Ngày 31/5, Cục Thống kê Đồng Nai cho biết trong 5 tháng đầu năm, thu hút vốn đầu tư FDI của tỉnh Đồng Nai chỉ đạt hơn 287 triệu USD, bằng 39% so với cùng kỳ năm 2021.
Đáng nói, nửa năm qua, Đồng Nai chỉ cấp mới 10 dự án với vốn đăng ký hơn 83 triệu USD, bằng 30% so với cùng kỳ năm trước và điều chỉnh tăng vốn 27 dự án với hơn 204 triệu USD chỉ bằng 44% so với cùng kỳ.
Như vậy 5 tháng đầu năm 2022, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Đồng Nai đang bị giảm sâu.
Ông Phạm Văn Cường, Phó Trưởng ban phụ trách Ban Quản lý các KCN Đồng Nai cho biết, năm nay dòng vốn FDI vào các khu công nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh Đồng Nai giảm mạnh là do các khu công nghiệp tại Đồng Nai còn rất ít đất để cho doanh nghiệp thuê.
Vì vậy, nhiều doanh nghiệp FDI sau khi đến tỉnh để khảo sát thăm dò thực tế không tìm được diện tích đất công nghiệp lớn để xây dựng nhà máy theo kế hoạch ban đầu đã rời đi, chọn tỉnh khác làm nơi dừng chân.
Để thu hút nguồn vốn đầu tư từ doanh nghiệp FDI, ông Cường nói rằng Đồng Nai cần nhanh chóng giải phóng mặt bằng cho các khu công nghiệp để các công ty hạ tầng có mặt bằng, có đất cho doanh nghiệp thuê. Chỉ như vậy Đồng Nai mới tăng được sức hút, tăng vốn đầu tư từ doanh nghiệp FDI.
Được biết, mới đây Tập đoàn Pandano - doanh nghiệp trang sức hàng đầu thế giới của Đan Mạch, đã đến tỉnh Đồng Nai khảo sát và muốn thuê đất tại Khu công nghiệp Công nghệ cao Long Thành để đầu tư nhà máy sản xuất có công suất lên đến 60 triệu sản phẩm/năm, chiếm hơn 30% sản lượng các nhà máy của tập đoàn.
Tuy nhiên, nếu muốn xây dựng nhà máy tại đây thì doanh nghiệp phải chờ đợi lâu mới có đất nên đã dời sang Bình Dương để thuê đất xây nhà máy. Với việc để tuột mất doanh nghiệp này, Đồng Nai mất đi dòng vốn FDI lên đến 100 triệu USD.
Trong khi đó, đại diện Sở Kế hoạch - Đầu tư cho biết, Đồng Nai là cửa ngõ của các tỉnh phía Nam, có lợi thế về giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy và cả hàng không. Nếu doanh nghiệp đầu tư vào tỉnh Đồng Nai sẽ giảm nhiều chi phí, rút ngắn được thời gian vận chuyển hàng hóa.
Nhưng thời gian qua, việc giải quyết hồ sơ thủ tục thành lập mới khu công nghiệp còn chậm và công tác bồi thường giải phóng mặt bằng cho các khu công nghiệp mở rộng kéo dài nên Đồng Nai thiếu đất công nghiệp cho thuê.
Nhiều doanh nghiệp FDI vì không thể chờ có đất nên đã chọn một số tỉnh bạn lân cận Đồng Nai để đầu tư.
Về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Nguyễn Thị Hoàng cho biết, lãnh đạo tỉnh Đồng Nai cũng đã làm việc với các công ty hạ tầng khu công nghiệp cùng các địa phương để nắm bắt những khó khăn, vướng mắc trong việc bồi thường giải phóng mặt bằng để có giải pháp kịp thời tháo gỡ nhằm đẩy nhanh tiến độ thu hồi đất xây dựng, mở rộng khu công nghiệp.
Mục tiêu của tỉnh Đồng Nai là sớm hoàn thành công tác bồi thường, giao mặt bằng cho chủ đầu tư xây dựng hoàn thiện hạ tầng, có đất cho doanh nghiệp thuê xây dựng nhà máy sản xuất tại Đồng Nai.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.