Thái Nguyên: "Vàng tặc" hoành hành, chính quyền địa phương nói khó quản lý
Thái Nguyên: "Vàng tặc" hoành hành ở huyện Đồng Hỷ, chính quyền địa phương nói khó quản lý?!
Hà Thanh
Thứ hai, ngày 16/12/2024 15:00 PM (GMT+7)
Thời gian qua, trên địa bàn 2 xã Cây Thị và Hợp Tiến (huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên) rộ lên tình trạng đào hầm khai thác vàng trái phép gây mất an toàn, an ninh trật tự và ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất của người dân, nhưng chính quyền địa phương lại cho rằng rất khó quản lý.
Vừa qua, phản ánh tới Báo Dân Việt, một số người dân trên địa bàn 2 xã Cây Thị và Hợp Tiến (huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên) cho biết: Thời gian gần đây trên địa bàn xuất hiện một số nhóm người vận chuyển máy móc thiết bị vào rừng phục vụ cho việc đào hầm để tìm kiếm và khai thác vàng trái phép gây mất an ninh trật tự, hủy hoại đất, làm ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất của người dân.
Sau khi nhận được ý kiến phản ánh nêu trên, vào những ngày cuối tháng 11, đầu tháng 12 vừa qua, PV Dân Việt cùng đồng nghiệp đã quyết định vào cuộc để tìm hiểu thực tế.
Trong vai những người đi săn ong và được sự chỉ dẫn tận tình của người dân bản địa, sau nhiều giờ đi bộ, trèo đèo, lội suối chúng tôi đã đến được khu Ba Khe của rừng Ngàn Me thuộc địa bàn xóm Cao Phong (xã Hợp Tiến, huyện Đồng Hỷ). Trong quá trình chúng tôi tiếp cận hiện trường, thấy sự xuất hiện của người lạ, một nhóm người nghi là những đối tượng khai thác vàng trái phép đã bỏ chạy vào rừng.
Leo ngược dốc trên đống đá thải dựng đứng chúng tôi đã tiếp cận được một cửa đường hầm dẫn sâu vào lòng núi. Đường hầm này có chiều cao khoảng 1,2 - 1,5m, rộng khoảng 1m. Theo người dân địa phương, đường hầm này chính là cửa hang mà các đối tượng khai thác vàng trái phép đào vào để tìm kiếm và khai thác vàng trong thời gian vừa qua. Đi sâu vào trong hang được khoảng 25m, nhóm PV chúng tôi bị chặn lại bởi một cửa sắt khóa trái bên trong.
Phía ngoài cửa hang, ngoài lượng đất đá thải rất lớn được các đối tượng đào hầm xả xuống chân núi cũng như rất nhiều các bao tải bên trong chứa đất đá vứt ngổn ngang bên cạnh các lối mòn thì ngay trước cửa hang còn có một số thiết bị máy móc như máy phát điện, máy nén khí cùng một số vật dụng khác như nồi niêu, xoong chảo…
Cũng tại đây, trong quá trình kiểm tra hiện trường xung quanh, nhóm PV phát hiện ngoài đường hầm nói trên còn có rất nhiều cửa hầm khác ăn sâu vào trong lòng núi mà các đối tượng đã đào trước đó.
Vì đây là khu vực rừng sản xuất do vậy những cửa hầm tiềm ẩn nguy cơ gây sạt lở cao, thậm chí tạo thành những chiếc bẫy có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới tính mạng của người dân nơi đây trong quá trình hoạt động sản xuất.
Tương tự như khu vực Ba Khe (xóm Cao Phong, xã Hợp Tiến), thời gian qua việc khai thác vàng trái phép tại xã Cây Thị (huyện Đồng Hỷ) cũng là chủ đề nóng để người dân nơi đây bàn tán, cụ thể như tại khu Đá Mài (xóm Hoan). Do có đường đi tương đối thuận lợi nên việc các đối tượng tổ chức hoạt động khai thác vàng trái phép tại đây.
Mặc dù đã được người dân cho biết trước, nhưng khi tiếp cận được với hiện trường nơi này nhóm PV chúng tôi vẫn không khỏi bất ngờ bởi ngoài đường điện, đường nước thì đường ống dẫn khí của đường hầm tại đây được các đối tượng khai thác trái phép lắp đặt.
Ngoài ra để giảm tiếng ồn, né tránh được sự phát hiện của người dân, các đối tượng đã đưa máy nổ, máy phát điện vào sâu bên trong một hang đá cách đó không xa sau đó dẫn điện ra ngoài rồi mới dẫn vào hầm khai thác.
Leo ngược dốc từ cửa hầm lên khoảng 30m chúng tôi tới được một chiếc lán nhỏ tạm bợ gác bằng cây, que nằm cheo leo bên vách núi, trong lán có một số người đang nằm nghỉ, một số khác đang ngồi đợi đến giờ vào hầm khai thác.
Trò chuyện với chúng tôi, một thanh niên khoảng trên 20 tuổi tự giới thiệu anh ta cùng với 6 người khác quê ở Sìn Hồ, Lai Châu được một người tên Thịnh thuê xuống để đào hầm khai thác vàng được một thời gian với mức thù lao từ 200.000 – 250.000đồng/người/ngày, thời gian làm việc buổi sáng từ 6 giờ đến 11 giờ, buổi chiều từ 13 giờ - 17 giờ. Khi được hỏi việc khai báo tạm trú chủ cai có khai báo cho hay không thì đối tượng này nói là không biết.
Sau một thời gian tìm hiểu và thông qua nhiều mối quan hệ khác nhau, đến chiều ngày 29/11 chúng tôi đã tiếp cận được người đàn ông tên Thịnh nói trên. Qua trao đổi người này cho biết: "Đội của em tính cả em là 8 người, bọn em đào thăm dò và khai thác ở đây được gần một tháng nhưng vẫn chưa được gì. Khu em làm là đất rừng, không phải của riêng ai nên bọn em làm không xin phép ai và cũng không báo cáo ai".
Chính quyền địa phương nói khó quản lý?!
Liên quan đến việc khai thác vàng trái phép diễn ra trên địa bàn 2 xã Hợp Tiến và Cây Thị trong thời gian vừa qua, ngày 10/12 trao đổi với PV Dân Việt, ông Lê Văn Nguyên - Phó Chủ tịch UBND xã Hợp Tiến cho biết xác nhận có hiện tượng kể trên.
"Về vấn đề khai thác khoáng sản tại khu vực Ba Khe đã tồn tại từ những năm 90, 91. Đến giờ các đối tượng tận dụng lại những hang cũ trước đó để tiếp tục thực hiện việc khai thác. Chúng tôi đã thành lập đoàn phối hợp với lực lượng kiểm lâm, công an và dân quân vào khu vực này tuần tra, kiểm soát và đã bắt giữ được 3 lần, trong đó gần đây nhất là tháng 6/2024 có bắt giữ được máy móc khai thác của các đối tượng", ông Nguyên thông tin.
Theo ông Nguyên, thời gian gần đây, khi các đối tượng tiếp tục việc thăm dò để khai thác, chính quyền địa phương có nắm được, tuy nhiên để túc trực thường xuyên tại địa bàn thì chính quyền không thể có mặt được, mà chỉ khi đi kiểm tra phát hiện mới tiến hành bắt giữ các phương tiện nghi là được các đối tượng sử dụng để khai thác khoáng sản trái phép, với tổng số 4 lần. Đồng thời tiến hành tháo dỡ các lán được những đối tượng dựng lên để khai thác.
Để xử lý dứt điểm tình trạng này, Phó Chủ tịch UBND xã Hợp Tiến cho rằng chỉ có cách thành lập chốt tại khu vực đó, tuy nhiên do lực lượng của địa phương rất hạn hẹp, kinh phí để dựng chốt cũng không có.
"Về vấn đề này chúng tôi đã báo cáo lên công an huyện và đơn vị cũng đã nắm được. Vừa rồi, xã cũng đã phối hợp với công an huyện bắt giữ 3 trường hợp và quyết định xử phạt mỗi đối tượng 70 triệu đồng. Đây là những đối tượng nghiện hút, không có công ăn việc làm nên mới vào đây để thực hiện hành vi khai thác khoáng sản trái phép", ông Nguyên cho biết thêm.
Về vấn đề này, ông Lý Văn Long – Chủ tịch UBND xã Cây Thị thông tin, xã có diện tích tự nhiên lớn hơn 4.000ha, trong đó có 3.000ha là đất rừng sản xuất, hơn 200ha là rừng phòng hộ. Trong thời gian vừa qua, địa phương luôn coi công tác quản lý tài nguyên, khoáng sản trên địa bàn là nội dung quan trọng, được thể hiện thông qua các Nghị quyết của Đảng bộ xã. Cùng với đó, xã cũng ban hành rất nhiều văn bản trong đó có quyết định thành lập tổ quản lý tài nguyên khoáng sản trên địa bàn, giao cho Phó Chủ tịch UBND xã phụ trách mảng kinh tế làm Tổ trưởng và Trưởng Công an xã làm Phó tổ trưởng.
"Đối với trách nhiệm của địa phương, trong thời gian vừa qua chúng tôi thường xuyên chỉ đạo các bộ phận liên quan thực hiện công tác kiểm tra, kiểm soát trên địa bàn. Do đó, cũng đã phần nào giảm được việc khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn. Trong thời gian tới, chúng tôi tiếp tục chỉ đạo các bộ phận chuyên môn tăng cường hơn nữa trong công tác kiểm tra, kiểm soát để thực hiện nghiêm túc công tác quản lý tài nguyên, khoáng sản trên địa bàn nói chung và đối với xã Cây Thị nói riêng", ông Long cho biết.
Cũng theo người đứng đầu chính quyền xã Cây Thị, đối với địa bàn khu vực xóm Hoan, sau khi có ý kiến phản ánh của người dân về tình trạng khai thác khoáng sản trái phép, ngay trong chiều 9/12, UBND xã cũng đã chỉ đạo bộ phận chuyên môn cùng với công an xã tiến hành kiểm tra, rà soát tại điểm xóm Hoan.
Tại địa bàn, phát hiện có một lán không có người, trong thời gian tới, địa phương sẽ tiếp tục kiểm tra xem hộ trực tiếp quản lý thửa đất đó là ai để cho ký cam kết không thực hiện khai thác khoáng sản trái phép tại khu vực này.
"Quá trình tổ công tác đi kiểm tra thường xuyên không phát hiện có đối tượng nào thực hiện việc khai thác, hoặc nếu phát hiện người thì họ nói rằng đi làm bãi do đó cũng rất khó khăn cho chính quyền địa phương trong công tác quản lý", ông Long nói thêm.
Tuy nhiên, như PV Dân Việt đã ghi nhận, hiện đang có hiện tượng đào đãi khoáng sản trái phép trên địa bàn các địa phương trên.
Dân Việt sẽ tiếp tục thông tin.
Theo Điều 18, Luật Khoáng sản năm 2010 quy định: Trách nhiệm bảo vệ khoáng sản chưa khai thác của Ủy ban nhân dân các cấp
1. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm:
a) Ban hành theo thẩm quyền hoặc hoặc trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành văn bản để thi hành pháp luật về khoáng sản tại địa phương;
b) Tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong việc bảo vệ khoáng sản chưa khai thác;
c) Tổ chức bảo vệ khoáng sản chưa khai thác;
d) Huy động và chỉ đạo phối hợp các lực lượng trên địa bàn để giải tỏa, ngăn chặn hoạt động khoáng sản trái phép tại địa phương.
2. Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp huyện) trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm:
a) Tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật về khoáng sản tại địa phương;
b) Chỉ đạo Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp xã) thực hiện các biện pháp bảo vệ khoáng sản chưa khai thác; huy động và chỉ đạo phối hợp các lực lượng trên địa bàn để giải tỏa, ngăn chặn hoạt động khoáng sản trái phép.
3. Ủy ban nhân dân cấp xã trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phát hiện và ngăn chặn kịp thời các hoạt động khoáng sản trái phép; phối hợp với các cơ quan chức năng bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.