Không ít trong số đó được Chính phủ thừa nhận là “động đất kích thích”, tức động đất do Thủy điện Sông Tranh 2 gây ra. Vậy mà các nhà khoa học sau đó vẫn kết luận bằng hai chữ “bình thường”, “an toàn”, “kể cả khi xảy ra động đất lớn hơn so với cấp động đất cực đại trong thiết kế”.
Sau những lời khẳng định “bình thường”, “an toàn”, các nhà khoa học ai về nhà nấy. Nhưng sự bình thường trên giấy không thể thay thế cho cơn ớn lạnh chạy dọc sống lưng của những người tai nghe mắt thấy sấm nổ và đất rung. Sự bình thường ở thủ đô không thể thuyết phục được những người đang sống dưới quả bom nước hiện đang cao tới 161m.
Đến hôm qua, lại xảy ra một câu chuyện vô cùng hài hước khi Bộ GDĐT có văn bản “chính thức” khẳng định: Ứng viên xét đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS phải giao tiếp được bằng tiếng Anh, phải đọc hiểu được các tài liệu chuyên môn viết bằng ngoại ngữ, viết được các bài báo chuyên môn bằng ngoại ngữ và trao đổi (nghe, nói) về chuyên môn bằng ngoại ngữ.
Nó hài hước là ở chỗ hóa ra khoa học gia tầm GS, PGS vẫn cứ phải nói chuyện nghe -nói - đọc - viết, trình A,B,C về ngoại ngữ. Và câu chuyện ngoại ngữ cho thấy tầm “ếch ngồi đáy giếng” của không ít các nhà khoa học.
Ấy thế mà khi được hỏi về chuyện mời chuyên gia nước ngoài về nghiên cứu động đất, một vị tiến sĩ Phó Viện trưởng vẫn khăng khăng rằng: Điều quan trọng hơn tất cả vẫn là sự tích cực của các nhà nghiên cứu khoa học trong nước.
Bây giờ mới thấy thông cảm cho bà Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Thị Minh khi bà nói tiền luôn nằm trong kho bạc chờ các nhà khoa học: “Cái khó ở đây là làm sao để tiêu được đồng tiền (nghiên cứu khoa học) đó”. Quả thực là Bộ Tài chính không thể chi tiền cho “ý tưởng”. Lại càng khó hơn khi mà những nghiên cứu, các khảo sát khoa học mang lại hậu quả, chứ không phải kết quả - mà những trận “động đất kích thích” mà người dân Bắc Trà My đang hàng ngày phải gánh chịu chỉ là một trong vô số những ví dụ. Chưa kể tới những đồng tiền chi ra để đổi lại những lời trấn an “bình thường”, “an toàn”.
Phong Dao
Vui lòng nhập nội dung bình luận.