che
Một mình ngồi kể chuyện quê
Ngổn ngang mây trắng bay về cửa sông.
Thực ra thì thi sĩ không bao giờ một mình vì họ luôn có thơ bên mình. Và khi sự một mình này vào thơ gửi đến nhiều người thì đã thành một mình số nhiều. Nhưng sự một mình của ông – Văn Đắc thi sĩ tình nhân là rất riêng của ông, ông Đắc ạ, khối người cũng muốn được “ngồi chơi một mình” như ông mà khó đấy. Vậy ông cứ trầm ngâm thanh thản vui cùng thơ, ông Đắc nhé.
Hẹn bạn lần tới với một cuốn sách mới khác.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.