Đón xuân trong tình “cá - nước”

Thứ tư, ngày 02/02/2011 06:51 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Những cái Tết cổ truyền đầu tiên trong đời mà người dân La Hủ "lá vàng" ở Lai Châu được đón nhận đã gây nên xúc động lớn đối với bà con dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn nơi biên cương Tổ quốc.
Bình luận 0
 img
Đồng chí Bùi Từ Thiện - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu thăm hỏi, tặng quà cho bà con La Hủ ở bản Tân Biên.

Có lẽ bởi vậy mà trong đêm tất niên này, già-trẻ-gái-trai bản Tân Biên đã vượt qua mặc cảm đói nghèo, lạc hậu; cùng Bộ đội Biên phòng Lai Châu cất vang lời ca kết đoàn...

Lo Tết cho dân

Ngày cuối năm se lạnh với những cơn mưa xuân nhè nhẹ, chúng tôi cùng đoàn công tác của Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Lai Châu vượt hơn 300km từ thị xã Lai Châu để đến với đồng bào La Hủ ở bản Tân Biên (xã Pa Ủ, Mường Tè, Lai Châu). Chuyến đi này, đoàn công tác có một nhiệm vụ đầy ý nghĩa: Tổ chức Tết Nguyên đán cho bà con dân tộc đặc biệt khó khăn ở bản Tân Biên và trao nhà "Đại đoàn kết" do đơn vị xây dựng cho dân bản.

Cũng bởi ý nghĩa hết sức lớn lao đó mà trong suốt hành trình đến với Tân Biên, dù chặng đường đầy gian nan, vất vả nhưng trên xe ô tô ai cũng cảm thấy rất vui, bàn luận sôi nổi về những kinh nghiệm tổ chức Tết cho bà con người La Hủ từ mấy năm trước.

Ông Lý Xạ Pho (56 tuổi, bản Tân Biên) bảo: Cái nhà mái tôn thưng gỗ này cũng do BĐBP làm cho. Cái trò chơi ấy cũng do bộ đội dạy. Tý nữa ăn cơm Tết cũng do bộ đội mang tới. Gọi bộ đội với dân là cá với nước cũng đúng lắm. Cả đời tôi chưa mang ơn ai nặng như mang ơn Bộ đội Cụ Hồ ở cái Đồn Biên phòng 309 này. Có bộ đội là dân có Tết, có mùa xuân thôi.

Người La Hủ vốn là dân tộc ít người, sống du canh-du cư trong nhiều thế hệ qua. Cuộc sống thiếu ổn định đến nỗi nơi định cư của họ không tính bằng năm, tháng mà được đo bởi màu sắc của lá cây lợp mái lều. Khi lá cây úa vàng là họ lại du cư, vì vậy nên có tên gọi La Hủ lá vàng. Cũng bởi du canh, du cư suốt đời nơi rừng xanh núi đỏ nên người La Hủ không chỉ đói, nghèo mà cũng không có chữ viết, không biết tiếng phổ thông và không có Tết Nguyên đán.

Tháng năm với họ được đo bằng những trạng thái thời tiết, mùa vụ, đói-no... Thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước "Đảm bảo mọi người, mọi nhà cùng có Tết", 3 năm nay, BĐBP Lai Châu đã tham mưu cho UBND tỉnh và cấp trên để huy động các nguồn lực làm nhà ở, dạy chữ, dạy nghề và tổ chức Tết Nguyên đán cổ truyền dân tộc Việt Nam cho người dân La Hủ. Mỗi mùa xuân sang, BĐBP Lai Châu lại đến với một bản La Hủ vùng biên giới, tổ chức ăn Tết và hướng dẫn bà con vui xuân.

Chính vì vậy, trong chuyến công tác này, đoàn đã dành hẳn một xe ô tô để chở gạo nếp, thịt lợn, bánh, mứt, kẹo, hoa quả... đến với Tân Biên. "Năm nay, chúng tôi đã hoàn thành việc làm nhà cho 20 hộ dân trong bản, chấm dứt hoàn toàn cảnh sống du canh, du cư bao đời qua. Vì thế đơn vị cũng chọn luôn bản Tân Biên này để tổ chức Tết cho bà con. Tết có thể chưa to nhưng phải đủ, phải góp phần hình thành một khái niệm mới về cái Tết định cư đầu tiên, tạo dấu ấn văn hoá cho dân bản trong thời gian tới" - Đại tá Nguyễn Văn Tuất - Chỉ huy trưởng BĐBP Lai Châu tâm sự.

Đậm tình cá - nước !

Đồn Biên phòng 309 đứng chân trên địa bàn xã Pa Ủ đã thấp thoáng hiện ra trong lớp sương mù nhè nhẹ với lá cờ đỏ sao vàng phấp phới dưới nắng xuân. Cán bộ, chiến sĩ trong đồn ùa ra đón đoàn chúng tôi với tình cảm nồng cháy như người thân đi xa lâu ngày mới gặp. Sau mấy phút nghỉ ngơi, tâm sự, tất cả lực lượng lại tập trung về bản Tân Biên gần kề đơn vị.

Đến bản, ai cũng bất ngờ bởi một lần nữa được những người dân Tân Biên nắm tay, ôm lưng; trẻ em tíu tít bám quanh vạt áo như người nhà. Một chiến sĩ Đồn 309 cho biết: Mấy năm nay, bộ đội xuống tận nhà dân, vận động bà con định canh, định cư; hướng dẫn nông dân kinh nghiệm sản xuất mới; tối về dạy dân học chữ, học tiếng phổ thông, học cách ăn chín-uống sôi, ngủ màn rồi lại lăn lộn làm nhà cho dân bản... nên người La Hủ ở đây coi bộ đội là người nhà rồi. Dân yêu quý bộ đội lắm.

 img
Cán bộ, chiến sĩ Đồn 309 và giáo viên Trường Mầm non Pa Ủ chuẩn bị bánh chưng đón năm mới cho nhân dân.

Bên vòi nước trước căn nhà văn hoá bản, Trưởng bản Tân Biên-anh Phản Xạ Chô đang lúi húi rửa lá dong gói bánh chưng theo hướng dẫn của các chiến sĩ biên phòng. Giơ cái lá dong lên ngắm nghía một lát, anh Chô nói bằng thứ tiếng phổ thông lơ lớ: “Năm ngoái mình đã được ăn miếng bánh chưng do BĐBP làm Tết cho bản bên.

Ngon lắm. Không ngờ năm nay bộ đội lại làm Tết cho bản mình nên mình bảo thanh niên trai tráng trong bản phải học bộ đội từng việc một để sang năm lo Tết cho bà con. Phải biết gói bánh chưng, gói giò, rang thịt có hành, thịt gà có lá chanh... vừa ngon, vừa ý nghĩa. Cái bản Tân Biên này không có Nhà nước, không có BĐBP thì chưa biết sẽ khổ đến thế nào đâu cán bộ à”.

Chị Ly Phì Lơ-dân bản Tân Biên phấn khởi lắm: "Cái Tết này bộ đội về làm Tết cho dân vừa để mừng xuân, vừa mừng cho cả bản có nhà mới vững chãi nên dân bản vui lắm. Bây giờ có bộ đội để tin yêu, để học hỏi nên chắc dân La Hủ chúng tôi sẽ sớm hết khổ, hết nghèo. Tôi bây giờ đã biết đọc chữ phổ thông, biết hát nhiều bài hát mới. Tối nay ăn cơm tất niên, cán bộ nghe dân bản chúng tôi hát nhé”.

Được trưởng bản giao làm trưởng nhóm phụ nữ bản học cách chẻ lạt, vo gạo và gói bánh chưng cùng bộ đội nên chị Lơ có vẻ tất bật, xăng xái chạy ngược, chạy xuôi, hỏi cái này, giục chị em cái kia... Các chiến sĩ biên phòng cũng kiên trì hướng dẫn từng việc rất chu đáo: Cách tính định lượng gạo, thịt, đậu, muối, hạt tiêu để gói bánh chưng, cắt lá theo khuôn, thời gian đun bánh, cách đảo bánh trong nồi; cách pha thịt lợn, các gia vị hợp lý với từng món ăn... Cả bản Tân Biên hôm nay trở thành một bếp ăn tập thể đông đúc và vui nhộn.

Bữa cơm tất niên được bày ra ngay trong căn nhà văn hoá bản với đầy đủ các món ăn truyền thống ngày xuân của dân tộc. Nâng chén rượu đầu xuân, ông Bùi Từ Thiện - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu đã chúc Tết đầu năm mới cho cán bộ, chiến sĩ BĐBP và dân bản La Hủ một năm mới yên lành, hạnh phúc, ấm no! Liếc qua mâm của Trưởng bản Phản Xạ Chô, thấy giọt nước mắt của anh đã tràn bên khoé mắt. Cụng chén với tôi, anh bảo: Tôi khóc vì hạnh phúc, vì ấm no, vì cuộc đời từ mùa xuân này sẽ đổi khác. Người La Hủ ở Mường Tè đã bước sang năm mới trong tinh thần cá-nước cán bộ à.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem