Đồng Nai: Nông dân bỏ chuồng hàng loạt sau cơn "bão giá" lợn

Trần Đáng Thứ bảy, ngày 26/08/2017 12:49 PM (GMT+7)
UBND tỉnh Đồng Nai vừa chỉ đạo Sở KHĐT tạm dừng trình lên cơ quan này các hồ sơ về hỗ trợ cho doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi lợn, do số lượng lợn được nuôi ở Đồng Nai hiện đã quá nhiều, cung vượt xa cầu.
Bình luận 0

Trong khi đó, trước tình hình giá cả có nhiều biến động, Ban chỉ đạo hỗ trợ tiêu thụ lợn tỉnh Đồng Nai đã đề nghị các địa phương có tổng đàn lợn tăng tiếp tục làm việc với các trang trại, hộ chăn nuôi về việc không tăng đàn ồ ạt.

Giá lợn giống ảm đạm

img

Dù rất khó khăn nhưng ông Vòng Mằn Pắn (xã Bình Sơn, Long Thành, Đồng Nai) vẫn duy trì đàn heo nái sản xuất giống. Ảnh: T.Đ

Theo Tổng cục Thống kê, trong 6 tháng đầu năm, đàn lợn cả nước có khoảng 27,23 triệu con, giảm khoảng 1,1 triệu con so với cùng kỳ năm 2016. Đến cuối tháng 6, đàn lợn giảm khoảng 1,6 triệu con so với đầu tháng 4, do người nuôi không tái đàn.

Sở NNPTNT tỉnh Đồng Nai cho biết, theo quy hoạch, để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong tỉnh và các địa phương lân cận, đến năm 2020 tổng đàn lợn ở Đồng Nai là 2 triệu con. Tuy nhiên, mới đầu năm 2017, toàn tỉnh đã đạt con số này. Còn theo con số mới nhất của Ban chỉ đạo hỗ trợ tiêu thụ lợn tỉnh Đồng Nai, tổng đàn lợn của toàn tỉnh hiện đạt hơn 1,6 triệu con. Giá lợn hơi tại địa bàn hiện đang có dấu hiệu tăng nhẹ so với tuần trước, song tình hình tiêu thụ lợn giống và giá bán lợn giống thì khá ảm đạm.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Tấn Hậu – Giám đốc Công ty TNHH Chăn nuôi Tám Do (Long Thành, Đồng Nai) thổ lộ, cả tháng nay số lượng lợn giống của công ty bán ra thị trường “chẳng đáng là bao”. “Thường mỗi năm, thời điểm này nông dân đổ xô đi mua lợn giống tái đàn để chuẩn bị cho thị trường dịp tết. Cùng kỳ năm ngoái, lợn giống sốt giá lên đến 2,4 - 2,5 triệu đồng/cặp mà mọi người phải tranh nhau để mua. Giờ 1 con lợn giống trọng lượng khoảng 20kg chỉ còn 700.000 – 800.000 đồng mà vẫn không tìm được người để bán. Mỗi năm, số lượng lợn giống của chúng tôi bán ra trên địa bàn tỉnh Đồng Nai chiếm tới 30% tổng lượng. Giờ các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ bỏ trại rất nhiều đã ảnh hưởng đến thị trường lợn giống vốn sôi động vào những tháng cuối năm” - ông Hậu cho biết.

Tương tự, ông Phạm Nhất Huy - Giám đốc thương mại Hợp tác xã dịch vụ chăn nuôi Xuân Phú (huyện Xuân Lộc, Đồng Nai) cũng nhận xét, thị trường lợn giống hiện nay khá ảm đạm. “Đa số người nuôi vẫn đang thăm dò thị trường chứ chưa thực sự mua con giống để gầy đàn cho nhu cầu thị trường cuối năm. Giá lợn con giống vẫn chưa được cải thiện so với trước. Tình hình tiêu thụ lợn giống rất xấu” - ông Huy cho biết.

Vậy, nông dân lấy giống từ đâu khi chỉ trong một tuần đàn lợn của Đồng Nai tăng 50.000 con như thông tin từ Ban chỉ đạo hỗ trợ tiêu thụ lợn của tỉnh?

Theo ông Nguyễn Kim Đoán - Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, không thể có chuyện nông dân tái đàn nhanh như vậy, vì lấy đâu ra lợn giống sau một thời gian ngành chăn nuôi kiệt quệ. Ông Đoán cho rằng, muốn tạo con giống phải mất 5 – 6 tháng. “Xét về mặt tổng đàn là không thể tăng nóng như vậy được. Hiện, lợn giống đang trong tình trạng từ trại này chuyển sang trại khác”-ông Đoán quả quyết nói.

Chỉ nông hộ nhỏ kiệt sức?

Thực tế cho thấy, người chăn nuôi trên địa bàn vẫn đang tiếp tục giảm đàn do không còn sức để duy trì sau thời gian khủng hoảng giá kéo dài. Tuy nhiên, việc giảm đàn chủ yếu chỉ diễn ra ở những hộ chăn nuôi quy mô nhỏ lẻ, còn nhiều trang trại quy mô lớn vẫn cố duy trì đàn.

Một nông dân ở huyện Thống Nhất cho biết, gia đình ông nuôi 1.700 con lợn thịt và hơn 100 lợn nái. Trong nhiều tháng giá lợn thịt và lợn giống giảm quá sâu, chi phí thức ăn bỏ ra lớn nên ông đã buộc bán tháo để tránh lỗ. Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Thể ở xã Gia Kiệm (huyện Thống Nhất) thì vẫn duy trì đàn 350 con lợn thịt và 40 lợn nái. Mỗi ngày, ông chi gần 16 triệu đồng để mua thức ăn chăn nuôi. “Trước tôi nuôi nhiều, nhưng lỗ quá nên phải bán bớt. Đến nay gia đình vẫn còn nợ các đại lý cám số tiền hơn 1 tỷ đồng. Họ thấy tôi khó có khả năng trả nên buộc trả tiền mặt mỗi khi lấy thức ăn mới”- ông Thể nói.

Tương tự, ông Nguyễn Hữu Thắng – chủ trang trại heo ở huyện Vĩnh Cửu (Đồng Nai) cho biết, mặc dù rất khó khăn nhưng trang trại vẫn cố gắng duy trì ổn định đàn, chờ cơ hội gỡ gạc vốn vào dịpcuối năm. Nhiều trại chăn nuôi quy mô lớn, nhất là các trại nuôi gia công cho các công ty, tập đoàn nước ngoài vẫn yên tâm tăng hoặc giữ ổn định đàn vì đã có doanh nghiệp bao tiêu đầu ra.

Ông Phan Minh Báu - Phó Giám đốc Sở NNPTNT Đồng Nai cho biết hiện nay, chỉ doanh nghiệp chăn nuôi có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) là tránh được thua lỗ. “Do họ tổ chức được chuỗi sản xuất khép kín nên dù giá xuống như thế nào họ cũng không lỗ” - ông Báu nói.

Lãnh đạo một công ty chăn nuôi ở Đồng Nai cho biết, thời điểm này đang có tình trạng công ty chăn nuôi tung lợn giống giá rẻ ra thị trường. Vị giám đốc này cho biết, do công ty chăn nuôi đó trước đây nhập lợn “ông, bà” về nhiều, nhưng khi sản xuất lợn nái lại không đạt mà chỉ là lợn đực xấu. Thêm vào đó, công ty này lại không có lợn hậu bị nên họ đangphải bán rẻ heo giống ra thị trường, chứ để càng kéo dài càng lỗ nặng.

“Tôi biết, họ đang bán lợn 20kg chỉ với giá 500.000 đồng/con. Tôi tính, với giá bán này không đủ mua cám sản xuất lợn giống. Bán như vậy xem như đem cho rồi”- vị này thông tin.  

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem