Đổi mới phương pháp dạy học ở nước ta hiện đang hướng tới việc dạy và học thực nghiệm, sử dụng các phương tiện hiện đại (máy chiếu, máy tính...) và khơi gợi tính chủ động của học sinh. Nhưng đến nay, việc sử dụng phương pháp dạy học mới vẫn chưa mang lại hiệu quả như mong muốn. Vậy đâu là nguyên nhân của vấn đề trên?
Là người trong cuộc, chúng tôi nhận thấy nguyên nhân đầu tiên là nếp nghĩ cũ, cách làm cũ của cán bộ quản lý và giáo viên. Mặc dù đã quán triệt rất nhiều lần, nhưng có một bộ phận cán bộ quản lý và thầy cô giáo vẫn thể hiện rõ sự bảo thủ trong nhận thức. Họ suy nghĩ rằng: "Phương pháp dạy học mới có gì đâu, cũng thế thôi. Ta cứ dạy phương pháp truyền thống mà đạt hiệu quả, học sinh hiểu bài và thi đậu cao là được".
Hơn nữa, phần lớn giáo viên ở các bậc học phổ thông được đào tạo trước đây, chủ yếu dạy học theo kiểu “cũ” lấy người thầy làm trung tâm, cung cấp kiến thức, kỹ năng đến học sinh theo cách áp đặt, một chiều. Do sống chung, sống lâu với thói quen, lề lối cũ đó nên họ không thể đáp ứng được đòi hỏi, yêu cầu của việc đổi mới phương pháp dạy học đặt ra.
Dạy học theo phương pháp truyền thống có phần nhẹ nhàng, đơn giản, giáo viên ít cần động não, chủ yếu giảng bài và đọc- chép. Còn thực hiện theo phương pháp dạy học mới, giáo viên phải vất vả, sáng tạo rất nhiều trong khâu thiết kế, soạn bài để dẫn dắt, gợi mở học sinh tìm hiểu, suy nghĩ, tư duy...
Đi dự nhiều đợt tập huấn, tôi thấy, nhiều thầy cô lên báo cáo thì rất hay song đến khi thực hành, dạy thử 1 tiết, áp dụng các phương pháp dạy học hiện đại, lại làm không được mấy, vì bài học quá dài, quá nhiều kiến thức, không đủ thời gian để thực hiện. Vì thế, muốn đổi mới cách dạy, cần phải làm rất nhiều việc và phải làm đồng bộ, chứ không chỉ hô hào chung chung như các hội nghị của Bộ GDĐT hiện nay.
Đỗ Tấn Ngọc
Vui lòng nhập nội dung bình luận.