Đổi tiền mới, lẻ 2022: Nhân viên ngân hàng "bó tay", dân “buôn tiền” thổi phí cao ngất
Đổi tiền mới, lẻ 2022: Nhân viên ngân hàng 'bó tay', dân 'buôn tiền' thổi phí cao ngất
Huyền Anh
Thứ tư, ngày 19/01/2022 11:57 AM (GMT+7)
Trong khi nhân viên ngân hàng “lắc đầu” vì nguồn tiền mới, lẻ không còn được dư dả thì trên chợ online dịch vụ đổi tiền mới, lẻ vẫn quảng cáo rầm rộ, dân “buôn tiền” được đà hét phí cao gấp đôi, gấp ba năm ngoái.
"Bọn em cũng phải đi liên hệ các chi nhánh xin họ nhường xuất tiền mới, tiền lẻ chứ mấy năm nay Ngân hàng Nhà nước thắt chặt vụ tiền mới nên không dư dả"; "Bên mình tiền mới vẫn chưa về, nên để chắc chắn, T. có hỏi được mối nào cứ hỏi nhé. Mình vẫn đăng ký đổi cho T. nhưng năm nay khó quá, mọi năm nhân viên ngân hàng còn có suất, năm nay cắt hẳn luôn",…
Chị Hoàng Thanh T. (Hà Nội) chia sẻ với PV Dân Việt, đó là những câu trả lời khi chị liên hệ tới nhân viên ngân hàng để nhờ các bạn đổi tiền mới, tiền lẻ để sử dụng trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.
"Là khách hàng V.I.P tại các ngân hàng, vì vậy năm nào cũng được nhân viên ngân hàng hỗ trợ đổi tiền mới, tiền lẻ. Mấy năm nay muốn đổi cũng phải chờ vài ngày, nhưng năm nay đã sát Tết nhưng nhân viên ngân hàng vẫn "lắc đầu" vì nguồn tiền mới, lẻ không còn được dư dả như mọi năm", chị T. nói.
Cũng theo vị khách hàng này, nếu không đổi được tại ngân hàng, chị buộc phải lên tìm kiếm nguồn đổi tại chợ đen hoặc giao dịch qua các trang đổi tiền online đang được nhiều dân "buôn tiền" rầm rộ quảng cáo trong thời gian qua.
Trường hợp của chị T không phải cá biệt. Chia sẻ với PV Dân Việt, một số nhân viên của các ngân hàng trên địa bàn Hà Nội cho hay, những ngày này, phải thường xuyên từ chối lời hỏi "đổi tiền giúp" của khách, vì năm nay, lượng tiền mới về ít, mệnh giá không nhiều.
"Mấy năm nay chỉ có mệnh giá 10.000 đồng, 20.000 đồng, 50.000 đồng và 100.000 đồng đổi ngẫu nhiên cho khách, còn các mệnh giá thấp hơn gần như là không có. Năm nay ngay cả tiền 10.000 đồng, 20.000 đồng cũng rất hiếm. Bản thân nhân viên ngân hàng cũng không có xuất đổi mà phải ưu tiên cho khách hàng", một nhân viên ngân hàng chia sẻ.
Điểm a khoản 5 Điều 30 Nghị định 88/2019 quy định: Phạt tiền từ 20-40 triệu đồng đối với cá nhân nào có hành vi thực hiện đổi tiền không đúng quy định của pháp luật. Nếu tổ chức vi phạm, mức xử phạt hành chính sẽ bằng hai lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
Lãnh đạo tại một ngân hàng tư nhân lớn cũng thừa nhận, vài năm trở lại đây Ngân hàng Nhà nước không cung ứng tiền mới nên các ngân hàng thương mại phải tự xoay xở để hỗ trợ khách hàng (trong khả năng có thể). Tiền lẻ, mới ngân hàng đổi cho khách hàng thường là do ngân hàng tận dụng nguồn tiền mới được cung ứng ra thị trường trong thay thế cho tiền cũ.
Đổi tiền mới, lẻ chợ online: Muốn là có, dân buôn tha hồ hét giá
Trong khi nguồn tiền mới, lẻ tại các ngân hàng không còn dư dả như nhiều năm trước, các dịch vụ đổi tiền lẻ, mới càng phổ biến trên mạng xã hội như zalo, facebook cá nhân và các hội nhóm, fanpage.
Thậm chí, việc buôn bán, đổi tiền lẻ ăn chênh lệch không đúng quy định sẽ bị xử phạt nhưng thực tế, chỉ cần gõ từ khóa "đổi tiền lẻ" trên các công cụ tìm kiếm, hàng chục website cung cấp dịch vụ này sẽ hiện ra. Những website với tên gọi na ná nhau như "Dịch vụ đổi tiền", "Đổi tiền Tết" hay "Đổi tiền giá rẻ",... sẵn sàng đáp ứng nhu cầu đổi tiền lẻ, tiền mới của người dân trong khoảng thời gian cao điểm cận Tết Nguyên đán.
Hầu hết địa chủ này đều công khai phí tương đương nhau, trung bình hiện tại, các loại tiền 1.000 đồng, 2.000 đồng, người đổi bó 100 tờ mới sẽ mất phí lần lượt là 15.000 đồng và 20.000 đồng. Trong khi đó, bó 100 tờ mệnh giá 20.000 đồng và 50.000 đồng sẽ mất phí lần lượt khoảng 180.000 đồng và 400.000 đồng.
Tại địa Facebook "doitienmoile 0978xxx", chủ nhân của tài khoản này cũng quảng cáo rầm rộ không kém về dịch vụ chuyên nghiệp, giá cả phải chăng khi đổi tiền lẻ, tiền mới dịp cuối năm. Qua trao đổi, chủ tài khoản cho biết: Nếu khách hàng đổi số lượng tiền lớn thì tính chênh lệch giá quy đổi là 10%. Tức muốn đổi được 10 triệu đồng tiền mới thì người muốn đổi phải bỏ ra 11 triệu đồng. Còn đổi với số lượng tiền ít từ 10 triệu đồng trở xuống tính giá lẻ là 15%. Mức chênh lệch trên được chủ tài khoản này đưa ra dành cho khách đổi các loại tiền mệnh giá hàng chục nghìn đồng (tức tiền đổi có mệnh giá 10, 20 và 50 nghìn đồng). Còn muốn đổi tiền mới có mệnh giá nhỏ hơn (hàng nghìn) thì tỷ lệ chênh lệch có khi lên đến 30%. Trong khi đó, vào cùng thời điểm năm trước mức phí cao nhất chỉ lên tới 7% đối với đổi tiền mới, lẻ mệnh giá 20.000 đồng trở lên và 10% đối với mệnh giá 2.000 đồng, 5.000 đồng. Như vậy, mức phí năm nay đã được dân "buôn tiền" hét gấp 2, gấp 3 năm trước.
Được biết, gần 10 năm nay, Ngân hàng Nhà nước đã không đưa tiền mới mệnh giá nhỏ lẻ vào lưu thông dịp Tết. Theo đó, năm 2013, Ngân hàng Nhà nước không in tiền mới mệnh giá 500 đồng, năm 2014 là tiền 1.000 - 2.000 đồng, năm 2015 là tiền 5.000 đồng và từ năm 2016 đến nay không chi ra tiền mới in còn nguyên seri từ 5.000 đồng. Tuy nhiên, người dân vẫn có nhu cầu đổi tiền lẻ mệnh giá nhỏ dịp Tết Nguyên đán. Đây là lý do dịch vụ đổi tiền lẻ "chui" vẫn tồn tại, nhất là cao điểm Tết.
Tuy vậy, đổi tiền lẻ, tiền mới qua mạng tiềm ẩn nguy cơ lừa đảo rất cao bởi nhiều trang web đổi tiền không có địa chỉ rõ ràng và thường yêu cầu khách chuyển khoản trước nên không ít người đã bị "bùng" tiền khi chưa nhận được tiền mới, tiền lẻ. Đa phần thường bị rút ruột, hoặc tráo tiền giả vào...
Một điều tra viên Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP Hà Nội cho biết, vào dịp cuối năm, trong các hội nhóm hàng mua bán tiền trên mạng xã hội có nhiều tố cáo các chiêu trò đổi tiền bịp bợm của những nạn nhân. Một trong những chiêu trò thường gặp nhất là viện cớ ít hàng, khan hàng rồi đưa người mua vào bẫy, yêu cầu đặt cọc rồi biến mất"... Do vậy, chuyên gia khuyến cáo, người dân cần thận trọng, không nên đổi tiền, mất phí, nhất là sử dụng dịch vụ đổi tiền online, tránh tình trạng "tiền mất tật mang".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.