Ông Trần Ngọc Dũng (SN 1968) đang sửa quạt để đón thí sinh trọ miễn phí tại nhà mình
Thời tiết Quy Nhơn cận ngày thi nóng như đổ lửa, dáng người mảnh dẻ, ông Dũng vẫn dong xe đi khắp các điểm thi để chào đón thí sinh. Thấy những phụ huynh “tay xách, nách mang" ông liền ân cần hỏi thăm và chào đón về nhà mình để ở miễn phí.
Ông Dũng cho biết: “Năm 2010, sau khi xây nhà và trả hết nợ vay ngân hàng, con cái đã lớn, tôi và vợ quyết định cho thí sinh ở trọ miễn phí. Vợ chồng tôi luôn tâm niệm, khi mình sống tốt đẹp, con cái cũng sẽ học theo, sống tử tế và nhân ái. Mình ở sao thì thí sinh ở vậy, miễn là để các cháu từ nơi xa đến Quy Nhơn cảm thấy được sự nhiệt tình, an toàn”.
Gia đình ông Dũng vốn chẳng khá giả gì, ông sống bằng nghề in lụa tại nhà còn thu nhập của người vợ chỉ nhờ vào vài đồng lương hưu. Nhưng cứ đến mùa thi, đôi vợ chồng này lại bỏ việc mưu sinh thay phiên nhau đón tiếp thí sinh, người đi tìm, người dọn dẹp phòng… Trong mùa thi, con gái lớn của ông Dũng đã tốt nghiệp ngành Sư phạm hóa (Đại học Quy Nhơn) cũng tham gia giúp nhiều thí sinh ôn bài trong lúc lưu trú tại nhà.
Bà Thoa tâm sự: “Lúc trước mỗi mùa thi gia đình kiếm được khoảng 8 triệu đồng tiền cho thuê phòng. Nhưng từ năm 2010, khi đã trả hết nợ nần thì vợ chồng tôi dọn dẹp lại phòng để cho thí sinh ở miễn phí. Sự yêu mến, tin tưởng của thí sinh và người nhà trở thành động lực, vợ chồng tôi khuyên các cháu dùng số tiền mà cha mẹ cho làm hành trang khi đi thi còn dư lại để mua món quà nhỏ tặng cho cha mẹ làm niềm vui. Nếu cháu nào gia cảnh khó khăn thì vợ chồng tôi nấu ăn rồi đưa đón đến tận điểm thi”.
Niềm vui duy nhất của vợ chồng ông Dũng là nhìn thấy các thí sinh có hoàn cảnh khó khăn, vơi bớt nỗi lo trong cuộc sống để đạt kết quả thi tốt nhất. 7 năm qua, hàng trăm thí sinh được vợ chồng ông cho tá túc bằng tình cảm rất nồng nàn, chân thật. Từ những người không quen biết, nhiều vị khách phương xa đã trở thành bạn và luôn gắn kết với nhau bằng cuộc gọi, tin nhắn hỏi thăm.
“Cách đây 4 năm, có 1 thí sinh nữ tại vùng quê Quảng Ngãi, nhà đông anh em, cha mẹ làm nông nên cuộc sống rất cơ cực. Không có ai đưa đi thi, thấy thương nên vợ chồng tôi lo chuyện ăn uống và chở đến điểm thi. Đến ngày về, tôi đưa cháu ra bến xe thì cháu không kìm được nước mắt, hình ảnh ấy cứ ám ảnh tôi mãi. Có những gia đình sau khi về quê còn gửi quà, hỏi thăm… nên vợ chồng tôi thấy ấm áp lắm”- ông Dũng vui vẻ nói.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.