Công khai mua bán
Các cơ sở kinh doanh rác thải công nghiệp nguy hại tâp trung chủ yếu ở các tuyến phố: Nguyễn Ái Quốc, Bùi Văn Hoà (TP.Biên Hoà), Quốc lộ 1A (từ ngã ba Trị An, Trảng Bom đến công viên 30.4, phường Tân Biên, TP.Biên Hoà).
Tại đây, diễn ra mua bán công khai các loại vỏ can, thùng, phuy sắt, phuy nhựa… từng được sử dụng để đựng hoá chất trong các công ty, nhà máy. Những vỏ can, thùng, phuy này phổ biến là loại có dung tích từ 10 - 300 lít, có loại lên đến 1.000 lít, được bán cho người dân làm phương tiện chứa nước sinh hoạt, chứa nước tưới cây hoặc dùng đựng các sản phẩm nông nghiệp và làm phao kết bè nuôi cá.
Ghé vào cơ sở kinh doanh thùng, phuy có tên T.V trên đường Nguyễn Ái Quốc (đoạn thuộc phường Tân Hiệp), chúng tôi được bà chủ chào mời: “Ở đây bán các loại phuy, thùng lớn nhỏ. Những cái đem bán đều được tôi súc rửa bằng bột giặt, có thể dùng đựng nước an toàn. Tôi dùng 2 thùng nhựa loại 1.000 lít đựng nước sinh hoạt, không ảnh hưởng gì nên cứ yên tâm”.
Theo ghi nhận của phóng viên, cơ sở này có đến hàng chục chiếc thùng, phuy lớn nhỏ bày la liệt từ ngoài vào trong. Ngoài số thùng, phuy đã được súc rửa đem bán, cơ sở này còn chứa nhiều thùng khác vừa nhập về, chưa được súc rửa, có mùi hắc nồng như mùi thuốc tẩy.
Một số cơ sở kinh doanh rác thải công nghiệp nguy hại trên Quốc lộ 1A (từ ngã ba Trị An, huyện Trảng Bom đến công viên 30.4, phường Tân Biên, Biên Hoà) lại tiến hành mua, bán dưới hình thức thu mua phế liệu. Những cơ sở này “ăn hàng” từ các công ty trong vùng rồi bán lại cho người có nhu cầu hoặc các cơ sở kinh doanh khác mà không qua phương thức tẩy rửa nào.
Siết chặt và xử lý nghiêm?
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Nai, các loại bao bì, rác thải công nghiệp nguy hại có thể gây rủi ro về sức khoẻ cho người sử dụng, thậm chí gây tử vong, tổn thương nghiêm trọng. Ngoài ra có thể gây bệnh ung thư, gây đột biến gene và gây độc cho sinh sản thông qua đường ăn uống, hô hấp hoặc qua da.
Bởi vậy, đơn vị này đã khuyến cáo đến người dân không nên mua và sử dụng các loại chất thải nguy hại này để chứa nước, hoặc đựng các loại vật dụng, thực phẩm…
Về phương án xử lý đối với hoạt động buôn bán chất thải công nghiệp nguy hại, Ông Nguyễn Ngọc Thường- Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Đồng Nai cho biết, UBND tỉnh Đồng Nai đã chỉ đạo UBND các huyện Long Thành, Nhơn Trạch, Trảng Bom và TP.Biên Hòa thực hiện kiểm tra các cơ sở thu mua phế liệu và tiến hành đình chỉ hoạt động, di dời các cơ sở không có giấy đăng ký kinh doanh và thủ tục môi trường.
Ông Thường cũng khẳng định, trong thời gian tới Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, siết chặt việc chuyển giao chất thải giữa chủ nguồn thải và đơn vị thu gom, vận chuyển chất thải nguy hại để hạn chế chất thải nguy hại thất thoát ra môi trường. Tránh gây ảnh hưởng đến môi trường và gây hại đến sức khỏe người dân.
Thông tư số 12/2011/TT-BTNMT ngày 14.4.2011 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định: Các bao bì chứa hóa chất sau khi sử dụng phải được chuyển giao cho đơn vị có chức năng thu gom, xử lý bằng công nghệ xử lý phù hợp, đảm bảo chất thải sau xử lý không còn nhiễm thành phần nguy hại.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.