Thông tin từ Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Đồng Nai cho biết, trong 12 giờ qua, mực nước trên hệ thống sông Đồng Nai vẫn ở mức cao và tiếp tục lên.
Cụ thể lúc 1 giờ sáng nay, (ngày 16/10), mực nước tại trạm Phú Hiệp trên sông La Ngà là 105,4 m; cao hơn mức báo động 2 là 0,07m.
Ngoài ra, mực nước các trạm Dĩ An, Biên Hòa cũng xấp xỉ mức báo động 2.
Riêng mực nước tại trạm Tà Lài trên sông Đồng Nai ở mức 113,02m; cao hơn mức báo động 3 là 0,02m.
Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Đồng Nai cho biết mức này chỉ thấp hơn 1,3m so với đỉnh lũ lịch sử năm 1987 là 114,31m.
Trước đó, ngày 13/10, do ảnh hưởng của lượng mua kéo dài, cùng với việc xả nước điều tiết hồ chứa thủy điện Đồng Nai 5, hơn 70ha diện tích lúa, bưởi và hoa màu của người dân xã Tà Lài (huyện Tân Phú) bị ngập trong biển nước.
Sau khi nước lũ rút, bà con sống ở ấp 4, ấp 5 xã Tà Lài đã trở về nhà, tất bật lo dọn nhà cửa, chăm sóc lại vườn tược.
Bà Vũ Thị Lan (xã Tà Lài) kể, việc chạy lũ đã không còn xa lạ với người dân sống ven sông Đồng Nai.
Tuy nhiên, năm nay do mực nước lên nhanh, nhiều người chỉ kịp mang theo đồ đạc có giá trị đi tránh lũ. Vườn bưởi da xanh không kịp thu hoạch, đành để lại.
Sau khi nước rút dần, bà Lan nhờ người dân xung quanh hỗ trợ thu hoạch bưởi và mua giúp.
Còn những trái bưởi nào chưa thu hoạch được thì ráng giữ lại. "Nếu nước rút đi sớm, mình bón phân thuốc chăm bón lại. Nếu nước rút không kịp, cây bị úng rễ và rụng trái", bà Lan nói.
Không chỉ bà Lan mà hơn 160 cây bưởi của bà Nguyễn Thị Khai ở kế bên cũng rơi vào tình trạng tương tự.
Vườn bưởi của người dân xã Tà Lài, huyện Tân Phú ngập trong nước. Ảnh: Trần Khánh
Vườn bưởi 7 năm tuổi của bà Khai vừa hồi sức sau trận lụt năm 2019 nay đang cho thu hoạch.
Thế mà chỉ sau một đêm, nước ngập sâu từ 30-60cm. "Nếu tình trạng này kéo dài thêm 2-3 ngày nữa thì cây sẽ chết, gây thiệt hại nặng cho gia đình", bà Khai chia sẻ.
Nước lũ tiếp tục lên nhanh
Ông Đặng Xuân Lâm - Phó Chủ tịch UBND xã Tà Lài cho biết, trước diễn biến phức tạp của tình hình mưa lũ, chính quyền đã tập trung toàn bộ lực lượng để hỗ trợ thu hoạch hoa màu cây ăn trái và di dời người dân trong khu vực trũng thấp ra khu vực ra khỏi vùng ngập lụt.
Thống kê sơ bộ từ trận lụt ngày 13/10 đã khiến ngập toàn bộ diện tích lúa của bà con dân tộc thiểu số ấp 4 Tà Lài với khoảng 50ha; ấp 5 bị ngập 10 ha lúa và cây ăn trái; ấp 3 bị ngập 10 ha lúa; ấp 1 bị ngập 20 ha và lúa và hoa màu.
Ngày 16/10, Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Đồng Nai dự báo: Trong 24 giờ tới, do mưa to ở thượng nguồn đổ về, kết hợp với ảnh hưởng xả tràn điều tiết tại các trạm từ các hồ chứa thủy điện thượng nguồn nên diễn biến mực nước ở các trạm sẽ còn tiếp tục thay đổi.
Tại trạm Tà Lài trên sông Đồng Nai vẫn tiếp tục lên cao; cao hơn mức báo động 3 khoảng 0,1-0,2 mét.
Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Đồng Nai tiếp tục cảnh báo nguy cơ ngập lụt ở những khu vực thấp ven sông Đồng Nai ở các xã Đăk Lua, Nam Cát Tiên, Núi Tượng, Tà Lài, Phú Thịnh (thuộc huyện Tân Phú); và các xã Thanh Sơn, Phú Vinh, Phú Tân, Ngọc Định (huyện Định Quán)
Ông Đặng Xuân Lâm - Phó Chủ tịch UBND xã Tà Lài cho biết sau những tháng ngày căng mình phòng chống dịch Covid-19, nay đời sống bà con lại tiếp tục gặp khó khăn.
Chính quyền địa phương sẽ tiếp tục đồng hành cũng người dân khắc phục thiệt hại thiên tai. Đồng thời kêu gọi người dân thường xuyên theo dõi diễn biến tình hình lũ, ngập lụt để chủ động phòng tránh.
Người dân chủ động di dời ra khỏi vùng hạ lưu, hồ, đập, vùng trũng thấp ven sông, vùng có nguy cơ lũ lụt, ngập úng cục bộ; chỉ được quay về khi đã an toàn.
Di chuyển đồ đạc, vật nuôi đến nơi cao, khu vực an toàn để tránh ngập lụt.
Người dân không nên đi qua các khu vực đập tràn, cầu cống có nước chảy xiết hoặc đường giao thông khi có lũ tràn qua.
Không được đánh bắt cá hoặc thăm ruộng khi có lũ, không được vớt củi và đồ vật trôi trên sông.
Chủ động dự trữ nước uống, lương thực, thuốc men và các vật dụng cần thiết khi có tình huống ngập úng kéo dài.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.