Hà Nội: “Cát tặc” lại hoành hành ở Phúc Thọ

Trần Thụ Thứ năm, ngày 25/06/2015 07:11 AM (GMT+7)
Năm 2014, việc Bộ Công an trực tiếp mở chuyên án triệt phá băng nhóm “cát tặc” lộng hành trên sông Hồng đoạn qua địa phận Phúc Thọ (Hà Nội) do Vũ Anh Toàn cầm đầu đã khiến dư luận xôn xao. Từ đó, tình hình khai thác cát không phép trên địa bàn huyện mới tạm yên. Nhưng thời gian gần đây, tình hình “cát tặc” lại có xu hướng nóng lên.
Bình luận 0

Bùng phát trở lại

Sáng 24.6, Huyện ủy, UBND huyện Phúc Thọ đã tổ chức hội nghị chuyên đề bàn về các biện pháp chống “cát tặc”. Do giáp ranh giữa Vĩnh Phúc và Hà Nội, trước 2015 tình hình khai thác cát lậu trên địa bàn Phúc Thọ diễn biến rất phức tạp.

Theo báo cáo của UBND huyện, trên địa bàn có 3 doanh nghiệp được cấp phép khai thác cát (lộ thiên) là Công ty Kim Thanh, Công ty CP Tập đoàn Nam Cường và Công ty CP Hương Phong. Do chất lượng cát ở đây tốt nên tàu cuốc từ các địa phương khác tập trung về khúc sông Hồng chảy qua địa bàn huyện… đông như “trảy hội”, ngày đêm đua nhau sục vòi khai thác cát.

img
Tàu hút cát vẫn ung dung hoạt động phía bờ bắc sông Hồng thuộc địa bàn Vĩnh Phúc. Ảnh: Trần Thụ
Chính quyền đã họp bàn rất nhiều lần, cùng với đó là hàng chục văn bản đã được gửi lên cấp trên để xin hỗ trợ. Báo chí cũng đã tốn không ít giấy mực về chuyện “cát tặc” ở địa phương. Mãi đến năm 2014, khi Bộ Công an lập chuyên án bắt giữ băng nhóm do Toàn cụt cầm đầu, tình hình khai thác cát trái phép mới tạm yên.

Tuy nhiên gần đây, việc khai thác cát lậu lại có bùng phát trở lại. Chỉ trong vòng mấy tháng cuối năm 2014, đầu 2015 lực lượng chức năng của huyện đã bắt 6 vụ, phạt vi phạm hành chính hơn 200 triệu đồng.


Bên đóng bên mở

“Khó khăn nhất là tuy UBND TP.Hà Nội không cấp phép khai thác cát dưới lòng sông Hồng cho bất kỳ DN nào, nhưng UBND tỉnh Vĩnh Phúc lại cho phép cho một số DN khai thác bằng nhiều hình thức. Điều này đã tạo điều kiện cho các DN lấn sang phần sông thuộc địa bàn Hà Nội do Phúc Thọ quản lý”, ông Ngọ Duy Hiểu - Bí thư Huyện ủy Phúc Thọ (Hà Nội) cho biết.

Đánh giá về việc “cát tặc” lộng hành thời gian qua, ông Ngọ Duy Hiểu cho rằng đây là hành vi rất trắng trợn và nguy hiểm. Vì ngoài việc làm thay đổi dòng chảy, nó còn ảnh hưởng đến an ninh trật tự, môi trường, đời sống nhân dân 5 xã trong huyện. “Nếu Vĩnh Phúc cứ cho DN khai thác cát như hiện nay thì 10 năm nữa, đất của Phúc Thọ sẽ bị lở hết. Trong khi hàng năm Hà Nội phải bỏ ra hàng chục tỷ đồng để xây dựng kè chắn, bảo đảm an toàn cho thủ đô mỗi mùa mưa lũ”.

Theo báo cáo của UBND huyện Phúc Thọ, trên tuyến sông Hồng chảy qua địa bàn huyện có chiều dài 9,7km có 3 công ty (đã nêu trên) được UBND tỉnh Hà Tây (cũ) cấp phép khai thác cát. Nhưng phía bờ bắc thuộc địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, tỉnh này lại cấp phép khai thác cho Công ty CP Hữu Bích, Công ty CP Kevin, Công ty TNHH An Viên. Các công ty này khai thác cát bằng máy xúc, vận chuyển bằng đường bộ và đường sông.

Mặt khác do biến động về dòng chảy nên vị trí UBND tỉnh Vĩnh Phúc cấp phép cho các DN này đa phần nằm trên địa phận của Phúc Thọ. Do đó, các DN trên cứ mặc nhiên khai thác cát, làm cho công tác đấu tranh với “cát tặc” càng thêm khó khăn.

Ông Khuất Duy Kiều - Trưởng phòng CSGT đường thủy TP.Hà Nội cho biết: “Việc khai thác cát không phép và sai vị trí chúng tôi kêu mãi rồi nhưng chưa giải quyết được. Chúng tôi đã yêu cầu các công ty khai thác cát rải phao để xác định địa giới khai thác. Cũng đề nghị Cục Cảnh sát môi trường, Công an tỉnh Vĩnh Phúc kiểm tra sát sao hơn nữa hoạt động khai thác cát trên địa bàn của mình”.

Còn ông Lại Hồng Thanh – Cục trưởng Cục Quản lý hoạt động khai thác khoáng sản (Bộ TNMT) cho rằng: Việc xác định mốc giới bằng GPS như Phúc Thọ đã làm trong thời gian qua vẫn chưa phải là giải pháp căn cơ. Việc này mới chỉ phát hiện vấn đề chứ chưa xử lý được vấn đề. Phải xác định mốc giới theo các tài liệu pháp lý. Về lâu dài, Hà Nội phải có quy chế phối hợp với Vĩnh Phúc để xác định lại địa giới hành chính. Sắp tới Bộ TNMT cũng phải rà soát lại việc cấp phép khai thác cát.

Một số giải pháp khác được đưa ra như cấm tàu hút cát hoạt động ban đêm, rút giấy phép các doanh nghiệp khai thác sai phép… Tuy nhiên kết thúc hội nghị, giải pháp căn cơ nhất cho vấn nạn “cát tặc” ở Phúc Thọ vẫn chưa sáng tỏ.

Phúc Thọ đã cùng các ngành chức năng của Hà Nội và Vĩnh Phúc xác định lại địa giới bằng GPS, qua đó thấy rõ các DN của Vĩnh Phúc đã khai thác lấn sang địa bàn Phúc Thọ hơn 10ha. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem