Có con đang học lớp 6 tại Hà Nội, chị Nguyễn Thị Trang cho biết, Bộ GD&ĐT đã ban hành Thông tư số 22/2021/TT-BGDĐT quy định về đánh giá học sinh THCS và học sinh THPT. Thông tư này có hiệu lực từ ngày 5/9/2021 và thực hiện theo lộ trình triển khai Chương trình GDPT 2018 đối với học sinh cấp trung học.
Năm học 2024 - 2025, học sinh từ lớp 1 đến lớp 12 đều học theo chương trình mới nên sẽ đánh giá theo Thông tư 22/2021. Cách xếp loại học lực những môn học đánh giá bằng nhận xét sẽ có 2 mức là đạt và chưa đạt; những môn đánh giá bằng nhận xét kết hợp đánh giá bằng điểm số sẽ theo một trong 4 mức: Tốt, khá, đạt, chưa đạt.
Vị phụ huynh này cho rằng, điều này có nghĩa học sinh không còn xếp học lực loại giỏi như Thông tư 58/2011/TT-BGDĐT và Thông tư số 26/2020/TT-BGDĐT sửa đổi. Do đó, chị Trang nhận thấy nên chăng thay đổi tên gọi từ “kỳ thi học sinh giỏi” thành “kỳ thi học sinh tốt” để phù hợp với quy định tại thông tư hướng dẫn về đánh giá học sinh trung học của Bộ GD&ĐT.
Tương tự, anh Lê Văn Mạnh ở tỉnh Nam Định chia sẻ, nếu như trước đây, khi học Chương trình 2006, việc đánh giá xếp loại học lực của học sinh cấp THCS, THPT được chia thành các loại: Giỏi, khá, trung bình, yếu, kém theo hướng dẫn tại Thông tư 58/2011/TT-BGDĐT và sau này là Thông tư số 26/2020/TT-BGDĐT sửa đổi. Việc để tên gọi “kỳ thi học sinh giỏi” là phù hợp.
“Căn cứ vào hướng dẫn của Thông tư số 22/2021/TT-BGDĐT ban hành ngày 20/7/2021, tên gọi kỳ thi học sinh giỏi sẽ không phù hợp với cách đánh giá, xếp loại mới vì năm học này không còn học lực giỏi. Nhưng, nếu thay bằng ‘kỳ thi học sinh tốt’ cũng có phần khiên cưỡng và rất lạ. Việc này cơ quan quản lý cần có nghiên cứu cụ thể để quyết định có nên đổi tên kỳ thi hay không”, anh Mạnh đặt vấn đề.
Trao đổi về vấn đề này, cô Phan Thị Hằng Hải - Hiệu trưởng Trường THPT Kim Ngọc (Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc) nhấn mạnh, kế thừa Thông tư 26/2020/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế đánh giá, xếp loại học sinh THCS và THPT, Thông tư số 22/2021/TT-BGDĐT yêu cầu việc đánh giá phải vì sự tiến bộ của người học.
Theo đó, việc đánh giá căn cứ vào yêu cầu cần đạt được quy định trong Chương trình GDPT; bảo đảm tính chính xác, toàn diện, công bằng, trung thực, khách quan. Đánh giá thực hiện bằng nhiều phương pháp, hình thức, kỹ thuật và công cụ khác nhau, kết hợp giữa đánh giá thường xuyên và đánh giá định kỳ. Hoạt động này phải coi trọng việc động viên, khuyến khích sự cố gắng trong rèn luyện và học tập của học sinh; không so sánh học sinh này với học sinh khác...
Vì vậy, theo cô Hằng Hải, vẫn nên giữ nguyên tên của kỳ thi học sinh giỏi thay vì chuyển thành kỳ thi học sinh tốt. Bởi bản chất vẫn là thông qua kỳ thi để tìm ra những em có năng lực đặc biệt ở môn học nào đó. Về đánh giá học sinh, các thầy cô phải triển khai nghiêm túc hướng dẫn của Bộ GD&ĐT tại Thông tư số 22/2021 để đánh giá được phẩm chất, năng lực người học.
Tránh chạy theo dư luận
Dưới góc nhìn chuyên gia, PGS.TS Trần Thị Minh Hằng - giảng viên cao cấp đến từ Học viện Quản lý Giáo dục khẳng định, việc có nên đổi tên của kỳ thi học sinh giỏi hay không chúng ta cần suy xét thật kỹ, tránh chạy theo dư luận.
Thông tư 22 quy định hai hình thức đánh giá là bằng nhận xét và điểm số. Trong đó, việc đánh giá bằng nhận xét, ngoài ý kiến chính của giáo viên còn có sự phối hợp của học sinh, phụ huynh và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có tham gia vào quá trình giáo dục học trò. Cả đánh giá bằng nhận xét và điểm số đều được sử dụng trong đánh giá thường xuyên, định kỳ.
Thông tư 22 cho phép một số môn chỉ thực hiện đánh giá bằng nhận xét. Cụ thể các môn: Giáo dục thể chất, Nghệ thuật, Âm nhạc, Mĩ thuật, Nội dung giáo dục địa phương, Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp, kết quả học tập theo môn học chỉ được đánh giá bằng nhận xét theo một trong hai mức: Đạt, chưa đạt. Đối với các môn học còn lại, kết hợp giữa đánh giá bằng nhận xét với đánh giá bằng điểm số.
PGS.TS Trần Thị Minh Hằng cho rằng, Bộ GD&ĐT đã kịp thời ban hành những hướng dẫn chi tiết, cụ thể về đánh giá học sinh giúp phát huy được phẩm chất, năng lực của người học. Tên gọi kỳ thi học sinh giỏi các môn từ cấp huyện, tỉnh đến quốc gia đã tồn tại từ nhiều năm nay và phản ánh đúng được mục tiêu, ý nghĩa của kỳ thi là tìm ra những em có năng lực thực sự về một môn học nào đó.
Vị chuyên gia cũng nhấn mạnh thêm, nếu đổi gọi tên là “kỳ thi học sinh tốt” thì chữ “tốt” nghĩa sẽ rất rộng vì bao hàm cả về phẩm chất đạo đức chứ không chỉ nói nên năng lực của học sinh về môn học nào đó.
Học tập là một hoạt động nên khi đánh giá, ta sẽ căn cứ vào khả năng thực hiện một cách có hiệu quả nổi bật của học sinh nên dùng từ “giỏi” sẽ hợp lý hơn cả. Còn để đánh giá học sinh này tốt hay không thì cần theo dõi cả quá trình học tập, phấn đấu lâu dài. “Trong giao tiếp hằng ngày, chúng ta thường nói học sinh này ứng xử tốt với ông bà/cha mẹ chứ không ai nói là ứng xử giỏi cả”, vị chuyên gia trao đổi.
Từ những phân tích trên, PGS.TS Trần Thị Minh Hằng nêu quan điểm cần giữ nguyên tên của “kỳ thi học sinh giỏi”. Nếu đổi tên thành “kỳ thi học sinh tốt” vừa mang tính khiên cưỡng mà không phản ánh đúng bản chất của kỳ thi. Việc đánh giá học sinh dựa trên phẩm chất, năng lực của người học đã có những hướng dẫn cụ thể, mỗi góc độ sẽ có cách gọi khác nhau.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.