Đóng cửa nhưng còn nợ thuế, chủ doanh nghiệp vẫn bị cấm xuất cảnh

Vũ Khoa Thứ hai, ngày 09/12/2024 19:13 PM (GMT+7)
Nghị định có hiệu lực từ ngày 1/1/2025 sẽ quy định rõ ngưỡng tạm hoãn xuất cảnh đối với 3 nhóm đối tượng còn đang nợ nghĩa vụ về thuế.
Bình luận 0

Theo đề nghị của Bộ Tài chính tại Dự thảo Nghị định quy định chi tiết khoản 9 Điều 6 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật chứng khoán; Luật kế toán; Luật kiểm toán độc lập, Luật ngân sách nhà nước; Luật quản lý, sử dụng tài sản công; Luật quản lý thuế; Luật thuế thu nhập cá nhân; Luật dự trữ quốc gia; Luật xử lý vi phạm hành chính, quy định về ngưỡng nợ và thời gian nợ bị tạm hoãn xuất cảnh với người nợ thuế sẽ được áp dụng với cá nhân kinh doanh, chủ hộ kinh doanh có số tiền nợ quá hạn trên 120 ngày, từ 10 triệu đồng trở lên.

Cá nhân là người đại diện theo pháp luật của người nộp thuế là doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã thuộc trường hợp bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế có số tiền thuế nợ quá hạn trên 120 ngày, từ 100 triệu đồng trở lên.

Việc tạm hoãn xuất cảnh còn được áp dụng với cá nhân kinh doanh; chủ hộ kinh doanh; cá nhân là người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã không còn hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký nhưng chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế. Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025.

Đóng cửa nhưng còn nợ thuế, chủ doanh nghiệp vẫn bị cấm xuất cảnh- Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Về quy trình, cơ quan quản lý thuế sẽ thông báo áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh bằng phương thức điện tử, khi người nộp thuế thuộc trường hợp bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế. Trường hợp không gửi được thông báo bằng phương thức điện tử thì cơ quan quản lý thuế thông báo trên trang thông tin điện tử của cơ quan quản lý thuế.

Đối với người nộp thuế, cơ quan quản lý thuế quản lý trực tiếp người nộp thuế sẽ thông báo trên trang thông tin.

Sau 30 ngày kể từ ngày thông báo cho người nộp thuế về việc áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh mà người nộp thuế chưa hoàn thành nghĩa vụ, cơ quan thuế ban hành văn bản về việc tạm hoãn xuất cảnh, gửi cơ quan quản lý xuất nhập cảnh để thực hiện tạm hoãn xuất cảnh.

Trước đó, do chưa có ngưỡng cụ thể, nên việc cơ quan thuế quản lý người nợ thuế thông qua việc tạm hoãn xuất cảnh gặp nhiều dư luận trái nhiều. Trong đó, không ít ý kiến cho rằng việc này chưa tạo thuận lợi khi doanh nghiệp gặp khó khăn tài chính nhất thời, hoặc có số tiền nợ thuế không đáng lo ngại. Đôi khi việc tạm hoãn xuất cảnh còn gây cho các chủ doanh nghiệp gặp rắc rối khi cần ra nước ngoài để ký kết hợp đồng, phát triển kinh tế.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Vũ Sỹ Cường (Học viện Tài chính), việc cưỡng chế bằng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh cần phải có ngưỡng nhất định, phù hợp với số nợ, đặc thù nợ của doanh nghiệp. Ngưỡng này không nên quá nhỏ vì cần đủ tính răn đe, không khiến chi phí hành chính quản lý phát sinh lớn, và không tạo ra số lượng người nợ thuế bị hoãn xuất cảnh quá nhiều.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem