Theo lộ trình, tỉnh Đồng Nai sẽ thực hiện 3 giai đoạn để di dời và chuyển đổi công năng Khu công nghiệp Biên Hòa 1 và kết thúc vào năm 2025. Ba giai đoạn đó là từ năm 2014-2017; 2018-2021; 2022-2025.
Hiện nay mỗi ngày, 105 doanh nghiệp đóng tại Khu công nghiệp Biên Hòa 1 xả ra hơn 7.700m3 nước thải. ST
Theo đánh giá, hiện Khu công nghiệp Biên Hòa 1 đang nằm trong danh sách "đen" gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, tác động xấu đến môi trường nước sông Đồng Nai, nơi cung cấp nguồn nước sinh hoạt cho hơn 20 triệu dân trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Ông Trần Minh Phúc- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho rằng, mục tiêu chính của việc di dời Khu công nghiệp Biên Hòa 1 là khắc phục ô nhiễm, sau đó mới đến mục tiêu chuyển công năng thành khu đô thị dịch vụ thương mại.
Dự án chuyển đổi công năng Khu công nghiệp Biên Hòa 1 được xác định là dự án có quy mô và tầm ảnh hưởng lớn, chưa có tiền lệ ở trong nước, do đó Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận và giao cho Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai phê duyệt đề án, đồng thời yêu cầu các các bộ, ngành Trung ương xem xét đưa ra các chính sách hỗ trợ theo quy định. Theo đề án, tổng diện tích chuyển đổi Khu công nghiệp Biên Hòa 1 là 324ha, với 107 doanh nghiệp, trong đó hiện có 96 doanh nghiệp đang hoạt động, 11 doanh nghiệp chưa triển khai hoặc ngừng hoạt động.
Các doanh nghiệp trong Khu công nghiệp Biên Hòa 1 thu hút trên 26.000 lao động. Tổng kinh phí thực hiện chuyển đổi công năng Khu công nghiệp Biên Hòa 1 là trên 11.000 tỷ đồng, bao gồm toàn bộ chi phí đầu tư xây dựng, giải phóng mặt bằng, tiền sử dụng đất và các khoản hỗ trợ chi phí đầu tư hạ tầng kỹ thuật khu nhà ở công nhân tại Khu công nghiệp Giang Điền (điểm di dời đến), hỗ trợ di dời, hỗ trợ đời sống và ổn định sản xuất, hỗ trợ người lao động, tái sản xuất tại vị trí mới. Về định hướng đầu tư, có 26 doanh nghiệp muốn tự đầu tư chuyển đổi theo quy hoạch, với diện tích trên 99ha; có 7 doanh nghiệp muốn tham gia công ty cổ phần cấp 1 trong việc thực hiện chuyển đổi di dời...
Vui lòng nhập nội dung bình luận.