Dồn điền đổi thửa ở Vĩnh Phúc: Làm việc gì cũng hỏi ý kiến dân

Nam Tùng Sơn Chủ nhật, ngày 22/10/2017 06:30 AM (GMT+7)
Với phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và hưởng lợi”, thực hiện một cách dân chủ, công khai tất cả các khâu, nhờ đó công tác dồn điền đổi thửa (DĐĐT) ở xã Cao Đại, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc đã thu được những kết quả khả quan.
Bình luận 0

Làm việc gì cũng hỏi ý kiến người dân

Có lẽ chưa bao giờ không khí DĐĐT ở xã Cao Đại (Vĩnh Tường) lại hào hứng, khẩn trương như bây giờ. Từ người già, trung niên, đến các chị em phụ nữ, mỗi khi các thôn họp bàn về phương án DĐĐT là lại đông vui nhộn nhịp.

img

Người dân tham gia xem, bàn bạc về quy hoạch trong việc DĐĐT ở xã Cao Đại. Ảnh:  N.T.S

"Để vận động người dân, lãnh đạo xã đã về các thôn để họp, đối thoại trực tiếp với bà con, giải quyết dứt điểm những thắc mắc. Ngoài ra, chúng tôi còn giao nhiệm vụ các cán bộ, đảng viên phải làm gương đi đầu, xung phong nhận các vị trí ruộng xấu hơn, nhường ruộng tốt, đẹp cho người dân…”.

Bà Đỗ Thị Sáng

Ông Nguyễn Bình Khiêm - nông dân cho biết, năm nay xã Cao Đại là 1 trong 2 xã của huyện Vĩnh Tường được tỉnh chọn làm thí điểm về công tác DĐĐT. Ngoài ra, huyện cũng xác định để xây dựng NTM, nâng cao đời sống, thu nhập của người dân, đặc biệt là thu nhập từ nông nghiệp thì nhất thiết phải DĐĐT, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi. Do đó, ngay từ đầu huyện đã tập trung chỉ đạo các xã thực hiện theo đúng các bước trong DĐĐT, trên cơ sở dân chủ, công khai minh bạch, trong đó người dân vừa là chủ thể tham gia, vừa là người thực hiện, nhờ đó bước đầu công tác DĐĐT khá thuận lợi.

Trao đổi với chúng tôi, bà Đỗ Thị Sáng – Bí thư Đảng ủy xã Cao Đại cho biết: Được sự chỉ đạo của tỉnh, huyện, xã đã xác định rõ để DĐĐT thành công phải có sự đồng thuận cao của toàn thể người dân. Muốn vậy, chỉ có một cách duy nhất là mọi khâu phải tiến hành dân chủ, công khai minh bạch, cán bộ đảng viên phải gương mẫu đi đầu. “Nhờ thực hiện tốt việc dân chủ, nên đến nay xã đã hoàn thành 4/9 bước DĐĐT, với 93% diện tích đã được quy chủ; hơn 91% hộ đã thực hiện ký cam kết DĐĐT, 5/10 thôn/xóm được nhân dân nhất trí với phương án do tiểu ban của thôn/xóm trình dự thảo; 5 thôn còn lại đang tiếp tục họp xin ý kiến nhân dân về phương án DĐĐT” – bà Sáng cho biết.

Theo bà Sáng, xã có 979 hộ được giao ruộng theo Nghị định 64, trong đó diện tích đất nông nghiệp quỹ 1 đã giao cho nhân dân hơn 241ha; diện tích đất công ích của xã 52ha. Bình quân mỗi hộ có 7,2 thửa ruộng ở các xứ đồng khác nhau với diện tích trung bình mỗi thửa gần 256m2. Hầu hết ruộng của các hộ phân tán, manh mún, rất lãng phí đất đai do diện tích bờ thửa nhiều, quá trình đi lại làm đất, chăm sóc, thu hoạch vừa mất thời gian vừa tốn thêm chi phí. Việc áp cơ giới hóa vào sản xuất cũng gặp nhiều khó khăn, năng suất lao động thấp, giá thành sản phẩm cao…

Để triển khai, xã đã chỉ đạo các thôn thành lập Tiểu ban DĐĐT, với sự tham gia của người dân. Sau khi thống kê diện tích đất, lên phương án chia sơ bộ, các thôn sẽ họp dân xin ý kiến, khi đã thống nhất mới đi đến thực hiện. Mặc dù vậy, trong quá trình triển khai, các thôn và xã cũng gặp phải rất nhiều khó khăn do một số người dân vẫn chưa hiểu hết về vai trò của công tác DĐĐT đối với sản xuất và xây dựng NTM.

“Để vận động người dân, lãnh đạo xã đã về các thôn để họp, đối thoại trực tiếp với bà con, giải quyết dứt điểm những thắc mắc. Ngoài ra, chúng tôi còn giao nhiệm vụ các cán bộ, đảng viên phải làm gương đi đầu, xung phong nhận các vị trí ruộng xấu hơn, nhường ruộng tốt, đẹp cho người dân…” – bà Sáng chia sẻ.

Hết cảnh manh mún

Để có được kết quả ngày hôm nay, xã Cao Đại đã từng trải qua nhiều vụ khó khăn, song nhờ công tác dân vận khéo, cách làm hay, xã và các thôn đã từng bước tháo gỡ các nút thắt. Cụ thể, tại đội 8 thôn Bình Trù, năm 1997 xã đã tổ chức san ghép ruộng đất với bình quân 2 thửa/hộ, đến nay các hộ dân không muốn tổ chức DĐĐT lại. Tuy nhiên, việc dồn ghép ruộng đất tại thời điểm trước năm 1997 không còn phù hợp do trên cánh đồng vẫn có nhiều thửa ruộng cách xa đường giao thông hàng trăm mét, khó đưa cơ giới hóa vào sản xuất…

Hay tại đội 6 xóm Chùa Nhãn, các hộ dân chưa đồng tình với phương án dồn thành 1-2 thửa ruộng mà đề nghị dồn thành 3 thửa/hộ với lý do nhà nào cũng phải có thửa ruộng tốt, ruộng xấu, ruộng trung bình...

Trao đổi với chúng tôi về kế hoạch trong thời gian tới, bà Sáng cho biết, để thực hiện thành công DĐĐT trong năm 2017, xã Cao Đại sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nhân dân hiểu và thực hiện chủ trương DĐĐT của tỉnh, huyện và xã; chỉ đạo các thôn/xóm điều chỉnh dự thảo phương án DĐĐT, trình họp chi hộ, Ban chỉ đạo xã và tổ chức họp nhân dân. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem