Đổi thay trên quê hương cố Tổng Bí thư Trần Phú

Thứ hai, ngày 02/05/2011 06:12 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Truyền thống yêu nước, tinh thần trung kiên, bất khuất và hiếu học đã hun đúc ý chí cùng sức mạnh cho đất và người Đức Thọ, Hà Tĩnh.
Bình luận 0

Ngày hôm nay, truyền thống ấy đang tiếp tục được phát huy, tiếp sức cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân nơi đây giành nhiều thành tích lớn, xứng đáng là quê hương của đồng chí Trần Phú - Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Về Đức Thọ vào những ngày cuối tháng Tư lịch sử, dọc đường trải rộng màu xanh ngút ngàn của lúa xuân. Đôi bờ sông La vững chãi với hệ thống đê đang được bê tông hóa vừa làm đường giao thông nông thôn, vừa chống chọi với những cơn lũ dữ, bảo đảm hệ thống tưới tiêu cho đồng ruộng phì nhiêu. Hệ thống điện, đường, trường, trạm và hạ tầng cơ sở được xây dựng khang trang, mức sống người dân ngày một nâng lên.

img
Bà con xóm Châu Lĩnh, xã Tùng Ảnh xung phong chặt cây cối, dọn mặt bằng, hiến đất mở rộng đường, xây dựng nông thôn mới.

Khởi sắc một vùng quê

Chủ tịch UBND huyện Đức Thọ Võ Công Hàm cho biết: “Đến nay gần như 100% hộ dân ở Đức Thọ đã được ở nhà kiên cố. Trong đó trên 300 hộ nghèo được xây dựng nhà theo QĐ167 của Chính phủ với tổng kinh phí đầu tư trên 12 tỷ đồng, nâng tổng số hộ nghèo được xây dựng nhà ở lên 1.720.

Đức Thọ là huyện duy nhất của tỉnh Hà Tĩnh hoàn thành xây dựng nhà ở cho hộ nghèo về đích trước 2 năm. Đến cuối năm 2010, người dân các xã khó khăn ở Đức Thọ có quyền tự hào hơn bởi nhiều công trình, dự án phát triển cơ sở hạ tầng đã và đang được khởi công xây dựng. Ngoài 41 công trình do UBND huyện và các xã, thị trấn làm chủ đầu tư với vốn gần 300 tỷ đồng, còn có các công trình hàng nghìn tỷ đồng như: Dự án Nâng cấp, mở rộng đê La Giang; Dự án Sống chung với lũ…

Mới đây, cầu Linh Cảm vừa được hợp long với chiều dài 400m, tổng đầu tư trên 230 tỷ đồng, nối đôi bờ sông La, thông thương giữa quê hương cố Tổng Bí thư Trần Phú với quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh (Nam Đàn, Nghệ An) góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Năm 2010, ngân sách toàn huyện đạt trên 234 tỷ đồng - là năm thu ngân sách nội địa cao nhất từ trước tới nay. Trong năm, nhân dân đã đóng góp tự nguyện xây dựng cơ sở hạ tầng trên 5,5 tỷ đồng.

Theo Chủ tịch Võ Công Hàm, để đạt được kết quả như hôm nay chính nhờ Đức Thọ đã chú trọng đầu tư một số lĩnh vực cơ bản, trong đó đặc biệt chú trọng chiến lược phát triển con người. Trong nhiều năm qua, GDĐT Đức Thọ luôn là lá cờ đầu của tỉnh. Toàn huyện đã có 58 trường đạt chuẩn quốc gia, năm 2010 toàn huyện có gần 800 em đỗ ĐH.

Đột phá trong xây dựng nông thôn mới

Nhiều năm qua Đức Thọ được coi là vùng lúa trọng điểm của tỉnh Hà Tĩnh. Huyện chuyển hướng tập trung sản xuất lúa giống và lúa chất lượng cao làm khâu đột phá để tăng giá trị thu nhập trên diện tích canh tác. Những cánh đồng 50 - 70 triệu đồng/ha xuất hiện ngày càng nhiều.

Về phát triển nông thôn, toàn huyện hiện có hơn 750km giao thông nông thôn nhựa hóa và bê tông, 300km kênh mương cứng. 172/243 khối xóm có nhà văn hoá đạt chuẩn. Hộ nghèo chỉ chiếm 7,25%. Nhiều địa phương đã trở thành điển hình trong phong trào xây dựng nông thôn mới như xã Tùng Ảnh, Đức Yên, Trường Sơn, thị trấn Đức Thọ, Đức Lâm, Yên Hồ...

Bí quyết để Đức Thọ trở thành điểm sáng của tỉnh về xây dựng nông thôn mới là cách vận động khéo đã khơi dậy được sức dân mà xã Tùng Ảnh là một điển hình. Nằm sát cạnh thị trấn Đức Thọ, giá đất ở Tùng Ảnh tăng một cách chóng mặt nhưng sau khi xã được tỉnh chọn xây dựng nông thôn mới, người dân đã tự nguyện hiến hàng ngàn m2 đất để mở đường.

Trong quá trình thực hiện công cuộc đổi mới, Đảng bộ và nhân dân Đức Thọ đã sớm nhận thức được con đường để thoát khỏi nghèo, vượt qua khó khăn để phát triển.Trước hết là đổi mới cách nghĩ, cách làm để phát triển kinh tế- xã hội, đảm bảo an sinh.

Ông Đinh Long Vỹ (thôn Châu Lĩnh, xã Tùng Ảnh) cho biết: “Sau khi xã được chọn làm điểm xây dựng nông thôn mới, không chỉ gia đình tôi mà hàng chục hộ dân ở xóm này đồng tình hưởng ứng và tự nguyện hiến gần 500m2 đất. Gia đình tôi còn góp trên 20 triệu đồng để làm đường giao thông”.

Theo ông Vỹ, đây là chủ trương đúng đắn “đưa phố về làng” ai cũng phấn khởi. Bí thư Đảng ủy xã Tùng Ảnh –ông Lê Tự Lập cho hay: “Ngay sau khi xã phát động và tuyên truyền xây dựng nông thôn mới đã có 38 hộ nằm bên trục đường chính của xã đã tự nguyện hiến hàng ngàn m2 đất để mở rộng đường. Đến thời điểm này 100% tuyến đường trong xã đã được nhựa và bê tông hóa.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem