Đồng Nai sẽ kiểm tra các sạp bày bán thịt gà nhan nhản ở lề đường
Đồng Nai: Thực hư tình trạng thịt gà đổ bán ở lề đường nhưng vẫn có dấu kiểm dịch?
Nha Mẫn
Thứ sáu, ngày 07/04/2023 12:28 PM (GMT+7)
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Văn Phi yêu cầu lực lượng thú y phải tăng cường kiểm tra việc giết mổ gia súc gia cầm, nhất là tình trạng một số nơi đổ thịt gà ra lề đường bán nhưng vẫn thấy đóng dấu kiểm dịch.
Giết mổ gia cầm sống trên vỉa hè, lề đường, người tiêu dùng không quan tâm
Thông tin từ Chi cục Chăn nuôi - Thú y Đồng Nai, từ cuối năm 2022 đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh Đồng Nai đã xảy ra một số ổ dịch trên đàn gia súc gia cầm, như ổ dịch bệnh cúm gia cầm H5N1 tại xã Vĩnh Tân (huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai), ổ dịch tả heo châu Phi tại TP.Long Khánh. Gần đây nhất, có trường hợp người dân bị tử vong do bệnh dại tại TP.Biên Hòa.
Đáng lo ngại là, thời gian qua, tại TP.Biên Hòa (Đồng Nai) vẫn xảy ra tình trạng giết mổ gia cầm sống ở vỉa hè, lề đường trong các khu dân cư, các khu chợ, tập trung nhiều nhất là ở các chợ tự phát TP.Biên Hòa với đông công nhân mua bán vào giờ tan ca.
Nhiều người tổ chức giết mổ gia cầm tại nơi bán. Chất thải từ việc giết mổ đổ tràn lan trên vỉa hè, lề đường… Trong khi đó, người tiêu dùng lại chuộng mua gia cầm giết mổ tại chỗ về sử dụng, không quan tâm đến việc gia cầm này nguồn gốc ra sao, kiểm dịch hay chưa.
Ông Nguyễn Trường Giang, Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - Thú y Đồng Nai, cho biết theo quy trình kiểm soát giết mổ gia cầm tại các cơ sở giết mổ được cấp phép, gia cầm đưa vào giết mổ phải có hồ sơ, sổ sách ghi chép về nguồn gốc; có giấy chứng nhận kiểm dịch.
Gia cầm trước khi vào giết mổ phải được kiểm tra lâm sàng, nếu có dấu hiệu bất thường đều phải được đánh dấu, tách riêng, theo dõi và xử lý theo quy định. Trong quá trình giết mổ phải đảm bảo quy trình về vệ sinh an toàn thực phẩm.
Trên thực tế, gia cầm được buôn bán, giết mổ tự phát hầu như là sản phẩm không rõ nguồn gốc; việc kiểm dịch bị thả nổi nên khó kiểm soát.
“Với tình hình như hiện nay, nguy cơ các loại dịch bệnh tiếp tục phát sinh và lây lan ở vật nuôi trên địa bàn tỉnh là rất cao. Kết quả giám sát chủ động cho thấy các mầm bệnh còn lưu hành với tỷ lệ tương đối cao ở ngoài môi trường. Hiện nay thời tiết thay đổi, diễn biến phức tạp cũng là điều kiện thuận lợi cho các loại mầm bệnh phát triển, ảnh hưởng đến sức đề kháng của vật nuôi. Khó khăn nhất trong quản lý dịch bệnh của ngành chăn nuôi là còn tồn tại giết mổ nhỏ lẻ, nhất là giết mổ trái phép ở nhiều nơi”, ông Giang nhấn mạnh.
Một số nơi đổ thịt gà ra lề đường bán, nhưng vẫn có đóng dấu kiểm dịch
Mới đây, vào đầu tháng 4, tại buổi làm việc về mạng lưới giết mổ động vật tập trung và xử lý giết mổ trái phép trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, ông Võ Văn Phi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho rằng, nếu không kiểm soát tốt việc giết mổ gia súc gia cầm không phép sẽ ô nhiễm môi trường, không kiểm soát được an toàn dịch bệnh.
Ông Phi đề nghị các địa phương cần phải thống kê đầy đủ có bao nhiêu cơ sở giết mổ không phép, để lãnh đạo tỉnh bố trí đi kiểm tra và xử phạt, buộc ngưng hoạt động. Song song đó, Cục Quản lý thị trường tỉnh cần phối hợp chặt chẽ, để cùng tham gia quản lý, xử lý vi phạm.
"Lực lượng thú y phải kiểm tra đúng quy định, nhất là việc có một số nơi đổ thịt gà ra lề đường bán, nhưng vẫn có đóng dấu kiểm dịch. Về chính sách cho người tham gia truy quét các lò mổ lậu, các đơn vị xem xét lại hướng đề xuất, xây dựng kế hoạch để phối hợp các ngành để có kinh phí chi thêm cho lực lượng này", ông Phi nhấn mạnh.
Chia sẻ với Dân Việt, ông Nguyễn Trường Giang nói rằng hiện nay tại các tự phát ở phường Tân Biên gần khu công nghiệp, thỉnh thoảng có xuất hiện thịt gà bàn bán tràn lan. Vấn đề này lực lượng quản lý thị trường sẽ có trách nhiệm kiểm tra xử lý. Nếu TP.Biên Hòa có thành lập đoàn kiểm tra liên ngành thì lực lượng thú y cũng sẽ tham gia kiểm tra tình trạng này.
Theo báo cáo từ Sở NNPTNT Đồng Nai, tính đến tháng 3/2023, Đồng Nai có 44 cơ sở giết mổ động vật được Chi cục Chăn nuôi và Thú y kiểm soát. Các cơ sở này có công suất bình quân giết mổ 60 con trâu bò, 2.100 con heo và 40.000 con gà mỗi ngày.
Ngoài ra, tại các huyện, thành phố thuộc địa bàn tỉnh còn tồn tại khá nhiều điểm giết mổ không phép. Trong năm 2022 và đầu năm 2023, ngành chức năng đã xử phạt hàng trăm trường hợp giết mổ không phép trên địa bàn toàn tỉnh.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.