Đón năm Dậu, về làng Đông Hồ "săn" tranh con gà

Hồng Phú Thứ bảy, ngày 21/01/2017 15:55 PM (GMT+7)
Có 6 loại tranh gà Đông Hồ (Bắc Ninh), mỗi bức tranh lại mang ý nghĩa riêng, ở đó thể hiện những nét độc đáo trong sinh hoạt, vui chơi, lễ hội và truyền thống của dân tộc…
Bình luận 0

img

Những ngày cận Tết Đinh Dậu, xưởng tranh của gia đình nhà ông Nguyễn Đăng Chế (82 tuổi), xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh phải huy động cả gia đình làm tranh bán Tết, in nhiều nhất là tranh hình gà.

img

Ông Chế là một trong hai vị nghệ nhân cuối cùng của dòng tranh Đông Hồ. Năm 1991, sau khi về hưu, ông mới bắt đầu khôi phục nghề của tổ tiên, đến nay đã là đời thứ 21. Dòng tranh dân gian Đông Hồ có bề dày lịch sử 500 năm.

img

Năm nay là năm Đinh Dậu, các dòng trang dân gian về gà bán khá chạy. Trong ảnh, con cháu cụ Chế đang vẽ con gà hoa hồng lên giấy Dó (loại giấy mỏng, nhiều xơ, rất thấm màu mà không bị nhòe khi in).

img

Ngoài tranh in, xưởng tranh Đông Hồ còn có tranh khắc gỗ do anh Nguyễn Đăng Tám, con trai thứ của lão nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế thực hiện.

img

Anh Tám chia sẻ, đục tranh con gà đại cát mất khoảng 3 ngày vì nhiều chi tiết khó. Tranh khắc gỗ thô có giá khoảng 10 triệu đồng/bộ, nếu được sơn phủ sẽ đẹp hơn, giá lên tới 40 triệu đồng/bộ.

img

Để có được tờ tranh, các nghệ nhân phải chế bản in. Có hai loại bản khắc, khắc màu và khắc nét. Muốn có được bản khắc màu, người ta phải chọn loại gỗ thớ mềm, xốp và dễ hút màu.

img

Tranh tết Đông Hồ không phải là sự minh họa về ngày tết mà thông qua nội dung của các bức tranh, gửi gắm vào đó lời chúc tốt đẹp nhất cho một năm mới phát tài, phát lộc.

img

Năm nay, tranh Đông Hồ bán chạy nhất là tranh về gà. Nhà ông Chế đã bán được gần 2.000 cuốn lịch gà, mỗi cuốn có giá 200.000 đồng. Tranh do các con ông Chế làm tại chỗ có giá 20.000 đồng/bức chưa có khung và khoảng 100.000 đồng/bức đã đóng khung gỗ.

img

Trong cuốn lịch tranh Đông Hồ có 6 tấm tranh gà, mỗi tấm có một ý nghĩa riêng, ông Chế giải thích ý nghĩa từng bức tranh gà Đông Hồ.

img

Nổi tiếng nhất là bức tranh gà mẹ và đàn con, có ý răn đời rất hay "1 mẹ có thể nuôi được 10 con, nhưng 10 con chưa chắc đã phụng dưỡng được 1 mẹ".

img

Còn ý nghĩa của bức tranh con gà màu đỏ này, ông Chế nói: "Trong bức tranh có 5 chữ "ngũ canh hòa dạ xướng" (5 canh con gà gáy đúng thời khắc) lại là lời nhắc nhở về chữ tín mà người đời cần nhớ qua biểu hiện tiếng gà năm canh, dù nắng mưa hay giá rét không bao giờ sai. Đó là đức tính người đời cần ghi nhớ và làm theo".

img

Bức tranh có tên là "gà thư hùng", mô tả một gia đình gà, gồm gà trống, gà mái và đàn gà con. Trên tranh có dòng chữ nôm "lắm con nhiều cháu, giống cánh giống lông", với hàm ý "con nhà tông không giống lông cũng giống cánh".

img

Gà trống hoa hồng: Đối với người dân Việt Nam thì chú gà trống là biểu tượng ngũ đức của nam nhi: văn, võ, dũng, nhẫn, tín. Là những đức tính rất cần có của một bậc dũng sĩ quân tử mà người đàn ông nào cũng muốn có. Hoa hồng thì mang ý nghĩa của vinh hoa phú quý, sự sung túc, lo ấm… Gà trống ngậm hoa hồng vì vậy có ý nghĩa chúc tụng cuộc sống đủ đầy, no ấm.

img

"Hai con gà này là gà chọi ở hội làng, hội làng nào chả có chọi gà", ông Chế nói.

img

Bản khắc gỗ âm bản của gà đại cát. Gà đại cát là biểu tượng hạnh phúc, ví dụ như xây nhà hay lấy vợ, lấy chồng…

img

Rất nhiều bạn trẻ tìm đến nhà ông Chế để tìm hiểu về dòng tranh dân gian ý nghĩa này.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem