Đội tứ linh toàn... các cụ ở đất Hà thành

Hoàng Thi Thứ sáu, ngày 22/05/2015 08:07 AM (GMT+7)
Xã Hương Sơn (Mỹ Đức, Hà Nội) có 3 đội tứ linh, vẫn thường góp vui việc làng, việc xã mỗi kỳ lễ lạt, kỷ niệm. Trong đó có một đội chỉ toàn… các cụ. Thành viên cao tuổi nhất là 87 tuổi, còn người trẻ nhất của đội năm nay cũng đã 60 tuổi. 
Bình luận 0

Già mới… chơi!

Khó tìm được ở đâu một nét khá lạ và độc đáo như với trường hợp đội tứ linh của người cao tuổi thôn Đục Khê này. Không phải vì thanh niên không mặn mà hay không tìm ra người trẻ để kế cận, mà thanh niên, trung niên sẽ có mặt ở các đội khác. Còn ở đội tứ linh lão niên này, thành viên của đội chỉ toàn những “lão diễn viên” mà trẻ nhất hiện nay là 60 tuổi.

img
Đội tứ linh thôn Đục Khê biểu diễn. Ảnhn:  Hoàng Thi

Chính các cụ, các ông trong đội cũng không hiểu rõ vì sao. Ông Quý Sửu (67 tuổi) kể: “Thôn Đục Khê chúng tôi có đội tứ linh này từ lâu lắm, không biết từ bao giờ, chúng tôi là thế hệ mãi về sau rồi, cứ theo dòng dõi quê hương mà tiếp nối nhau giữ gìn. Ông Nguyễn Văn Soi (60 tuổi) thì cho biết, hiện giờ những người cao tuổi nhất và vẫn kiên trì “bám đội” là cụ Lê Đức Thộ 87 tuổi, kế đến là cụ Phạm Văn Thường 84 tuổi… còn bình thường thì khoảng đến tuổi 80 là các cụ đã xin “về hưu”. Hai cụ đây cũng chính là hai người thầy đã hướng dẫn các động tác múa tứ linh cho lứa ông Soi bây giờ. Nhiều cụ trước nữa thì đã “về quê”, tức là ra đi rồi.

Thường các dịp xuân về, đội tứ linh thôn Đục Khê diễn hầu Phật, hầu thánh phục vụ hội chùa Hương, cùng các hoạt động lễ ở đình, đền, đám hỉ hay các đám khao thọ lớn.

Nhưng không chỉ được tín nhiệm trong địa phương, các cụ còn được mời đi diễn nhiều nơi khác như các xã, huyện của Hà Nội, Hòa Bình, Ninh Bình… cũng vào các dịp lễ lạt trong năm. Cả đội 28 người, thuê chuyến xe 29 chỗ, mang đủ đầu rồng, đầu lân, gậy gộc, khăn áo, trống chiêng… đi liền hai ngày là chuyện thường.

Tuổi cao múa dẻo

Quan điểm

Ông Phạm Văn Phương - đội trưởng đội tứ linh
  Chúng tôi múa thong thả, điềm đạm hơn. Đó cũng chính là cách diễn cổ truyền. Xưa các cụ dạy thế nào, nay chúng tôi giữ như thế”. 
Với thanh niên thì đi thế không hề gì, nhưng với tuổi đã lên ông lên cụ thì rất đáng nể. Ông Phạm Văn Phương- đội trưởng nói: “Không đi diễn thì chúng tôi ở nhà vẫn tăng gia sản xuất đấy. Vì ở đây, các gia đình toàn làm nghề nông thôi mà. Rồi bình thường thì hàng ngày ai cũng vẫn phải chăm tập thể dục, đi bộ vì chúng tôi đều biết phải có giữ sức khỏe tốt, ăn ngủ điều độ thì mới biểu diễn được”.

 

Đúng như ông Phương chia sẻ, mỗi lần diễn, để thực hiện được các động tác múa rồng đẹp mắt như vìa (thân rồng vây tròn quanh viên ngọc), lộn (rồng uốn khúc chui đầu qua thân), rồi động tác lân chiến, cùng các kỹ thuật múa ba lễ của đủ bộ tứ linh, các cụ phải khỏe, phải khá nhanh nhẹn. Vì đâu phải múa tay không, các cụ phải bê đầu rồng hay chui vào đầu lân, vào bộ vỏ hình chim phượng và rùa để múa. Ngay cả với thanh niên thì phải dẻo dai và có sức bền mới múa được, chứ chưa nói đến người già. “Tất nhiên, tuổi tác không cho phép mình múa lượn nhanh, mạnh rồi chạy như người trẻ được. Chúng tôi múa thong thả, điềm đạm hơn. Đó cũng chính là cách diễn cổ truyền. Xưa các cụ dạy thế nào, nay chúng tôi giữ như thế” - ông Phương nói.

Mỗi năm, ngoài những cuộc biểu diễn sở tại và “lưu diễn” đó đây, đội tứ linh lại có một cuộc gặp mặt đông đủ các thành viên và một số cụ thuộc thế hệ trước chưa “về quê” để chia vui giữa các “cụ anh”, “cụ em”. Thông thường, đây cũng là dịp kết nạp thêm hai, ba ông đến tuổi lục thập, có niềm say mê, còn đủ sức khỏe và có nguyện vọng gia nhập đội. Bạc đầu, râu dài nhưng vẫn vui vẻ đi múa cho trẻ con xem, cho các khán giả đa phần ở tuổi đàn em, đàn cháu mình tán thưởng. Đấy là hạnh phúc của các cụ, các ông, khi thấy mình già rồi mà vẫn… hữu dụng.

Với phong cách đĩnh đạc, lại là các cụ tuổi cao, biểu diễn các động tác thể hiện hình ảnh những con vật linh thiêng trong không khí trang nghiêm, rộn rã của các hoạt động lễ, hội, nên đi đến đâu, đội tứ linh Đục Khê cũng được người dân rất quý trọng. Thời buổi “dịch vụ”, đi diễn thì có thù lao, các nơi còn hay mời ăn cỗ, các cụ có thêm chút ít hỗ trợ kinh tế gia đình. Tất nhiên như các thành viên trong đội chia sẻ thì say nghề, vui là chính thôi, chứ ở tuổi ấy, phần lớn người ta đã nghỉ ở nhà cho khỏe.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem