Đối đầu với xe tăng Nhật

Thứ bảy, ngày 18/08/2012 17:10 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Mục tiêu chiến đấu của đội bây giờ đã cụ thể: 2 tên lính Nhật nằm cạnh súng máy. Mỗi khi chúng tôi nhích lại gần, chúng trợn mắt ra hiệu lùi ra...
Bình luận 0

Sáng 18.8.1945, Lê Chiêu đến tìm tôi hẹn: Chuẩn bị mọi mặt, sáng sớm ngày 19.8 cho toàn đội mang cờ, vũ khí tập trung ở Tám Mái (nay là Giảng Võ). Tổng khởi nghĩa! Tôi vội đạp xe đi báo cho toàn đội, dặn anh em ăn mặc gọn gàng, đề phòng phải "đánh nhau" với Bảo an binh và Nhật…

img
Đại tá Đào Văn Xuân (thứ hai bên phải) với các đồng đội tham gia Tổng khởi nghĩa.

Kế hoạch bất ngờ

Đêm đó, đợi mọi người trong nhà đã đi ngủ, tôi lén "mở kho" lấy gươm ra mài thật sắc. Tôi chuẩn bị sẵn băng đỏ và gói lại gối đầu giường. Mừng, lo lẫn lộn. Đang làm, nghe tiếng gọi: "Lâm ơi, Lâm ơi" (Lâm là tên gọi ở nhà của tôi), tôi vội chạy ra, anh Đức và Triều, 2 tổ viên ở phố Hàng Giấy đã đến. Trông Đức "oai phong lẫm liệt" quá, quần soóc, áo sơ mi cộc tay, để lộ đôi tay trần rắn chắc.

Còn anh Triều người nhỏ thó mặc gọn gàng, tay nắm con dao găm “tí xíu" hóm hỉnh bảo tôi: "Cho tớ một thanh kiếm". Nhà chật, các anh đứng đợi ở cửa. Tôi và Tá lễ mễ bưng ra: Gươm, dao, băng đeo tay… Toàn đội đeo băng đỏ, nắm chắc trong tay những thanh gươm mài sáng quắc, mặt mày rạng rỡ. Anh Tá giương cao cờ, chúng tôi tiến về Tám Mái.

Dọc đường nhiều thanh niên yêu nước nhập vào đi cùng chúng tôi. Đến Tám Mái, tập trung ở trước Nhà máy Gạch Năm Diệm, các tổ Tự vệ và thanh niên nam nữ yêu nước tập trung khá đông. Kẻ gươm, người súng, người cầm dao, cũng có người tay không… Trên ban công, Lê Chiêu hô hào: "Hy sinh vì Tổ quốc, quyết giành thắng lợi trong tổng khởi nghĩa". Sau đó, Tuấn Sơn bắn phát súng lệnh, tất cả rầm rập tiến theo đường Cát Linh, qua Cửa Nam, Tràng Thi, Tràng Tiền, đến khu vực Nhà hát Lớn.

Ngày đó, tôi và cả người trực tiếp chỉ huy đội tôi- Lê Chiêu, đâu đã có đủ trình độ như sau này để có một kế hoạch chi tiết, đánh chiếm các mục tiêu một cách bài bản… Sau khi dự mít tinh ở Quảng trường Nhà hát Lớn, đội Tự vệ chiến đấu chúng tôi tiến đến trước phủ Khâm Sai. Tôi lúng túng thực sự, vì chưa biết phải bắt đầu ra sao. Quần chúng đứng kín suốt dọc đường Ngô Quyền, kín hết cả vườn hoa Con Cóc. Chúng tôi cố chen vào sát cổng phủ Khâm Sai… Tôi nghĩ, trong giờ phút này tình hình rất khẩn trương. Trong phủ Khâm Sai, lính Bảo an binh thấp thoáng bên các ô cửa…

Chặn xe tăng giặc

Đứng trước phủ Khâm Sai, tôi thực lúng túng, không biết vào bằng cách nào. Cánh cổng đóng chặt. Một số đội viên tự vệ và thanh niên đã leo lên hai cánh cổng sắt, giục tôi: "Lâm, ta nhảy vào đi!". Nhìn quanh không thấy Lê Chiêu đâu cả, người đông nghìn nghịt… khi hai cánh cổng được mở tung, những người đang leo lên cánh đung đưa theo chiều cổng. Đúng lúc ấy có một chú bé chạy đến túm áo tôi nói: "Anh Chiêu bảo anh ra ngay đánh xe tăng Nhật ở trại Bảo An binh" (chú bé đó sau này tôi mới biết là Lê Thống, nay là trung tá quân đội nghỉ hưu).

Ôi! Đánh xe tăng Nhật ư? Chẳng kịp nghĩ nữa, tôi vẫy cả đội lánh dòng người vòng ra trại Bảo An binh. Là thanh niên Hà Nội từ nhỏ, nên thuộc đường, chúng tôi đến nơi rất nhanh. Trong trại Bảo An binh, thanh niên tuyên truyền xung phong và Tự vệ chiến đấu đã vào dày đặc sân. Trên ngã tư Gambetta (Trần Hưng Đạo ngày nay) và dốc Hàng Kèn (dốc Bà Triệu ngày nay) một chiếc xe tăng Nhật đứng lù lù.

Tôi biết lúc này, ngoài tôi ra không còn ai là cấp trên để mà hỏi. Tôi phải nhận lấy trách nhiệm, ở cái tuổi 17 vào thời điểm ấy, tôi đã phải giải quyết một tình thế vô cùng khó khăn và cũng rất hệ trọng, lại quá sức mình. Quả thật, ranh giới giữa đổ máu và không đổ máu là những lúc này. Nếu tôi làm ẩu, một phát súng nổ không đúng lúc vào tên Nhật thì sẽ ra sao. Chiếc xe tăng và khẩu súng máy của Nhật còn nằm đó. Chắc chắn chúng sẽ nổ súng… Máu của nhân dân thủ đô sẽ đổ nhiều…

“Quả thật, ranh giới giữa đổ máu và không đổ máu là những lúc này. Nếu tôi làm ẩu, một phát súng nổ không đúng lúc vào tên Nhật thì sẽ ra sao”.

Tôi phác nhanh kế hoạch và nói với anh em: "Nếu chúng nổ súng thì tôi, Đức, Tá sẽ lao vào ổ súng máy". Tôi nhẩm tính, tôi cách chúng độ mươi mét, tôi sẽ nhảy độ ba bước, xuống tấn, dùng cả hai tay phạt ngược kiếm lên, chắc chắn đầu tên Nhật bắn súng máy sẽ bay. Sau đó, Đức và Tá tiếp sức cho tôi. Tổ của Vân nhảy lên đánh xe tăng. Chả biết Vân "xoay" ở đâu mà lúc này trong tay anh nắm chặt quả lựu đạn "mỏ vịt". Tôi nói khẽ: "Tổ Vân nhét lựu đạn vào xe tăng, rồi 3 đứa vít cửa xe xuống đậy lại".

Thấy anh em nói: "Ừ, kế hoạch được đấy", tôi yên tâm. Nhiều năm sau, khi nhớ lại tôi cũng không hiểu nổi lúc đó tại sao tôi lại có thể nghĩ ra kế hoạch ấy.

Giờ phút căng thẳng ấy kéo dài. Từ sáng tinh mơ, chúng tôi chưa ăn gì, nước cũng không được uống lấy một ngụm, thế mà không ai thấy đói hoặc khát. Chúng tôi và bọn Nhật, hai bên gườm gườm theo dõi nhau. Tôi không còn chú ý đến tình hình chung quanh, đến lúc xe tăng và súng máy Nhật đã rút, tôi mới thấy mỏi bã cả người và dẫn toàn đội đi tìm Lê Chiêu. Đến cửa phủ Khâm Sai thì gặp Lê Chiêu cũng đang đi tìm tôi. Lê Chiêu giờ hai tay lên trời: "Cách mạng thắng lợi rồi". Tôi sững sờ, suýt rơi cả kiếm. Tôi xúc động đưa hai tay trái quệt hai dòng nước mắt chảy dài trên má vì sung sướng.

Đại tá Đào Văn Xuân
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem