Đối phó "cát tặc" sông Lô: Chế súng cao su, mua tàu đuổi bắt

P.V tổng hợp từ Petrotimes, Người đưa tin Thứ bảy, ngày 09/04/2016 10:56 AM (GMT+7)
Quá bức xúc trước việc các tàu khai thác cát làm sạt lở đất canh tác, người dân địa phương đã cắt cử người canh gác, chế súng cao su bắn gạch đá, quây bắt để đuổi tàu hút cát ở ven bờ sông Lô.
Bình luận 0

"Chế" súng cao su đuổi "cát tặc"

Theo PetroTimes, vì bức xúc trước việc các tàu khai thác cát làm sạt lở đất canh tác, người dân thôn Gò Hu, xã Vĩnh Lợi (huyện Sơn Dương, Tuyên Quang) đã cắt cử người canh gác, chế súng cao su bắn gạch đá để đuổi tàu hút cát ở ven bờ sông Lô.

Ông Nguyễn Đình Chí (55 tuổi, thôn Gò Hu) cho biết việc khai thác cát đã diễn ra từ tháng 5.2015, mỗi ngày trên khúc sông Lô đoạn qua thôn Gò Hu có cả chục tàu hoạt động, những hôm nhiều có khi tới 50 tàu, khúc sông ngắn ngủi vì thế mà trở nên sôi động, huyên náo.

img

Người dân bức xúc chế súng cao su đuổi ‘cát tặc’

Một người dân khác cùng thôn với ông Chí cho biết cũng bị mất 400 mét đất nông nghiệp ở ven sông Lô vì các tàu khai thác cát làm sụt lún... Trước việc các tàu cát khai thác ngày đêm làm diện tích đất nông nghiệp bị thu hẹp, người dân thôn Gò Hu đã trình báo với chính quyền xã Vĩnh Lợi nhưng chỉ nhận được câu trả lời “đất của ai thì người ấy giữ”.

Ông Nguyễn Văn Cầu, trưởng thôn Gò Hu khẳng định: “Đúng là có chuyện xã bảo đất nhà ai thì người ấy giữ. Cũng có chuyện người dân mang dao ra ven sông canh đất, gần đây, ngày 6.4, người dân đã dùng súng cao su bắn lên các tàu để đuổi họ đi”.

Cả làng góp tiền mua tàu đuổi bắt "cát tặc" 

Theo Người đưa tin, sáng ngày 7.4, hàng trăm người dân thôn Long Châu, xã Vĩnh Phú, huyện Phù Ninh (Phú Thọ) đã bất ngờ quây, bắt giữ hai chiếc tàu (một tàu cuốc cát và một tàu vận chuyển) của doanh nghiệp Thái An, đóng trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc.

Theo người dân địa phương đây chính là những chiếc tàu thường xuyên hút, nạo vét trộm cát sỏi trên dòng sông Lô, thuộc địa phận của thôn Long Châu, xã Vĩnh Phú.

img

Một tàu cuốc, một tàu chở cát bị người dân bắt giữ.

Cụ Đỗ Quang Ẩm, một bô lão thôn Long Châu cho biết: “Vì quá bức xúc nên chúng tôi mới phải làm như vậy. Hai chiếc tàu trước đó, chúng tôi đã thống nhất phạt 390 triệu đồng cho những hậu quả mà nạn khai thác cát gây nên”.

Cũng theo lời cụ Ẩm, mặc dù người dân thôn Long Châu phạt “nặng tay” như vậy, nhưng vì nguồn lợi kếch xù, các đối tượng khai thác cát tặc vẫn ngày đêm tác oai, tác quái, ngấm ngầm khai thác bất chấp sự cảnh báo của người dân.

Cùng chung sự bức xúc với cụ Ẩm, nhiều người dân thôn Long Châu cho hay: “Long Châu vốn là bãi bồi cổ của sông Lô. Nó đã tồn tại hơn 100 năm qua, và hiện tại đã có 4-5 thế hệ sinh sống ở đây. Thế nhưng từ khi nạn khai thác cát sỏi diễn ra khiến cho hàng triệu m3 đất hoa màu, thậm chí mồ mả của ông bà tổ tiên bị sụt xuống lòng sông. Nếu chúng tôi không cương quyết thì chẳng mấy chốc thôn Long Châu không còn nữa”.

Để tiện bề cho việc canh giữ, truy đuổi các đối tượng khai thác “cát tặc”, ngoài việc cắt cử từng gia đình tham gia canh giữ, góp tiền mua trống, người dân thôn Long Châu còn mua hẳn một chiếc tàu để làm phương tiện giám sát trên sông.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem