Đợi... nghèo để được hỗ trợ

Thứ ba, ngày 28/06/2011 14:29 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Sau 2 năm thực hiện Luật Bảo hiểm y tế (BHYT), Bộ Y tế cho biết, có tới gần 90% số hộ cận nghèo chưa tham gia BHYT dù có nơi được hỗ trợ tới 80% tiền đóng. Nguyên nhân chính là do người dân chưa biết thông tin và có tâm lý đợi... nghèo để được hỗ trợ.
Bình luận 0

Gia đình chị Vương Kim Thuỷ ở thị trấn Tuần Giáo (Điện Biên) thuộc diện hộ cận nghèo nhưng khi nói tới việc được hỗ trợ mua BHYT, chị tỏ ra ngạc nhiên: “Tôi chưa từng nghe nói”.

Chưa nắm chính sách

img

Gia đình bà Nguyễn Thị Chi ở xã Ngọc Lý, huyện Tân Yên (Bắc Giang) thuộc diện hộ cận nghèo nhưng không đủ khả năng mua BHYT.

Chị Thuỷ bày tỏ: “Nhà có 5 khẩu, tôi làm nghề may thu nhập chẳng đáng kể, nguồn sống của cả gia đình chỉ trông chờ từ nghề lái xe của ông xã nên chưa dám tham gia mua BHYT. Nếu thực sự hộ cận nghèo được hỗ trợ 50% thì sắp tới tôi cũng cố dành tiền mua cho 2 người, còn tham gia cả gia đình chắc chưa đủ khả năng”.

Trao đổi với NTNN, anh Hạng A Di - cán bộ phòng khám của hai xã Ta Ma và Phình Sáng (Tuần Giáo, Điện Biên) cho biết, ngoài nguyên nhân không có tiền, nhiều hộ cận nghèo ở trên đây vẫn “mù mờ” về thông tin, người cứ tưởng sẽ được phát không thẻ BHYT, người thì chẳng biết được hỗ trợ tới 50% nên không tham gia. Theo số liệu của Sở Y tế Điện Biên, năm 2010 tỉnh có 4.374 hộ cận nghèo nhưng mới có 150 người tham gia BHYT. Năm 2011, với chuẩn nghèo mới, Điện Biên có 8.617 hộ cận nghèo nhưng 6 tháng đầu năm cũng chỉ có 150 người tham gia mua BHYT.

Không chỉ Điện Biên mà ở nhiều tỉnh khác, số lượng hộ cận nghèo tham gia BHYT cũng còn rất “khiêm tốn”. Theo số liệu của Sở LĐTBXH Bắc Giang, với chuẩn nghèo mới toàn tỉnh có 35.385 hộ cận nghèo nhưng số lượng người tham gia BHYT chỉ đạt khoảng 1%. Ngay cả các tỉnh đồng bằng có điều kiện thuận lợi hơn nhưng số hộ cận nghèo tham gia bảo hiểm cũng rất thấp. Số liệu của BHXH Việt Nam cho thấy, năm 2010 Hà Nội có 400.000 người thuộc hộ cận nghèo nhưng cũng chỉ có 500 người tham gia BHYT.

Số liệu chung cho thấy, hiện cả nước chỉ có 692.000 người trong tổng số 6 triệu người thuộc các hộ cận nghèo tham gia BHYT, đạt tỷ lệ 11,5%. Mặc dù được Nhà nước hỗ trợ một nửa số tiền đóng phí, thậm chí nhiều địa phương hỗ trợ đến 80% như Bắc Ninh và các tỉnh vùng ĐBSCL nhưng đối tượng cận nghèo tham gia BHYT cũng rất thấp.

Và... đợi nghèo

Năm 2011, mệnh giá thẻ BHYT trung bình gần 400.000 đồng/thẻ/năm, có tỉnh quy định ở mức thấp hơn như Nghệ An là 394.200 đồng. Theo Luật BHYT, những hộ cận nghèo được Nhà nước hỗ trợ 50%, nhưng nhiều tỉnh ngoài kinh phí của các tổ chức nước ngoài tài trợ còn hỗ trợ thêm với mức tối đa lên tới 80%.

Ngoài lý do thiếu thông tin, nhiều hộ cận nghèo còn có sự so sánh với các hộ nghèo. Nhiều hộ gia đình, đặc biệt là đồng bào vùng cao như Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang... nếu gặp biến cố về thiên tai, mất mùa, trâu, bò chết, hay ốm đau... là họ lại rơi vào diện hộ nghèo và được hỗ trợ 100%. Ví như ở Điện Biên, có tới 95% dân số đã được cấp thẻ BHYT và 5% số dân chưa có thẻ BHYT lại thuộc vào đối tượng cận nghèo.

Hơn nữa, ở nhiều địa phương dù có điều kiện nhưng do chất lượng khám chữa bệnh bằng BHYT còn nhiều bất cập nên chỉ những người biết mình có bệnh nặng mới tham gia mua BHYT.

Bà Nguyễn Ngọc Minh ở xã Cẩm Lý, huyện Lục Nam (Bắc Giang) hơn 3 tuần nay đi chăm sóc chồng ở Bệnh viện Đa khoa Bắc Giang, chia sẻ:

“Chồng tôi bị bệnh tiểu đường nên mới cần tới BHYT, còn tôi và các con khoẻ mạnh nên chẳng bao giờ dùng tới. Trước đây tôi cũng có mua vài lần nhưng thỉnh thoảng ốm vặt, cầm thẻ BHYT đến trạm xá được phát mấy viên thuốc, về uống hết cũng chẳng thấy khỏi. Trong khi, chỉ cần bỏ ra vài nghìn đồng mua thuốc ở hiệu thuốc gần nhà uống lại hiệu quả nên 4 năm nay tôi chẳng mua BHYT nữa”.

Theo ông Nguyễn Văn Ngọc – Trưởng phòng Bảo trợ xã hội (Sở LĐTBXH Bắc Giang), số lượng người thuộc hộ cận nghèo tham gia BHYT thấp do nhiều nguyên nhân như: Công tác tuyên truyền vận động còn ít; mức hỗ trợ cho đối tượng này vẫn thấp cộng thêm tâm lý ỷ lại của người dân nên chỉ khi đau ốm mới thấy được tầm quan trọng của BHYT. Ngoài ra, chất lượng khám chữa bệnh đặc biệt là khám BHYT cũng còn nhiều “vấn đề”. “Bản thân tôi có thẻ BHYT nhưng chẳng mấy khi dùng tới, mỗi khi đi khám cứ làm dịch vụ tư cho... nhanh” - ông Ngọc nói.

Để người cận nghèo “mặn mà” hơn với BHYT, ngoài việc khắc phục các hạn chế trên thì các ý kiến đều cho rằng cần có sự hỗ trợ cao hơn nữa, nhất là cho các tỉnh vùng sâu vùng xa, để người cận nghèo có điều kiện được hưởng thụ chính sách.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem