Đối tượng phao tin hàng hóa bị công an bắt giữ để chiếm đoạt hơn 1,8 tỷ đồng, có thể bị xử lý thế nào?

Phi Long Thứ hai, ngày 16/12/2024 11:38 AM (GMT+7)
Theo luật sư, đối tượng phao tin hàng hóa bị công an bắt giữ để chiếm đoạt hơn 1,8 tỷ đồng có thể sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Bộ luật hình sự 2015.
Bình luận 0

Bắt tạm giam đối tượng chiếm đoạt tiền của người khác

Ngày 15/12, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Kiên Giang cho biết, đã khởi tố, thi hành lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Ngô Ngọc Thảo (SN 1983, ngụ đường 287 Lâm Quang Ky, khu phố 4, phường Vĩnh Lạc, TP. Rạch Giá) về để điều tra về hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

Trước đó, vào khoảng tháng 09/2023, bà N.T.N.B hợp đồng với với Ngô Ngọc Thảo bằng hình thức bà B đầu tư tiền cho Thảo đi mua đường cát về giao lại cho cho các cơ sở bán lẻ kiếm lời chia nhau, thời gian đầu việc hợp tác diễn ra suôn sẻ.

img

Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Kiên Giang thi hành lệnh bắt bị can để tạm giam đối với đối tượng Ngô Ngọc Thảo. Ảnh: CA.

Tuy nhiên, đến ngày 28/11/2023 khi nhận được số tiền lớn từ bà B, Thảo nảy sinh ý định chiếm đoạt tài sản, nên phao tin là số đường cát trên đường vận chuyển đã bị cơ quan công an bắt giữ. Sau đó, Thảo bỏ trốn, chiếm đoạt của bà N.T.N.B số tiền hơn 1,8 tỷ đồng.

Nhận được tin tố giác tội phạm của bà N.T.N.B, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh đã tích cực xác minh làm rõ, truy tìm đối tượng Thảo, bằng các biện pháp nghiệp vụ, xác định Ngô Ngọc Thảo đang lẩn trốn tại phường An Phú, TP. Thuận An (Bình Dương).

Cơ quan điều tra đã phối hợp chính quyền địa phương bắt giữ Thảo. Qua điều tra nhanh ban đầu, Thảo khai nhận đã chiếm đoạt số tiền chiếm đoạt của bà để tiêu xài cá nhân.

Quy định về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản

Luật sư Hoàng Anh Sơn – Đoàn luật sư TP. Hồ Chí Minh cho hay, Điều 175 Bộ luật hình sự 2015 quy định, người vi phạm sẽ bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm trong các trường hợp sau: 

Chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 4.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 4.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản hoặc đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 174 và 290 của Bộ luật hình sự chưa được xóa án tích mà còn vi phạm hoặc tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình;

Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó hoặc đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả;

Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng và đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản.

Trường hợp người dân phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây sẽ bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm: Có tổ chức; Có tính chất chuyên nghiệp; Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức; Dùng thủ đoạn xảo quyệt; Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

Người phạm tội chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng sẽ bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm. Trường hợp phạm tội chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên sẽ bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm.

Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem