Đầu tháng Tám, một khách sạn ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội xảy ra trường hợp khách nghỉ tại đây bị côn trùng lạ đốt gây mẩn ngứa, khó chịu đến mức không ngủ được.
Sau khi thông tin trên được phản ánh tới Viện Vệ sinh phòng dịch Quân đội, cơ quan này đã cử chuyên gia trực tiếp đến tìm hiểu và xác định “thủ phạm” gây ra tình trạng đó chính là rệp giường (Bedbug) - một loại côn trùng không cánh thứ sinh hút máu người và động vật.
|
Rệp giường đang tiêu máu - chụp mặt lưng. Ảnh: Đỗ Mạnh Cương - Viện Vệ sinh phòng dịch Quân đội |
Trao đổi với Dân Việt, ông Nguyễn Quang Thái, Trưởng Phòng Thí nghiệm - Khoa Côn trùng – Ký sinh trùng - Động vật y học (Viện Vệ sinh phòng dịch Quân đội) khẳng định, việc đối phó với rệp hút máu người phức tạp hơn nhiều so với bọ xít hút máu người. Cách đây không lâu, tại Hà Nội cũng đã xuất hiện bọ xít hút máu người, tuy nhiên số lượng không nhiều, và việc phát hiện cũng như tiêu diệt bọ xít đỡ phức tạp hơn so với rệp.
Trong khi đó, sự xuất hiện của rệp hút máu người là một mối quan tâm lớn bởi loài côn trùng này thường xuất hiện quần thể có số lượng lớn, tốc độ sinh trưởng nhanh. Theo ông Nguyễn Quang Thái, “rệp giường là một trong những loại ký sinh đeo bám nhất và cũng khó tiêu diệt được tận gốc nhất; thuốc xịt côn trùng hiện nay chưa thể xử lý triệt để chúng, mặt khác trứng của chúng không bị tiêu diệt bởi hoá chất hiện hành”.
Mặc dù trong cơ thể rệp có thể lưu giữ các tác nhân gây bệnh như: dịch hạch, hồi quy, sốt Q, Tularemia, viêm gan B... tuy nhiên cho đến nay vai trò truyền bệnh của rệp vẫn chưa được phát hiện.
Ông Thái cũng phân tích, không phải ngẫu nhiên tại Mỹ cũng như một số nước châu Âu, việc rệp xuất hiện lại trở thành một mối lo ngại. Bởi đó là loài côn trùng “cứng đầu” có đặc điểm là khó tiêu diệt, lẩn trốn kỹ và khi hút máu gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người về lâu dài. Còn tại Việt Nam, một số gia đình khi phát hiện có rệp xuất hiện cũng đã mua rất nhiều loại thuốc để diệt trừ, nhưng không có hiệu quả.
|
Rệp giường đang tiêu máu - chụp mặt bụng. Ảnh: Đỗ Mạnh Cương - Viện Vệ sinh phòng dịch Quân đội |
Về thông tin khoa học, rệp giường là loài côn trùng thuộc bộ bọ xít (Hemiptera), có mùi hôi, cơ thể dẹt, kích thước khoảng 4-5mm. Rệp hút máu người và động vật để sinh trưởng và phát triển. Bình thường cơ thể chúng có mầu vàng nhạt, khi hút no máu chúng chuyển thành màu nâu đỏ. Trứng rệp màu trắng sữa hoặc trắng xanh, dài khoảng 1mm. Để hoàn thành sự phát triển từ trứng đến trưởng thành, cần thời gian từ 6 tuần đến vài tháng, tùy thuộc vào nhiệt độ môi trường và điều kiện dinh dưỡng.
Rệp thường hút máu vào ban đêm nhưng nếu điều kiện thuận lợi, hoặc rệp đói lâu ngày chúng cũng đốt người cả vào ban ngày. Thời gian đốt máu của rệp trưởng thành khoảng 5-10 phút, sau 2-3 ngày rệp lại hút máu một lần. Rệp cái đẻ trung bình 5 trứng một ngày và trong vòng đời của mình chúng có thể đẻ tới 500 trứng.
Rệp giường thường trú ngụ và đẻ trứng trong các các khe nứt của nền nhà, đèn áp tường, khung ảnh, đặc biệt ưa thích các kẽ giường, chăn đệm. Khi phát hiện ra sự có mặt của rệp cần vệ sinh chăn màn, giường chiếu, bàn ghế… phơi nắng, xịt hơi nóng vào các kẽ giường tủ nơi có rệp trú ngụ…
Đáng chú ý, việc phun hoá chất thường không thể diệt triệt để loại rệp này và chúng có thể xuất hiện trở lại sau 2-3 tuần. Vì vậy để ngăn chặn rệp trong phòng ở, tránh lây lan ra cộng đồng, khi phát hiện rệp hút máu người nên liên hệ với các cơ quan chuyên môn để được tư vấn và giải quyết.
Khánh Linh
Vui lòng nhập nội dung bình luận.