Các nhân viên này đều đã ở tuổi U50 trở đi và chuyên đưa rước học sinh theo hợp đồng. Ông Giang Hồng Doanh, phụ trách Omoto taxi cho biết: “Hiện đội xe phục vụ khách lẻ và đưa rước học sinh không ăn lương của công ty”, chỉ phục vụ theo yêu cầu và hợp đồng với khách hàng.
Đội xe có 30 người, ở vào độ tuổi U50 chiếm khoảng 70%. Xe máy, tiền xăng họ đều tự túc và “trung bình mỗi tháng họ nhận được từ 1 – 2 triệu đồng/tháng sau khi đã trừ tiền xăng, chiết khấu hợp đồng đưa rước học sinh”.
Phải kịp thời và đúng giờ
|
Hầu hết phụ huynh thích người đứng tuổi, thường cẩn thận, chạy xe an toàn |
Mỗi nhân viên của đội xe này chỉ nhận khoảng ba hợp đồng đưa rước học sinh là tối đa, bởi việc đưa rước này không hề đơn giản, đòi hỏi người lái xe phải cẩn thận, trách nhiệm và đúng giờ.
Ông Nguyễn Văn Tiền, 65 tuổi, nhân viên của đội xe từ năm 2006 đến nay cho biết “đưa rước học sinh để, kiếm tiền càphê cà pháo với bạn bè, đôi khi phụ thêm tiền chợ cho bà xã”.
Ông Tiền kể: “Một nhân viên xe ôm đưa rước học sinh chỉ nhận khoảng ba hợp đồng là tối đa bởi công việc không hề đơn giản. Theo nghề này thường bị phụ huynh than phiền vì nếu nhận quá nhiều hợp đồng sẽ đưa rước không kịp. Với những xe ôm “tay ngang” họ sẵn sàng bỏ cuốc xe rẻ để theo những cuốc xa có nhiều tiền. Còn khi đã có trách nhiệm ràng buộc với công việc thì không được bỏ dở nửa chừng”.
Nghề này ngán ngại nhất là gãy đổ dây chuyền về thời gian đưa rước học sinh. Bởi tình huống kẹt xe mà phải đưa đón hai đến ba học sinh cùng gần vào một thời điểm. Và ngay cả sự không ổn định trong giờ giấc và việc học của học sinh bị thay đổi cũng làm xáo trộn, ảnh hưởng đến việc đón đưa.
Chính vậy, có những phụ huynh khi đã quen người đưa rước rồi, họ thường nâng tiền công để “bắt chết” nhân viên đó, “làm nhiệm vụ duy nhất là đưa rước con của họ thôi, không nhận thêm hợp đồng khác”, ông Tiền chia sẻ.
Nhu cầu thực của xe ôm đưa rước
Các bậc phụ huynh hiện nay rất cần có dịch vụ đưa rước học sinh này. Cho nên không riêng công ty K.D, ở các khu phố, xóm phường hầu như đều có dịch vụ “tự phát” xe ôm đưa rước.
Ông Trần Văn Độ ở trong khu phố 283 đường Cách Mạng Tháng Tám nhận đưa rước đến năm học sinh trong xóm nhà ông. “Chạy cũng kịp giờ vì có hai trường hợp là chị em ruột, học cùng trường, nếu không cũng khó khăn. Nhiều phụ huynh yêu cầu hợp đồng mà tôi đâu dám nhận thêm”, ông Độ nói.
Có những trường hợp phụ huynh nhận một xe ôm đưa rước con từ bậc tiểu học cho tới đại học. Bà Lam Phương ở Nguyễn Cảnh Chân, quận 1 kể: “Hai con tôi cách nhau gần một con giáp mà cũng chỉ ông Ba xe ôm trong xóm đưa, gia đình quá bận rộn mà trường chúng nó thì ngược đường. Ông Ba đưa rước hai con tôi hơn mười năm rồi”.
Có phụ huynh may mắn gặp được người thân tín, không thay đổi nghề như vậy, nhưng cũng có phụ huynh nhiều khi một năm phải tất tả tìm đến hai ba mối xe ôm đưa rước, vì họ chuyển địa bàn chạy xe hoặc đổi sang nghề khác…
Ông Hoàng Thái Tôn cho biết thêm, nhà ở Tân Bình, vợ chồng ông phải đi làm sớm tận Hóc Môn. “Tháng rồi tôi phải nhờ bạn bè giới thiệu giúp cho một người quen lớn tuổi, tin cậy đưa rước mới, còn người cũ đã lên Bình Dương làm rẫy”.
Dù hợp đồng đến với công ty K.D rất nhiều, nhưng chọn đội ngũ nhân viên chạy xe cũng phải được sàng lọc và “hầu hết phụ huynh thích người đứng tuổi, thường cẩn thận, chạy xe an toàn”, ông Doanh nhận xét.
Theo SGTT
Vui lòng nhập nội dung bình luận.