Năm 208 CN, Tào Tháo dẫn quân xuôi nam, tiến đánh Kinh Châu. Lưu Bị thua trận bỏ thành chạy trốn.
Trong trận Trường Bản năm ấy, Tào Tháo sai Tào Thuần dẫn năm ngàn binh sĩ tinh nhuệ đi truy kích Lưu Bị, khiến ông phải bỏ lại vợ con, dẫn theo Trương Phi, Gia Cát Lượng và mấy chục kỵ binh hoảng hốt tháo chạy.
Đội quân từng gây nên nỗi ám ảnh trong cuộc đời của Lưu Bị năm xưa chính là "Hổ Báo Kỵ" dưới trướng Tào Tháo.
Hé lộ bí mật về đội quân tinh nhuệ tập hợp toàn cao thủ
Tiểu thuyết Tam Quốc diễn nghĩa gần như không hề nhắc tới nhóm binh sĩ tinh nhuệ mang tên Hổ Báo Kỵ. Nhưng nhiều sử liệu vẫn lưu lại không ít thông tin, trong đó tiêu biểu là "Tam Quốc chí" và "Ngụy thư".
Sở dĩ đội quân ấy có tên là Hổ Báo Kỵ, bởi nhóm binh lính này sở hữu sức chiến đấu vô cùng mạnh mẽ, khi tác chiến dũng mãnh chẳng khác nào hổ báo.
"Ngụy thư" ghi lại, đội quân này "đều là những người kiêu duệ trong thiên hạ, hoặc từ trăm người mới chọn được một". Từ đó có thể thấy, Hổ Báo Kỵ là đội quân tập hợp toàn các cao thủ.
Hổ Báo Kỵ là đội quân tuyển chọn toàn các cao thủ. (Ảnh minh họa).
Những danh tướng mạnh nhất dưới trướng Tào Ngụy đều bước ra từ "lò đào tạo" nghiêm ngặt của Hổ Báo Kỵ.
Trong đó có 8 vị tướng nổi tiếng được mệnh danh là "Bát Hổ Kỵ" từng được nhắc tới trong "Tam Quốc chí", bao gồm Hạ Hầu Uyên, Hạ Hầu Đôn, Hạ Hầu Thượng, Tào Nhân, Tào Hồng, Tào Thuần, Tào Chân, Tào Tu.
Đây là minh chứng khẳng định Hổ Báo Kỵ sở hữu đội hình chiến đấu cực mạnh, thậm chí là nhóm quân đứng đầu Tam Quốc thời bấy giờ.
Đáng chú ý hơn, người nắm giữ vai trò thống lĩnh đội quân đặc chủng này từ trước đến nay đều xuất thân từ gia tộc họ Tào.
Không chỉ mang trong mình dòng máu Tào gia, những người đảm nhiệm chức này còn cần phải sở hữu năng lực vượt trội, cùng với đó là sự tín nhiệm và tin tưởng tuyệt đối từ quân chủ.
Chỉ truyền lại quyền thống lĩnh Hổ Báo Kỵ cho người có thực lực trong gia tộc, chỉ riêng điều này đã cho thấy đây là đội quân chủ đạo của tập đoàn chính trị Tào Ngụy.
Nỗi ám ảnh của các thế lực đối địch với Tào Ngụy
Mặc dù những trận chiến có sự tham gia của Hổ Báo Kỵ được ghi lại không nhiều, nhưng đội quân này vẫn lưu danh sử sách với 4 chiến tích nổi bật dưới đây.
Chiến tích đầu tiên của đội quân này được sử liệu ghi lại xảy ra vào năm Kiến An thứ 9, trong trận chiến tại Nam Bì cùng Viên Đàm. Khi đó, Tào Thuần đã "thống lĩnh Hổ Báo Kỵ bao vây Nam bì", "tấn công chớp nhoáng, khiến Đàm bại trận. Binh sĩ dưới quyền chém đầu Đàm".
Năm Kiến An thứ 12, Tào Tháo tiến lên phía bắc để chinh phạt các bộ tộc Ô Hoàn. Bấy giờ, Tào Thuần dẫn Hổ Báo Kỵ ra chiến trường, lấy thủ cấp của thiền vu Ô Hoàn là Thạp Đốn ngay tại trận.
Năm Kiến An thứ 13, quân Tào tiến đánh Kinh Châu. Đội quân khiến Lưu Bị phải bỏ lại vợ mình trong trận Trường Bản để tháo chạy cũng chính là Hổ Báo Kỵ".
Tới năm Kiến An thứ 16, trong trận đánh với Mã Siêu, Tào Tháo áp dụng chiến thuật "trước dùng khinh kỵ binh, chiến đấu hồi lâu thì cho Hổ Báo Kỵ ra đánh giáp công để đại phá", đánh bại quân đoàn "Tây Lương thiết kỵ" tinh nhuệ của vị tướng họ Mã.
Đối mặt với những trận chiến gian khó, chiến đấu với những đối thủ tiếng tăm, thành tích của Hổ Báo Kỵ như vậy phải nói là rất đỗi huy hoàng.
Đội quân Hổ Báo Kỵ của Tào Tháo từng ghi được nhiều chiến công oanh liệt, thậm chí đã lấy mạng nhiều nhân vật khét tiếng thời bấy giờ. (Tranh minh họa).
Từ những chiến tích của đội quân này, có thể thấy Tào Tháo tận dụng Hổ Báo Kỵ một cách rất thông minh. Vị quân chủ này thường tung ra nhóm binh sĩ tinh nhuệ nhất của mình ở vào thời điểm mấu chốt nhất.
Bên cạnh đó, sử liệu còn lưu lại một chi tiết khác chứng minh tầm quan trọng của Hổ Báo Kỵ. Sau khi Tào Thuần mất, Tào Tháo đã đích thân làm thống lĩnh của đội quân này cho đến lúc qua đời.
Việc này khẳng định, Tào Tháo rất mực coi trọng vai trò của Hổ Báo Kỵ nên mới đưa ra quyết định trực tiếp chỉ đạo đội quân tinh nhuệ nhất của mình.
Trần Quỳnh (THỜI ĐẠI)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.