Đọc sách cùng bạn: Tình yêu có thắng Robot

Phạm Xuân Nguyên Thứ ba, ngày 11/08/2020 08:00 AM (GMT+7)
Chào bạn, ta gặp lại nhau. Hôm nay tôi đọc cùng bạn một tác phẩm kịch nhan đề "R.U.R. Các robot toàn năng của Rossum" của nhà văn Czech nổi tiếng Karel Čapek (1890 – 1938) qua bản dịch từ tiếng Czech của Phạm Công Tú.
Bình luận 0
Đọc sách cùng bạn: Tình yêu có thắng Robot - Ảnh 1.

Bạn có biết ai đã đặt ra cái từ "robot" để chỉ người máy không? Chính là Karel Čapek trong vở kịch này của ông. "R.U.R" là viết tắt của ba từ tiếng Czech:  "Rossumovi univerzální roboti" (dịch sang tiếng Anh: Rossum's Universal Robots) tức là "Các robot toàn năng của Rossum". Chính bắt đầu từ vở kịch này (viết 1920, dựng lần đầu 1921) cái tên "robot" chỉ những người máy nhân tạo đã được khai sinh. 

Theo như Karel Čapek cho biết, thoạt đầu ông định gọi những sinh vật máy đó là laboři (lao động, làm lụng), nhưng thấy nó có vẻ giả tạo, nên đã hỏi ý kiến người anh là họa sĩ và nhà văn Josef Čapek và đã được gợi ý dùng từ roboti (robot trong tiếng Anh). Từ robot phát sinh từ robota, nghĩa là "lao động nặng nhọc, lao dịch". 

Khi Karel Čapek viết vở kịch của mình, ngành chế tạo robot chưa có. Cho đến nay, ngành này đang phát triển mạnh, và các robot đã bắt đầu thay thế con người trong một số lĩnh vực. Nhưng các robot hiện nay chỉ đơn thuần là những máy móc cơ học, khác với robot trong vở kịch của Karel Čapek.

Robot mà Karel Čapek viết ra là sản phẩm của nhà bác học Rossum già, người tổng hợp được vật chất có thể dùng để tạo ra những cơ quan và mô nhân tạo, nhưng về chức năng thì đồng nhất và giống như của con người. Vì sao ông già Rossum muốn làm ra các robot? Trong kịch, Domin - Tổng giám đốc nhà máy R.U.R. đã cho nhân vật Helena Glory biết: Đó là muốn mô phỏng, bắt chước tự nhiên. 

Sau khi tạo ra một con chó nhân tạo nhưng lại thành con bê còi chết sau vài ngày, Rossum già quyết định chế tạo những sinh vật giống như con người. "Ông ấy muốn hạ bệ Thượng Đế bằng khoa học. Lão già là kẻ duy vật khủng khiếp, cho nên ông ấy làm tất cả những cái này. Ông ấy chẳng muốn gì ngoài việc tìm ra luận chứng rằng không cần có Thượng Đế. Vì thế ông ấy muốn làm ra con người xác thực như chúng ta. Cô có biết một chút về giải phẫu học không?" (tr. 17).

Nhưng ý tưởng thay Chúa tạo ra robot-con người của Rossum già đã bị Rossum trẻ bác bỏ, thay vào đó là những robot-máy móc, giống như hiện nay đang thấy, "chúng hoàn thiện hơn chúng ta về mặt cơ học và chúng có trí tuệ tuyệt vời, nhưng không có tâm hồn" (tr. 21).

Vở kịch của Karel Čapek từ đây bắt đầu mang chiều sâu triết học. Ông vốn học triết ở đại học và trong sáng tác ông dùng thủ pháp huyễn tưởng, khoa học huyễn tưởng làm lăng kính soi vào các vấn đề khác nhau của con người. Các robot do con người tạo ra, đi lại, làm việc như con người, nhưng không có linh hồn, bị con người đối xử một cách lạnh lùng, tàn nhẫn, điều này khiến có thể phải đặt ra vấn đề "quyền con người" cho các cỗ máy giống như người. Nhất là khi chúng được sử dụng rộng rãi. Helena thấy thương chúng như những con người thật. Còn cô vú nuôi coi sự xuất hiện của chúng là một sự phản tự nhiên và vô đạo đức. Cô kêu lên: "Cái này là trái ý Chúa, cái này là quỷ xúi giục. Là xúc phạm Đấng Sáng Tạo, là làm nhục Thượng Đế, Người đã tạo ra chúng ta theo hình của Người, cô Helena ạ. Và các vị đã làm xấu hình ảnh của Thượng đế. Vì cái này rồi thể nào cũng bị Trời phạt khủng khiếp, cái này cô nhớ lấy nhé, sự trừng phạt khủng khiếp" (tr. 56). 

Và đúng là sự trừng phạt đã đến cho con người. Karel Čapek đã nghĩ ra một viễn cảnh còn hơn là khủng khiếp khi thế giới con người bị thế giới robot tràn ngập, nhấn chìm. Do sản xuất robot hàng loạt và dùng ở khắp nơi nên con người không sinh đẻ được nữa. Và đạo quân robot đã thoát khỏi sự kiểm soát của con người, vùng lên chống lại con người. Cuộc chiến của người và máy đã nổ ra và nguy cơ diệt vong của loài người là có thể. 

Vở kịch "R.U.R. Các robot toàn năng" đã báo trước những bộ phim tấn giả tưởng sau này (Kẻ hủy diệt, Ma trận) nói về tương lai loài người. Karel Čapek đã đẩy tới tận cùng nguy cơ này, loài người bị diệt vong trong "cuộc cách mạng robot". Chỉ còn lại một con người tự nhiên được sống là Alquist, trưởng các dự án xây dựng của R.U.R., vì các robot cầm đầu thấy anh có cánh tay như robot và hy vọng anh có thể tìm lại được công thức làm cho robot thành người. Alquist được chính quyền robot cho phép mổ các robot để nghiên cứu. Nhưng khi chứng kiến tình yêu của cặp robot Primus và Helena, cả hai tranh nhau để mình được mổ thay cho người yêu, Alquits đã thấy ở đó là Adam và Eva mới, và cuộc sống sẽ lại bắt đầu từ tự nhiên. 

Vở kịch kết lại bằng tiếng nói hân hoan của Alquist: "Thiên nhiên ơi, thiên nhiên ơi, sự sống sẽ không chết! Các bạn ơi, Helena ơi, sự sống sẽ không lụi tàn! Sự sống lại bắt đầu từ tình yêu, bắt đầu từ cái nhỏ bé và trần truồng; sẽ bắt rễ từ trong hoang sơ, và những cái chúng ta đã làm ra và xây dựng nên sẽ không có ý nghĩa gì với nó, các thành phố và nhà máy sẽ vô ích, nghệ thuật của chúng ta sẽ vô bổ, những tư tưởng triết học của chúng ta sẽ vô nghĩa, và rõ ràng là sự sống không chết. Chỉ có chúng ta đã chết. Nhà cửa và máy móc sẽ đổ vỡ, các hệ thống sẽ tan vỡ và nhất là những tên tuổi vĩ đại sẽ rơi rụng như lá cây; chỉ có mi, tình yêu ơi, mi sẽ nở hoa trên đống đổ nát, và sẽ tặng cho gió hạt giống của sự sống" (tr. 169).

Tiếng nói của Alquist tôi nghĩ là hân hoan, nhưng ẩn trong nó là tư tưởng lo âu của Karel Čapek về mặt trái của sự tiến bộ khoa học đối với đời sống con người, với tương lai nhân loại. Ông nói về tác phẩm này của mình: "Đây không phải là viễn tưởng, mà là hiện thực. Đây không phải là suy đoán về những gì trong tương lai, mà là tấm gương phản chiếu cái đang tồn tại và chúng ta đang sống chung với nó". 

Quả là một sự tiên tri của một nhà văn lớn tầm thế giới. Có lẽ vì thế mà một nhà văn lớn khác đồng hương Czech với ông đã đánh giá: "…Čapek có lẽ là nhà văn châu Âu đầu tiên có những tác phẩm hình dung trước được viễn cảnh khủng khiếp của thế giới toàn trị." (Milan Kundera). Ở đây là sự toàn trị của máy móc kỹ thuật đối với đời sống con người.

R.U.R. CÁC ROBOT TOÀN NĂNG CỦA ROSSUM

Tác giả: Karel Čapek

Người dịch: Phạm Công Tú (từ tiếng Czech)

Tao Đàn & Nhà xuất bản Hội Nhà Văn, 2017

Số trang: 169

Số lượng: 1000

Giá bán: 58.000đ

Karel Čapek là một nhà văn lớn của châu Âu và thế giới vì trong sự nghiệp sáng tác của mình, bằng một tư tưởng và nhãn quan thấu suốt xa rộng, ông đã truyền đến người đọc nỗi lo lắng nhân sinh về cuộc sống trên trái đất. Ông đặt ra cho chúng ta cùng suy nghĩ về vấn đề trách nhiệm của con người đối với từng sinh linh và cả cõi người. Cùng chủ đề này ông còn có tiểu thuyết "Khi loài vật lên ngôi" (bản tiếng Việt do Đăng Thư dịch, 2016). 

Vở kịch "R.U.R. Các robot toàn năng của Rossum" đến Việt Nam qua bản dịch từ nguyên bản tiếng Czech của Phạm Công Tú sau gần một thế kỷ nó được viết ra, vẫn còn nguyên ý nghĩa và giá trị nghệ thuật, triết học hôm nay. Và cùng với những tác phẩm khác của ông mới được dịch sang tiếng Việt gần đây, Karel Čapek đến với chúng ta trong tầm vóc của một nhà văn Czech vĩ đại và gần gũi.

Hẹn bạn lần tới với một cuốn sách mới khác.

Hà Nội, 8/2020

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem