Dự thảo Luật Nhà giáo: Chuyên gia ủng hộ giao quyền chủ động cho ngành GD tuyển dụng nhà giáo
Chuyên gia nói gì về đề xuất “giao quyền chủ động cho ngành Giáo dục trong tuyển dụng, sử dụng nhà giáo”?
Tào Nga
Thứ năm, ngày 07/11/2024 14:44 PM (GMT+7)
Dự thảo Luật Nhà giáo giao quyền chủ động cho ngành Giáo dục, chuyên gia đồng tình và cho rằng, Bộ GDĐT có trọng trách trước Nhà nước và xã hội trong việc thực hiện quản lý nhà nước về giáo dục nhưng lại không có quyền trong những quyết định liên quan đến hai nguồn lực quan trọng nhất để tổ chức thực hiện là tiền và con người.
Dự thảo Luật Nhà giáo: Giao quyền chủ động cho ngành Giáo dục
Theo chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, ngày 9/11 sắp tới, dự thảo Luật Nhà giáo sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu. Một trong những điểm mới của dự thảo Luật Nhà giáo là giao quyền chủ động cho ngành Giáo dục trong tuyển dụng, sử dụng nhà giáo.
Nếu quy định này được triển khai, ngành Giáo dục sẽ có sự chủ động trong tuyển dụng, sử dụng, phát triển đội ngũ nhà giáo; thu hút người giỏi đến với nghề dạy học, giữ chân nhà giáo giỏi yên tâm công tác, tránh tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ đối với các cấp học mầm non, phổ thông diễn ra nhiều năm nay, những bất cập đối với công tác quản lý đội ngũ nhà giáo ngoài công lập... từ đó, nâng cao chất lượng hệ thống giáo dục quốc dân.
Theo thống kê của Bộ GDĐT, tính đến tháng 4/2024, cả nước còn thiếu 113.491 giáo viên các cấp học mầm non, phổ thông. Cơ cấu đội ngũ nhà giáo còn mất cân đối giữa các môn học trong cùng một cấp học, giữa các vùng miền có điều kiện kinh tế - xã hội khác nhau; chỉ tiêu phân bổ giáo viên cho các địa phương đa số thấp hơn so với nhu cầu thực tế. Tỷ lệ giáo viên/lớp ở các cấp học đều thấp hơn định mức quy định của Bộ GDĐT.
Bên cạnh đó, so với nguồn nhân lực khác của đất nước, đội ngũ nhà giáo có những đặc trưng khác biệt và tính đa dạng cao, quyết định đến định hướng công tác quản lý nhà nước về nhà giáo. Cụ thể, cả nước có gần 1,6 triệu nhà giáo, chiếm số lượng lớn trong tổng số nguồn nhân lực của quốc gia, đặc biệt là đội ngũ trí thức của đất nước; chiếm tỷ lệ cao nhất trong tổng số viên chức của các ngành, lĩnh vực. Thế nhưng, việc quản lý nhà nước về nhà giáo hiện nay lại theo định hướng quản lý nhân sự - tức là quản lý các yếu tố hành chính liên quan đến việc sử dụng nhà giáo mà ít quan tâm đến tiềm lực và sự phát triển của nhà giáo.
Để giải quyết các vấn đề nêu trên, dự án Luật Nhà giáo đề xuất giao quyền chủ động cho ngành Giáo dục trong tuyển dụng, sử dụng nhà giáo. Trong đó, Bộ GDĐT, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội là cơ quan chủ trì xây dựng chiến lược, đề án, kế hoạch phát triển, tổng biên chế đội ngũ nhà giáo thuộc thẩm quyền quản lý trình cấp có thẩm quyền quyết định; ban hành tiêu chí, tiêu chuẩn tuyển dụng, nội dung thực hành sư phạm trong thi/xét tuyển nhà giáo; điều phối biên chế nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập theo số lượng được cơ quan có thẩm quyền giao.
Bắt đầu từ những thay đổi trong quản lý nhà nước, đây được xem kỳ vọng sẽ tạo bước đột phá trong xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo. Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, điều này sẽ tăng cường vai trò chủ trì của các cơ quan quản lý giáo dục trong công tác quản lý nhà nước, nhằm giúp ngành Giáo dục có sự chủ động trong quản lý, phát triển đội ngũ nhà giáo, đồng thời phù hợp với quan điểm chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Kết luận số 91-KL/TW ngày 12/8/2024 về tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
Chuyên gia ủng hộ giao quyền chủ động cho ngành Giáo dục trong tuyển dụng, sử dụng nhà giáo
Trao đổi với PV báo Dân Việt, chuyên gia giáo dục Bùi Khánh Nguyên đồng tình với đề xuất cho Bộ GDĐT được trao quyền bổ nhiệm nhân sự cùng cơ chế tài chính. Về nguyên tắc, trách nhiệm phải đi kèm với nguồn lực nên Bộ GDĐT được giao nhiều trách nhiệm thì phải đi kèm với các quyền đủ mạnh để hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Nếu sắp tới Bộ GDĐT quản lý về hai mảng tài chính và nhân sự, sẽ có những bài toán cụ thể được đặt ra như phương pháp tổ chức nhân sự như thế nào để nguồn nhân lực được hạnh phúc, cống hiến và có năng lực tốt hơn; nhà trường được đầu tư ngân sách hằng năm bao nhiêu; cộng đồng và xã hội giám sát bằng cách nào?...
Chuyên gia giáo dục Bùi Khánh Nguyên khẳng định: "Nhiệm kỳ của Bộ trưởng Bộ GDĐT hiện tại đã có những sự chấn chỉnh trong giáo dục như quyết tâm thực hiện đổi mới chương trình giáo dục, hướng từ đào tạo nội dung kiến thức sang đào tạo về xây dựng năng lực. Đây là tư duy đột phá hợp với sự phát triển của nền giáo dục các nước. Chúng ta hy vọng sắp tới sẽ có nhiều đột phá hơn, có sự thống nhất và giảm hạn chế, khó khăn trong ngành".
Nhìn nhận về mô hình quản lý giáo viên tại Việt Nam, TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến, nguyên Trợ lý Bộ trưởng Bộ GDĐT, cho rằng, trong thể chế giáo dục nước ta, từ Luật Giáo dục 1998 đến Luật Giáo dục 2019, trong chương quản lý nhà nước về giáo dục luôn có 3 quy định sau: Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về giáo dục; Bộ GDĐT chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về giáo dục; Bộ, cơ quan ngang Bộ, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm phối hợp với Bộ GDĐT thực hiện quản lý nhà nước về giáo dục.
Khi cụ thể hóa các quy định trên, có vấn đề là Bộ GDĐT chỉ có quyền trong thống nhất quản lý về chuyên môn của giáo dục; Bộ Nội vụ thống nhất quản lý về nhân sự của giáo dục; Bộ Tài chính thống nhất quản lý về tài chính của giáo dục. Tức là tuy Bộ GDĐT có trọng trách trước Nhà nước và xã hội trong việc thực hiện quản lý nhà nước về giáo dục nhưng lại không có quyền gì trong những quyết định liên quan đến hai nguồn lực quan trọng nhất để tổ chức thực hiện là tiền và con người.
Sự phân công trách nhiệm như vậy giữa Bộ GDĐT và Bộ Nội vụ trong quản lý nhà nước về nhà giáo là đặc trưng của mô hình quản lý nhân sự, phù hợp với mô hình quản lý nhà nước truyền thống về giáo dục khi Nhà nước giữ vai trò "vừa là người cầm lái vừa là người chèo thuyền". Tuy nhiên, từ hơn hai chục năm nay, trong bối cảnh hình thành và phát triển thị trường giáo dục, khi mô hình quản lý nhà nước về giáo dục ở nước ta đã từng bước chuyển sang mô hình quản lý công mới, nhà giáo phải được coi là nguồn lực quan trọng cần được điều chỉnh trong một khung pháp lý kiến tạo thì mô hình quản lý nhân sự như trên không còn phù hợp.
"Chính mô hình quản lý này là một trong những nguyên nhân chính khiến bài toán xây dựng đội ngũ nhà giáo đủ về số lượng, hợp lý về quy mô đến nay vẫn chưa có lời giải thỏa đáng. Cần thay thế nó bằng mô hình quản lý nguồn nhân lực. Trong đó, Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với Bộ GDĐT, Bộ Lao động - Thương binh và xã hội tham mưu, trình cấp có thẩm quyền quyết định số lượng và giao chỉ tiêu biên chế cho ngành Giáo dục, giám sát và đánh giá việc tổ chức thực hiện. Bộ GDĐT, Bộ LĐTBXH có trách nhiệm phân bổ chỉ tiêu biên chế cho các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, chỉ đạo việc tổ chức thực hiện trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn được giao", TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến đề xuất.
Giao quyền chủ động cho ngành Giáo dục trong tuyển dụng, sử dụng nhà giáo được nêu trong Dự thảo Luật Nhà giáo tại Chương III, Điều 46 Quản lý nhà nước về nhà giáo:
1. Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về nhà giáo.
2. Bộ GDĐT và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện việc quản lý nhà nước về nhà giáo và có các nhiệm vụ, quyền hạn sau:
a) Xây dựng, trình cơ quan có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền và tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về nhà giáo;
b) Chủ trì phối hợp với Bộ Nội vụ, các bộ, cơ quan ngang bộ, ủy ban nhân dân cấp tỉnh xây dựng chiến lược, đề án, kế hoạch phát triển, tổng biên chế đội ngũ nhà giáo thuộc thẩm quyền quản lý trình cấp có thẩm quyền quyết định;
c) Chủ trì phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ, ủy ban nhân dân cấp tỉnh điều phối biên chế nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập theo số lượng được cơ quan có thẩm quyền giao;
d) Quy định chế độ làm việc, tiêu chuẩn cụ thể, phương thức tuyển dụng, đánh giá đối với nhà giáo;
đ) Ban hành chương trình và quản lý việc tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo;
e) Quản lý công tác hợp tác quốc tế đối với nhà giáo;
g) Xây dựng và quản lý cơ sở dữ liệu, thống kê về nhà giáo;
h) Thanh tra, kiểm tra trách nhiệm quản lý nhà nước về nhà giáo;
i) Hằng năm, báo cáo Chính phủ về đội ngũ nhà giáo.
3. Các Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan có thẩm quyền của Đảng trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn được giao thực hiện quản lý nhà nước về nhà giáo.
4. Ủy ban nhân dân các cấp trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn được giao thực hiện quản lý nhà nước về nhà giáo.
5. Cơ quan chuyên môn chủ trì, tham mưu giúp Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, Uỷ ban nhân dân cấp huyện thực hiện chức năng quản lý nhà nước về nhà giáo theo quy định của Luật này gồm: Sở GDĐT, Phòng GDĐT, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.