"Đội bóng Thiếu Lâm": Bóng đá tuyệt mỹ và ảo tưởng của Trung Quốc

Lâm Trần Thứ sáu, ngày 08/05/2020 16:10 PM (GMT+7)
Mỗi mùa bóng đá bắt đầu, nhiều khán giả lại dặn nhau xem “Đội bóng Thiếu Lâm” để thưởng thức những pha bóng đẹp chỉ có trong trí tưởng tượng.
Bình luận 0

Trận giao hữu trước thềm World Cup 2018 giữa Serbia và Bolivia có tỷ số vượt trội 5-1 dành cho Serbia. Với khán giả Trung Quốc, một pha đi bóng của các tuyển thủ Serbia ở lượt trận giao hữu này khiến họ ngỡ ngàng.

Pha phối hợp bóng không chạm đất với 6 nhịp trên phần sân đối phương được ví von như màn biểu diễn của các cao thủ Thiếu Lâm. Sau trận đấu đó, khán giả quốc gia tỷ dân lại nhớ đến Đội bóng Thiếu Lâm.

"Đội bóng Thiếu Lâm": Bóng đá tuyệt mỹ và ảo tưởng của Trung Quốc - Ảnh 1.

Đội bóng Thiếu Lâm.

Nhắc đến bóng đá và võ thuật, không thể bỏ qua bộ phim kinh điển Đội bóng Thiếu Lâm của Châu Tinh Trì. Phim cũng là tác phẩm điện ảnh thể hiện tinh túy của môn thể thao vua. Bộ phim từng được phát trên màn hình sân vận động tại World Cup 2006 và Euro 2008.

Đội bóng Thiếu Lâm ra mắt khán giả năm 2001 và mang lại doanh thu phòng vé kỷ lục ở Hong Kong: 42 triệu USD. Phim là câu chuyện về võ sư Thiếu Lâm tên Tinh thất lạc huynh đệ. Anh sống bằng nghề lượm ve chai. Một sự tình cờ, nhân vật do Châu Tinh Trì đóng được gặp Ngô Mạnh Đạt – một gã làm phụ việc.

Ngô Mạnh Đạt từng là cầu thủ vang danh làng bóng đá, sở hữu đôi chân vàng. Ở giai đoạn đỉnh cao phong độ, Ngô Mạnh Đạt ra oai với các đồng đội, buộc dây giày cũng phải lấy đầu người khác làm bàn đạp. Nhưng bê bối cá độ khiến nhân vật này thân bại danh liệt và còn bị tật ở chân phải.

"Đội bóng Thiếu Lâm": Bóng đá tuyệt mỹ và ảo tưởng của Trung Quốc - Ảnh 2.

Thời đỉnh cao, nhân vật của Ngô Mạnh Đạt lấy đầu người khác làm bàn đạp để buộc dây giày. Khi sa cơ, nhân vật này chịu cảnh đối xử tàn tệ.

Ngày đụng mặt, Châu Tinh Trì – cao thủ với tuyệt học Thiếu Lâm Kim Cương cước quyết chí mang Kung Fu vào bóng đá. Anh chọn Ngô Mạnh Đạt – cao thủ bóng đá – làm huấn luyện viên. Họ tạo ra bộ đôi nắm vững kỹ thuật "bóng đá – Thiếu Lâm".

Châu Tinh Trì kể ông hâm mộ bóng đá từ nhỏ, cũng có chút võ thuật trong người. Làm phim về bóng đá là ấp ủ nhiều năm thời trẻ. Vua hài Hong Kong từng chia sẻ trên HKMovies: "Tôi ấp ủ làm phim Đội bóng Thiếu Lâm từ rất lâu nhưng vì điều kiện kỹ xảo chưa cho phép. Mãi đến năm 2000, tôi mới có thể thực hiện được ý tưởng của mình".

Nhân vật của Châu Tinh Trì với vai trò người đứng đầu đội bóng đã tìm kiếm các huynh đệ Thiếu Lâm. Đó là đại sư huynh am hiểu Thiết đầu công, nhị sư huynh có tuyệt chiêu Gió lốc quét đường cước, tam sư huynh với tuyệt kỹ Thiết bố sam…

"Đội bóng Thiếu Lâm": Bóng đá tuyệt mỹ và ảo tưởng của Trung Quốc - Ảnh 3.

Lửa là hình ảnh chủ đạo trong phim bên cạnh các thế võ.

Ngày gặp lại, họ đều là những cao thủ sa cơ, giống đống củi khô. Tất cả chỉ cần một thanh lửa sẽ cháy hừng hực. Thanh lửa này chính là bóng đá. Ngọn lửa cũng là hình ảnh chủ đạo trong phim, lửa từ mắt các cầu thủ, lửa phủ kín quả bóng lăn trên sân đến lửa cháy khung thành.

Sau khi thu thập được đội tuyển của những cao thủ, đội bóng Thiếu Lâm ra sân bóng với tinh thần võ học. Trên Douban, khán giả gọi đây là cuộc chiến của những siêu anh hùng. Họ lăn xả vào tới trận chung kết và đối đầu cả với trò tiểu xảo khi đối thủ sử dụng doping.

Các cầu thủ vào sân với ý chí lớn và những tuyệt kỹ độc đáo. Các pha bóng trên phim đều rất "ảo" khi một người có thể sút bóng qua 10 tuyển thủ của đối phương, quét bóng mang theo cơn gió lốc khắp mặt sân. Đội bóng của những kẻ không chuyên đã làm nên chuyện tại một giải đấu.

Cái hay của Đội bóng Thiếu Lâm còn là bài học về sự cố gắng không ngừng, biến những tiểu nhân vật thành người khổng lồ trên sân bóng. Lý Liên Kiệt hay Chân Tử Đan khi làm phim võ hiệp đều thiên về kỹ thuật. Nhưng phim của Châu Tinh Trì, ông lại làm Đội bóng Thiếu Lâm theo ngẫu hứng.

"Đội bóng Thiếu Lâm": Bóng đá tuyệt mỹ và ảo tưởng của Trung Quốc - Ảnh 4.

Trung Quốc vẫn bế tắc với kế hoạch kết hợp giữa bóng đá và thiếu lâm.

"Thái Cực quyền, Vịnh Xuân Quyền hay múa kiếm đều đều trở nên đơn giản trong phim. Tôi muốn biến những sinh hoạt hàng ngày trở thành võ thuật. Võ thuật phim của tôi không có giáo điều hay lý luận. Tôi muốn Kung Fu Thiếu Lâm được mở rộng thay vì gói gọn trong vài chiêu thức", Châu Tinh Trì chia sẻ.

Đội bóng Thiếu Lâm khiến khán giả mãn nhãn dù còn nhiều lỗi về kỹ xảo. Sau 19 năm, phim vẫn để lại y nguyên bài học với bóng đá Trung Quốc. Đội tuyển Trung Quốc chỉ có một lần duy nhất được lọt vào vòng chung kết World Cup vào năm 2002.

Chính quyền từng nghĩ đến việc kết hợp giữa bóng đá và Kung Fu. Năm 2015, họ thành lập đội bóng tại trường Võ thuật Thiếu Lâm trực thuộc Thiếu Lâm Tự. Giám đốc Sở Thể thao Hà Nam tuyên bố sẽ tạo ra thứ bóng đá kết hợp với Kung Fu.

Tuy nhiên, sau 5 năm, Trung Quốc vẫn bế tắc với sự nghiệp bóng đá. Nhà phê bình Lục Đá bình luận: "Mỗi mùa World Cup đến, Đội bóng Thiếu Lâm lại mang đến ảo tưởng ngắn ngủi cho người Trung Quốc". Cũng cần nói thêm rằng, Chính phủ Trung Quốc từng thông qua kế hoạch đầu tư hàng trăm tỷ USD để đưa Trung Quốc thành cường quốc bóng đá vào năm 2050, nhưng có vẻ nó vẫn rất xa vời.

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem