Mới đây, ngày 28/5, tại ấp 3, xã Xuân Tâm (huyện Xuân Lộc, Đồng Nai), một vụ đuối nước khiến 3 học sinh tử vong. 3 học sinh thiệt mạng là em Huỳnh Tấn S. (15 tuổi, học sinh Trường THCS Nguyễn Đình Chiểu), Huỳnh Tấn P. (học sinh lớp 3 Trường tiểu học Nguyễn Văn Trỗi) và Đỗ Tấn Ph. (học sinh 5 Trường tiểu học Nguyễn Văn Trỗi). S. và P. là anh em ruột.
Qua điều tra công an xác định 3 học sinh trên rủ nhau đi chơi nhưng mãi không thấy về nhà. Khi phụ huynh chia nhau đi tìm thì phát hiện xe đạp, quần áo của các em ở trên bờ hố nước sâu tại khu vực lò gạch Hữu Đức, ấp 3, xã Xuân Tâm. Thi thể 3 học sinh lần lượt được tìm thấy trong đêm.
Trước đó, ngày 9/5, tại hồ Đa Tôn (huyện Tân Phú) đã xảy ra vụ chìm xuồng, khiến 6 người rơi xuống nước, 3 người tử vong. Được biết, những người này chèo thuyền ra hồ chơi (không mặc áo phao). Khi cả nhóm cho thuyền trở lại bờ thì gặp gió to, dẫn đến lật thuyền.
Ngày 29/4, 2 nữ sinh Trường TH-THCS Trần Quốc Tuấn (thuộc xã Giang Điền, huyện Trảng Bom) rủ nhau ra hồ nước bỏ hoang chơi. Do mải chơi hai em cũng đã trượt chân, tử vong.
Trong vòng một tháng qua, Đồng Nai đã liên tiếp xảy ra nhiều vụ đuối nước khiến 9 người tử vong.
Đồng Nai là địa phương có nhiều ao hồ, sông suối, kênh rạch nên thường xuyên xảy ra tình trạng mất an toàn khi bơi, lội, di chuyển trên ao, hồ, sông, suối dẫn đến nhiều vụ đuối nước thương tâm.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến đuối nước, trong đó ở người lớn đa số do chủ quan, đi ghe tàu vượt quá số người quy định, ra ao hồ không mặc áo phao,...
Còn ở trẻ em nguyên nhân chủ yếu do không biết bơi, thiếu sự giám sát của phụ huynh, lén đi tắm ao, suối vào buổi trưa và chọn những nơi vắng vẻ để tắm.
Ông Bùi Trường Sơn, Chủ tịch UBND xã Thanh Sơn (huyện Tân Phú, Đồng Nai) cho biết, thời gian gần đây trên hồ Đa Tôn tại địa phương đã xảy ra nhiều vụ đuối nước.
Ông Sơn cho biết, hồ Đa Tôn là hồ trữ nước lớn tại địa phương, rộng và sâu. Do không gian thoáng mát nên vào mỗi sáng và chiều hồ thu hút số lượng lớn người dân tại địa phương, các huyện lân cận và cả tỉnh Lâm Đồng ghé chơi, hóng gió, cắm trại,...
Nhiều người khi đến hồ chơi thường tự vào những nhà gần hồ (làm nghề đánh bắt thủy sản) mượn ghe rồi cùng nhau chèo ra giữa hồ chơi, rất nguy hiểm. Địa phương nắm bắt được tình hình này nên đã liên tục tuyên truyền cảnh báo đến người dân. Ngoài ra cán bộ địa phương còn cắm biển cảnh báo, yêu cầu người dân không tự ý bơi thuyền ra hồ, hạn chế nguy hiểm.
"Ở hồ Đa Tôn, hoạt động khai thác du lịch chưa được triển khai và hoàn toàn không có dịch vụ cho thuê thuyền, xuồng đi lại trên hồ. Riêng với những người dân nuôi thủy sản cũng như chèo thuyền đi làm rẫy, địa phương đã bắt ký cam kết thực hiện đúng quy định và đảm bảo an toàn trong quá trình di chuyển trên hồ”, ông Sơn nói thêm.
Liên quan đến tình trạng đuối nước, Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh Đồng Nai thống kê, tình huống xảy ra tai nạn đuối nước thường gặp là trong lúc người dân bơi, lội tại các ao, hồ, sông, suối tự nhiên bị đuối, chuột rút, hụt chân.
Đa số các vụ tai nạn đuối nước xảy ra ở nơi vắng người hoặc người trên bờ không có biện pháp ứng cứu kịp nên khi phát hiện thường nạn nhân đã tử vong. Thời gian xảy ra tai nạn đuối nước rải rác quanh năm, nhưng tập trung nhiều vào cao điểm mùa khô, mùa hè khi thời tiết nắng nóng, học sinh, người dân thường rủ nhau ra ao hồ, sông suối chơi.
Đã vào hè, nhằm ngăn chặn đuối nước Ban Chỉ đạo phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cứu hộ Đồng Nai đã phối hợp với các địa phương cắm biển báo cấm, cảnh báo nguy hiểm ở những khu vực nguy hiểm, thường xảy ra đuối nước, dông bão, lốc xoáy...
Ngành giáo dục, tổ chức đoàn - đội cũng thường xuyên tuyên truyền đến các em học sinh để các em cảnh giác, cẩn thận, không đến khu vực nguy hiểm để tắm. Bên cạnh đó, nhiều trường còn chủ động mời thầy dạy bơi về dạy cho học sinh trong trường để nâng cao kỹ năng bơi lội, giúp các em tránh được những vụ tai nạn thương tâm.
Ngành giáo dục đã và đang cố gắng thường xuyên tuyên truyền, hướng dẫn học sinh thêm nhiều kỹ năng sinh tồn để hạn chế những sự cố đáng tiếc xảy ra nhất là vào kỳ nghỉ hè.
Ông Võ Ngọc Thạch, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Đồng Nai nói, hiện nay khi nhiều trường chưa đầu tư được hồ bơi thì việc dạy bơi nên được mở rộng theo hình thức xã hội hóa. Phụ huynh cần chủ động đăng ký cho con em học bơi vì đây là một hoạt động thể chất cần thiết, tăng cường kỹ năng sinh tồn cho học sinh.
Thực tế cho thấy, vẫn chưa có giải pháp thực sự hữu hiệu trong việc ngăn chặn các nguy cơ dẫn đến đuối nước. Gia đình thiếu sự kiểm soát con trẻ; người lớn chủ quan, chính quyền địa phương thiếu sự quản lý nghiêm ngặt các điểm vui chơi tự phát; trường học thiếu các môn học bài bản về kỹ năng sinh tồn... là những nguyên nhân chính khiến nhiều sự việc đau lòng liên tiếp diễn ra.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.