Đối phó với bão số 3: Cấm biển, sơ tán dân trước 17 h ngày mai

Thanh Xuân Thứ hai, ngày 15/09/2014 20:32 PM (GMT+7)
Đó là chỉ đạo của Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải tại cuộc họp trực tuyến của Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão trung ương và Uỷ ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn  vào cuối giờ chiều ngày 15.9. Đó là chỉ đạo của Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải tại cuộc họp trực tuyến của Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão trung ương và Uỷ ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn  vào cuố
Bình luận 0

 

Cảnh báo lũ quét, sạt lở đất

Ông Hoàng Đức Cường - Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn trung ương cho biết: Hồi 16 giờ ngày 15.9, vị trí tâm bão số 3 ở vào khoảng 18,7 độ vĩ Bắc; 115,4 độ kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 380km về phía Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 12, cấp 13 (tức là từ 118 đến 149 km một giờ), giật cấp 15, cấp 16. Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 25 - 30km và còn có khả năng mạnh thêm.  Dự báo, bão số 3 sẽ đổ bộ vào vùng biển Quảng Ninh- Hải Phòng vào tối ngày 16.9 với cấp 10, cấp 12.  Trong khoảng 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 25km, đi vào đất liền các tỉnh phía Đông Bắc Bộ với cường độ cấp 10 - 11, sau đó suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới, áp thấp nhiệt đới tiếp tục suy yếu thành một vùng áp thấp. Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3 từ đêm 16.9 đến chiều ngày 18.9 ở các tỉnh Bắc Bộ sẽ xuất hiện một đợt mưa to đến rất to. Đặc biệt, lũ quét và trượt lở đất có nguy cơ cao xảy ra ở các tỉnh vùng núi phía Bắc và Tây Bắc như Quảng Ninh, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Hà Giang, Yên Bái, Điện Biên, Sơn La, Hoà Bình, Bắc Cạn, Thái Nguyên; đặc biệt ở các huyện như: Móng Cái, Hải Hà, Bình Liêu (tỉnh Quảng Ninh)…

Theo ông Nguyễn Thanh Dương - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai, trên địa bàn tỉnh, một số nơi vẫn đang khắc phục hậu quả của cơn bão số 2 chưa xong, như ở Bảo Yên đang có hiện tượng nứt núi, ruộng bậc thang, nhiều huyện bị sạt lở lớn như Bát Xát, Sa Pa. Tỉnh có 22 hồ chứa thuỷ điện, đã được kiểm tra, rà soát và thông báo cho các chủ hồ, có 88 hồ thuỷ lợi, trong đó 36 hồ đập xuống cấp nghiêm trọng, xây dựng cách đây 40-50 năm, mưa lớn sẽ rất nguy hiểm. Đặc biệt, khó khăn nhất là còn 198 hộ dân đang phải sống ở những nơi cực kỳ nguy hiểm như sạt lở núi, sạt lở ruộng bậc thang, chưa thể có điều kiện di chuyển. “Mặc dù người dân đồng tình di chuyển nhưng tỉnh chưa bố trí được đất. Hiện 198 hộ đã được cảnh báo, đốc thúc sơ tán sang khu vực khác. Tỉnh quyết tâm chỉ đạo trước trưa mai phải hoàn thành di chuyển 198 hộ này”, ông Dương nói.

Cơn bão số 2 đã làm thiệt hại 38 người ở 8 tỉnh miền núi phía Bắc trong đó chủ yếu là thiệt hại đau xót về người do đi qua khu vực có ngầm, suối. “Chúng ta làm tốt công tác phòng chống bão lũ ở ven biển nhưng thiệt hại nặng nề và đau xót nhất lại là ở vùng núi do lũ cuốn trôi. Do đó, lo ngại nhiều nhất là về sạt lở đất và lũ quét nên các địa phương cần hướng dẫn nhân dân đi qua ngầm, suối, nếu cần thiết phải bố trí người canh gác tại các khu vực nguy hiểm này”, ông Cao Đức Phát – Bộ trường Bộ NNPTNT nhấn mạnh.

 

Nhiều tỉnh cấm biển từ trưa mai

 Ông Đỗ Trung Thoại - Phó Chủ tịch UBND TP .Hải Phòng, từ chiều 15.9, Hải Phòng dừng tất cả các cuộc họp để tập trung chỉ đạo phòng chống lụt bão.  Hải Phòng đã thông báo, kiểm đếm được 4.075 tàu thuyền. Các phương tiện tàu thuyền nhỏ sẽ kéo lên bờ, các lồng bè được chằng chống, kéo về nơi an toàn. Ngày 16.9, TP sẽ tổ chức 5 đoàn đi kiểm tra, chỉ đạo trực tiếp phòng chống bão. Từ trưa ngày 16.9, Hải Phòng thực hiện việc cấm biển. “Hệ thống đê biển xung yếu của Hải Phòng được đầu tư nâng cấp đã đảm bảo an toàn. Tuy nhiên, hệ thống đê biển ở huyện Cát Hải rất yếu. Diện tích lúa của Hải Phòng đang kỳ trỗ, bão đổ bộ vào  nguy cơ bị thiệt hại là rất lớn”, ông Thoại nói.

Cùng chung nhận định trên, ông Nguyễn Văn Thành - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết, tỉnh đã liên tiếp có 2 công điện để chỉ đạo, phòng chống bão số 3. Chậm nhất sáng mai yêu cầu các tàu thuyền không được ra khơi, 500 tàu du lịch đến trưa mai, phải vào điểm tránh trú an toàn. Địa phương phải đảm bảo các lồng bè có giải pháp chậm nhất đến 19h tối mai phải di chuyển hết người dân vào bờ, không để bất kỳ ngư dân nào còn ở lại. “ Hiện ở Hải Phòng vẫn còn 25 tàu, bằng mọi cách liên lạc được để đảm bảo về nơi tránh trú bão an toàn trước 12 giờ trưa mai”, ông Thành nói.

Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát cho biết, tình hình hết sức khẩn trương mà công việc còn rất nhiều, vì vậy cần triển khai thực hiện khẩn trương, quyết liệt, các tỉnh ven biển kêu gọi tàu thuyền vì số lượng trên biển còn quá lớn. Đặc biệt lưu ý khâu hướng dẫn neo đậu, tàu cá của dân, tàu vận tải trong nước và quốc tế, lồng bè, nhà nổi Quảng Ninh- Hải Phòng neo đậu không kỹ, cứu hộ rất khó khăn. Sơ tán dân đặc biệt lo ngại vì vậy hết sức phải quan tâm chòi canh, khu nuôi trồng thuỷ hải sản, trước 17h chiều mai tất cả phải lên bờ.

 

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho biết, bão số 3 rất mạnh, diễn biến phức tạp, di chuyển rất nhanh, cường độ giật cấp 15-16. Tuy dự báo về Tây Tây Bắc, nhưng đề nghị không chủ quan. Rút kinh nghiệm như cơn bão số 2 vừa qua, dù chúng ta đã nỗ lực trong PCLB, giảm một cách đáng kể thiệt hại về người và tàu thuyền khi có bão. Thủ tướng rất sốt ruột, tại sao mưa lớn lại gây nhiều người chết do lũ quét như vậy? Tại sao chúng ta đã nắm được rõ ràng, chỗ nào có nguy cơ lũ quét, hộ dân nào nằm trong vùng nguy hiểm, nhưng hậu quả vẫn xảy ra? Nguyên nhân chính vẫn là do ý thức vẫn là tâm lý chủ quan.

Phó Thủ tướng cũng chỉ đạo các địa phương trong vùng ảnh hưởng dừng các cuộc họp không cần thiết để tập trung chỉ đạo, xem xét quyết định thời gian sơ tán dân và thời gian nghỉ học cho các cháu học sinh; phân công trực lãnh đạo và bố trí lãnh đạo đi địa phương chống bão. Đặc biệt lưu ý chằng chống nhà cửa, đảm bảo an toàn tại các khu vực trọng yếu, mỗi địa phương phải nắm lại địa điểm, vị trí có nguy cơ nước tràn mà có người dân đi qua để bố trí người canh gác.

 

 

 “Tôi đề nghị từ 17h ngày 16.9, toàn bộ tàu thuyền phải vào bờ, sơ tán dân khỏi vùng nguy hiểm. Bám sát từng tàu để đảm bảo các tàu đều về bờ trước 17h chiều mai. Nếu không khẩn trương kêu gọi tàu thuyền sớm thì hết sức cấp bách, vì bão di chuyển nhanh, phải rất khẩn trương mới kịp, vì chỉ còn 24 giờ nữa để chuẩn bị”, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nói. 

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem