Đã 25 tháng Chạp, những người làm nghề cửu vạn đang vào cao điểm tất bật “cõng hoa” dưới cái nắng chói chang , trong đêm se lạnh với mong muốn có một mùa tết ấm áp, no đủ.
Cửu vạn - tên gọi khác của nghề khuân, bốc vác thuê. Nghề này “hot” nhất vẫn là dịp cận tết bởi nhu cầu sử dụng loại hình lao động này cao hơn ngày thường. Những cửu vạn sẽ bốc vác, đưa hoa từ vườn lên xe về các đầu mối hoặc bốc vác hoa lên xe ba gác, xe máy tại các chợ hoa để người dân đưa về chưng tết.
Để tìm hiểu về những khó khăn, cuộc sống mưu sinh của những người làm nghề bốc vác dịp cận tết, PV Dân Việt đã có mặt tại những vườn hoa, chợ hoa lớn ở Đồng Nai.
Những chiếc xe tải, xe ba gác, xe máy… xếp hàng dài, nối theo là các bước chân, đôi tay thoăn thoắt làm việc của nhiều cửu vạn.
Họ đang "bán sức" dưới cái nắng chói chang, trong tiết trời se lạnh để có thêm thu nhập, trang trải cuộc sống, để có một mùa tết ấm áp, no đủ cho vợ con ở nhà.
Phần đông cửu vạn là lao động bốc vác tại các vườn hoa, vựa hoa chủ yếu là người địa phương hoặc người dân miền Tây lên.
Cuộc sống nghèo khó, họ cố gắng nhưng vẫn không đủ ăn, không đủ trang trải cuộc sống nhất là dịp tết. Vì vậy nhiều người tranh thủ "bán mặt cho đất - bán lưng cho trời", để kiếm thêm tiền...
Mong có tết ấm áp
Anh Hoàng Văn Nam, ngụ huyện Thống Nhất, Đồng Nai cho biết, nghề chính của anh là thợ hồ nhưng gần tết, công trình nghỉ xây dựng nên anh kiếm thêm nghề cửu vạn bốc hoa tết.
Mỗi ngày bốc vác thuê ở các vườn hoa, anh Nam kiếm được từ 300.000 đồng - 500.000 đồng. Có những ngày làm thêm mấy tiếng ban đêm được từ 200.000 đồng - 300.000 đồng khiến thu nhập những ngày đó tăng lên con số khoảng 700.000 đồng.
“Bình thường cũng là dân lao động tay chân nên tết cố gắng làm thêm kiếm tiền mua quà tết cho vợ con. Mỗi năm nghề này bắt đầu từ khoảng 15 tháng Chạp kéo dài đến 26 tháng Chạp là tôi sẽ tổng kết và về quê nhà ở Quảng Ngãi để ăn tết cùng gia đình. Năm nay lượng hoa ít hơn những năm trước nhưng cũng có chút đỉnh góp thêm cho tết”, anh Nam nói.
Còn ông Nguyễn Tương cho biết năm nay đã ngoài 60 nhưng ông vẫn làm nghề bốc vác dịp cuối năm để kiếm thêm. Ông Tương nói rằng nghề bốc vác rất cực khổ, chậu hoa rất nặng nên ngày nào đi làm về tay chân cũng sưng đỏ, đau nhức, ê ẩm khắp người. Tuy nhiên, sáng hôm sau vì cơm áo gạo tiền, vì cái tết của bản thân và gia đình nên ông lại cố gắng.
“Nhiều ngày mệt quá, đâm ra chán nản không muốn làm nghề này nữa nhưng gánh nặng cơm áo, gạo tiền, tết nhiều thứ phải lo, nên lại chấp nhận, được kêu là lại đi bốc hàng ngay. Ngày kiếm 500.000 đồng - 700.000 đồng vẫn đỡ hơn không có tiền”, ông Tương chia sẻ.
Tương tự anh Châu Cường Bình, người bốc vác hoa ở chợ hoa xuân Quảng trường tỉnh Đồng Nai nói rằng bình thường anh là người bốc vác ở chợ đầu mối Tân Biên, nhưng dịp này anh chuyển qua chợ hoa để mưu sinh.
Những ngày này trung bình mỗi ngày, anh làm việc từ 8 - 15 tiếng. Mỗi chiếc xe tải dừng xuống bốc hoa, sẽ ngoắc những người bốc vác đi theo và trả thù lao hậu hĩnh. Hoặc các tiệm hoa cũng sẽ ngoắc cửu vạn lại bốc vác hoa lên xe ba gác, xe máy cho người dân chở về chưng tết. Ở đây sẽ trả thù lao theo đợt, theo chuyến, theo số lượng hàng bốc được.
“Cực một xíu nhưng mỗi ngày cũng kiếm được trên 500.000 đồng, tiền này phụ vào mua quà bánh, lo cho vợ con và mẹ già dưới quê có cái tết ấm áp. Chịu khó thì có thêm mấy triệu về tết, tôi định 30 tết khi chợ hoa tan thì mới bắt chuyến xe cuối cùng để về Tiền Giang ăn tết cùng gia đình”, anh Bình cho hay.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.