Ký ức đồng hoang
Nhắc đến kinh (kênh) Võ Văn Kiệt, lão nông Nguyễn Văn Ngôi (xã Lạc Quới, huyện Tri Tôn, An Giang) nói: “Tui năm nay đã hơn 70 tuổi rồi, nhưng kể chuyện phải có đầu có đuôi. Lớp người như tui mà nói kinh ông Kiệt thì phải nói đến chuyện đồng hoang mấy chục năm về trước, khi chưa có con kinh này”.
|
Ghe chở lúa trên kinh Võ Văn Kiệt. |
Trong trí nhớ của ông Ngôi, thời điểm đó khắp vùng chỉ màu vàng của cánh đồng phèn trải dài bất tận, đi cả ngày không thấy nhà dân. Năm 1958, chàng thanh niên Năm Ngôi chống xuồng từ kênh Vĩnh Tế vào mấy cánh đồng hoang ở Lạc Quới khẩn hoang.
Cá tôm dưới sông thì nhiều vô kể, ăn không hết nhưng nước thì phèn, đất thì chua nên trồng lúa thất lên thất xuống, muốn có gạo ăn phải canh mùa mưa thì cây lúa mới sống nổi. Nhiều lúc cực quá, ông Năm Ngôi tính bỏ đi xứ khác thì nhóm bạn nghèo đi phá đất hoang như ông Năm No, Tư Ngoạn, Chín Xị, Hai Râu, Năm Bạch rủ ở lại “cho có bè có bạn”.
Theo lời lão nông Chín Xị, thời gian đầu khai phá đất hoang, các ông phải đợi mùa khô rồi lội bộ vào đồng lác. Cứ vài chục mét thì dùng dây lác buột chúng thành từng ụ. Được vài chục ụ thì lấy phảng (dao dài) chặt xung quanh, ai có sức chặt 2 ngày được khoảng 1 công đất.
Chặt xong, cứ để vài ngày cho lác khô rồi đốt. Liên tục trong 2 – 3 mùa nắng, những cư dân đầu tiên ở vùng đất này bắt đầu dựng chòi giữ đất, làm ruộng. Song, cái khó khăn nhất của vùng đất này là nước ngọt cho cả sinh hoạt và tưới mát ruộng đồng. Vì bao nhiêu năm làm lúa họ chỉ trông cậy vào nguồn “nước trời” và cũng chỉ có cây lúa mùa mới chịu đựng được.
“Tụi tui cũng chỉ mong làm lúa đủ ăn. Con cháu mình sau này muốn khấm khá hơn thì phải đi nơi khác, vì cây lúa sống không nổi với phèn thì người cũng không sống nổi” – ông Chín Xị nói.
Năng suất lúa gấp 3 lần
So với lớp người khai phá đất hoang như ông Chín Xị, ông Năm Ngôi thì ông Sáu Đức thuộc lớp “hậu sinh”. Ông Đức kể, mãi tới năm 1993, ông mới về đây khai hoang, tức sau thế hệ trước hơn 20 năm.
“Đất rộng mênh mông nhưng không ai dám ở vì từ đất đến nước đều nhiễm phèn nặng, chỉ có cỏ lác và cây tràm sống nổi. Hệ thống kinh mương thì chưa hoàn chỉnh, nước ngọt chỉ sử dụng để uống, nhưng muốn có nước ngọt cũng phải dùng can rồi di chuyển 4-5 cây số mới tới chòi canh lúa. Nhiều lần tui nản lòng, định bỏ đất về chợ sinh sống” – Sáu Đức nhớ lại.
Trong lúc mọi người đang loay hoay với bài toán “trị phèn” thì chính quyền địa phương thông báo: Tháng 4.1997, con kinh T5 xả lũ, thoát phèn ra biển Tây sẽ đi ngang huyện Tri Tôn!
Ngày 10.7.2009, tỉnh An Giang quyết định đổi tên kinh T5 thành kinh Võ Văn Kiệt, vừa để ghi ơn người đã có quyết sách góp phần khai sáng vùng đất chết – cũng là cách đặt tên mà người dân đã gọi từ hơn 10 năm trước.
Ngày 22.4.1997, cả ngàn nông dân ở Tri Tôn kéo về Lạc Quới “xem nhà nước đào kinh thoát lũ và dẫn nước ngọt”. “Đó là kinh T5, dài 48km chạy qua tỉnh Kiên Giang rồi ra biển do Thủ tướng Võ Văn Kiệt quyết định và chỉ đạo thực hiện.
Nghe nói đào kinh dẫn nước ngọt rửa phèn, thoát lũ cho vùng Tứ giác Long Xuyên, ai cũng vui mừng nhưng không khỏi lo âu vì thời gian thực hiện chỉ trong vòng 4 tháng. Hồi đó tôi lui tới kiểm tra, đôn đốc anh em ráng làm tốt, làm nhanh cho kịp tiến độ” – ông Nguyễn Minh Nhị-nguyên Chủ tịch UBND tỉnh An Giang nhớ lại.
Ông Năm Ngôi kể, lúc khai miệng cống để dẫn nguồn nước từ kinh Vĩnh Tế vào kênh T5, nông dân vui sướng reo mừng. Nông dân tụi tui không biết nhiều lời, gọi luôn là kinh ông Kiệt – cũng là cách gọi biết ơn.
Có nước ngọt đầy đủ, đồng phèn phần nào được thau chua, bà con vùng Lạc Quới, Lương An Trà hào hứng tăng gia cày cấy, chuyển đổi từ lúa mùa sang lúa thần nông, mỗi năm 2 vụ. “Đâu chỉ thau chua, rửa phèn, con kinh này còn mang về biết bao phù sa nên ruộng lúa vùng này cứ tốt lên trông thấy. Năng suất lúa cứ nhích dần, ban đầu chỉ mười mấy giạ, dần dần 3-4 chục giạ/công” – ông Sáu Đức nói.
Ông Nguyễn Hoàng Vĩnh - Chủ tịch UBND xã Lương An Trà cho biết, thống kê năm 1986, diện tích sản xuất nông nghiệp vùng này mới chỉ đạt 3.272 ha, chủ yếu là lúa mùa nổi 1 vụ với năng suất khoảng 2 tấn/ha. Nhờ kinh Võ Văn Kiệt, đất ở Lương An Trà giờ làm được 3 vụ/năm, đến năm 2011, diện tích đất nông nghiệp tăng lên 7.530 ha, năng suất gần 6 tấn/ha/vụ - gấp 3 lần so với trước. Những nông dân giỏi như Sáu Đức, năng suất đạt 8 tấn/ha/vụ…
Hữu Danh
Vui lòng nhập nội dung bình luận.